17/12/2015 12:01 GMT+7

Ngân sách không phải tiền nhà, phải xếp hiệu quả 
trên công bằng

NHƯ BÌNH thực hiện (nhubinh@tuoitre.com.vn)
NHƯ BÌNH thực hiện (nhubinh@tuoitre.com.vn)

TT - Cơ quan kiểm toán phát hiện nhiều địa phương buông lỏng trong chấp hành kỷ luật ngân sách. Các giải pháp khắc phục tình trạng này ra sao?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - Ảnh: Duyên Phan
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - Ảnh: Duyên Phan

Xung quanh việc cơ quan kiểm toán phát hiện nhiều địa phương buông lỏng trong chấp hành kỷ luật ngân sách, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông ĐỖ THIÊN ANH TUẤN, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, về các giải pháp khắc phục tình trạng này.

* Theo ông, lỗ hổng lớn nhất trong quản lý chi tiêu ngân sách dẫn đến tình trạng các địa phương “nghèo mà thích xài sang” nằm ở đâu?

- Hiện nay, phương trình phân cấp ngân sách của VN đang lộ ra nhiều bất cập với công thức: chi tiêu địa phương = thu ngân sách địa phương + thu ngân sách phân chia (x) tỉ lệ phân chia + chi chuyển giao từ trung ương. Với mô hình này, việc các địa phương tìm mọi cách tăng chi địa phương càng nhiều càng tốt là điều dễ hiểu.

Bởi nếu phần chi không đủ sẽ được giữ lại ngân sách địa phương thu, nếu không đủ chi nữa thì trung ương sẽ rót thêm tiền. Thiếu sẽ được bù.

Điều này tạo cho địa phương động cơ chi tiêu càng nhiều càng tốt vì ngân sách trung ương sẽ bù đắp hết, trong khi đáng ra chúng ta phải khuyến khích, tạo động cơ càng tiết kiệm càng có lợi, nếu xài hoang phí sẽ bị phạt.

Thứ hai, triết lý tăng trưởng của chúng ta hiện nay thiên về công bằng hơn hiệu quả. Trong điều kiện ngân sách là hữu hạn, nếu thiên về hiệu quả lẽ ra ngân sách cần được ưu tiên về những địa phương có hiệu suất sinh lời đồng vốn cao nhất để tập trung phát triển, nhưng chúng ta có tâm lý lấy của nơi này bù nơi khác.

Thay vì tìm cách nuôi dưỡng “chiếc bánh ngân sách” phình to lên thì chúng ta đã vội chia ngay khi nó còn ít ỏi. Nhiều địa phương đáng lẽ được giữ và sử dụng nguồn lực để phát huy tiềm năng, lợi thế thì phải vắt kiệt để đưa về tỉnh nghèo.

Cơ chế này dẫn đến nhiều địa phương chỉ có động cơ hưởng thụ chứ không có động cơ cải thiện năng suất, kéo tất cả cùng đi xuống đáy, địa phương làm được cũng không có động cơ cải thiện vì làm được bao nhiêu phải chia về cho nơi khác.

Cần phải thay đổi triết lý về phát triển, phải ưu tiên hiệu quả. Nói cách khác, chúng ta cần phải thay đổi cơ chế, động cơ phân cấp. Phân cấp ngân sách nhà nước là để đảm bảo hiệu quả chứ không phải để ưu tiên cho công bằng, hiệu quả phải 70, còn công bằng chỉ 30 thôi.

* Vậy theo ông, giải pháp cho tình trạng này như thế nào khi chúng ta có hội đồng nhân dân giám sát, có Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước… quản lý?

- Theo tôi, trong ngắn hạn trước mắt Chính phủ phải tập trung xử lý vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Những địa phương đang bị nợ nần, đầu tiên phải truy trách nhiệm người đứng đầu, làm như vậy mới yên lòng dân. Đó là tiền đề tạo ra sự đồng thuận của người dân. Làm được vậy thì những giải pháp tiếp theo mà tôi nói ra đây mới được ủng hộ.

Tiếp theo phải buộc các địa phương tự cắt giảm những khoản chi tiêu năm sau, tự thắt lưng buộc bụng, dành một phần dự toán năm sau đền bù khoản nợ năm trước. Phải siết lại như thế, tiền đâu mà đưa thêm nữa.

Khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giải cứu các nước bị vỡ nợ, điều đầu tiên họ cũng yêu cầu chính phủ các nước phải thắt lưng buộc bụng, tại sao các địa phương không làm vậy? Địa phương phải xác định được mỗi năm dành ít nhất bao nhiêu phần trăm để trả nợ.

Kiên quyết năm sau không để xảy ra tình trạng vung tay quá trán, tăng cường giám sát chi tiêu và giải trình định kỳ 3 tháng/lần để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh. Phải báo cáo cập nhật tình hình chi tiêu ngân sách, chứ không thể để đến cuối năm lại bảo “tỉnh hết tiền rồi”.

Chứ như hiện nay chúng ta quá buông lỏng giám sát chi tiêu, các địa phương cứ chi tiêu xả láng, đến cuối năm mới vỡ nợ “nhờ” có đoàn thanh tra, kiểm tra của Chính phủ. Trong trường hợp này, ban tài chính ngân sách của hội đồng nhân dân tỉnh cũng phải có trách nhiệm việc giám sát.

Sẽ giám sát các dự án đầu tư không hiệu quả

Ông Quách Đại Hiếu, phó trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Bạc Liêu, cho biết đối với dự án nhà ở sinh viên tỉnh Bạc Liêu khi tiến hành các bước đầu tư, ban không được mời tham gia phản biện. Còn về các dự án đầu tư nhưng không phát huy hiệu quả nói chung, trước đây HĐND tỉnh đã có chuyên đề giám sát nhưng sau đó lãnh đạo tỉnh có nói “chậm lại” nên không thực hiện chuyên đề này cho đến nay.

Vì vậy, theo ông Hiếu, HĐND tỉnh đã có chương trình giám sát trong năm 2016 đối với các dự án đầu tư dở dang, hiệu quả kém, kể cả dự án nhà ở xã hội để có đánh giá toàn diện việc đầu tư nhưng hiện tại chưa có danh mục cụ thể.

Đối với dự án nhà hát ba nón lá, ông Hiếu cho rằng việc này Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận rồi nên Ban kinh tế ngân sách không giám sát trong đợt tới.

Còn bà Huỳnh Kim Nguyên - phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long - cho biết việc giám sát tài chính vẫn được HĐND theo dõi chặt chẽ, năm nào HĐND cũng đưa vào và giao cho ban kiểm tra kinh tế ngân sách HĐND trực tiếp thẩm tra và hầu như năm nào cũng phát hiện vấn đề về chi tiêu.

Theo bà Nguyên, thông thường khi phát hiện những sai phạm về thu chi ngân sách, HĐND chỉ yêu cầu giải trình, trả lời trước HĐND. Bà Nguyên nhận định: “Luật giám sát ban hành đã có quy định về việc chế tài khi giám sát và phát hiện sai phạm.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khó thực hiện. Cần phải có những quy định chế tài cụ thể hơn nữa để nâng cao quyền giám sát của HĐND, như trường hợp khi thực hiện việc giám sát mà không nhận được sự trả lời”.

C.QUỐC - S.LÂM - T.HẰNG

NHƯ BÌNH thực hiện (nhubinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên