16/07/2019 10:51 GMT+7

'Ngân sách hạnh phúc' của xứ kiwi

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Với các vấn đề còn tồn tại sau vẻ ngoài giàu có như tỉ lệ tự tử cao, tình trạng vô gia cư không giảm..., cuối tháng 5 vừa qua, New Zealand đã có bước đột phá khi hướng tới đo đạc sự thịnh vượng của quốc gia dựa trên hạnh phúc của người dân.

Ngân sách hạnh phúc của xứ kiwi - Ảnh 1.

Hình ảnh được chọn đưa lên trang bìa “Ngân sách hạnh phúc” của New Zealand công bố ngày 30-5-2019 - Ảnh chụp màn hình Getty Images

Đảo quốc New Zealand, hay được biết tới với cái tên gần gũi là xứ sở kiwi, sở hữu nhiều "cái đầu tiên" ấn tượng: quốc gia đầu tiên trao cho phụ nữ quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc hội vào năm 1893 (trước cả Mỹ và Anh 25 năm), có nghị sĩ chuyển giới công khai đầu tiên trên thế giới, và mới đây nhất là "ngân sách hạnh phúc" (tạm dịch từ well-being budget) đầu tiên ở phương Tây.

New Zealand có tốc độ tăng trưởng GDP mà nhiều quốc gia khác trên thế giới phải ghen tị. Nhưng với người New Zealand, tăng trưởng GDP này không được hiểu là có tiêu chuẩn sống cao hơn hay cơ hội tốt hơn. Làm sao có thể là một ngôi sao khi tình trạng vô gia cư, nghèo đói ở trẻ em và sự bất bình đẳng ngày càng tăng?

Bộ trưởng Tài chính Grant Robertson

GDP không phải thước đo duy nhất

Với động thái trên, Chính phủ New Zealand sẽ không xem tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là thước đo duy nhất để đánh giá sự thịnh vượng của quốc gia. Lý do được đưa ra là vì GDP giúp đo đạc tăng trưởng kinh tế, nhưng lại không cho chúng ta bất kỳ thông tin nào về chất lượng của hoạt động kinh tế hay mức độ hạnh phúc của người dân.

GDP không nói lên được liệu mỗi người dân có đang vật lộn với khó khăn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, hay liệu mọi người có được tiếp cận giáo dục và chăm sóc y tế hay không. GDP cũng không hiển thị chi tiết liệu người ta có cảm thấy an toàn, có vui vẻ và tự hào khi sống ở New Zealand hay không.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết chỉ dùng GDP không thể bảo đảm được việc cải thiện các tiêu chuẩn sống và cũng không đánh giá được "ai hưởng lợi, ai bị bỏ sót".

Theo trang Vox, thay vì đáp ứng các mục tiêu GDP, "ngân sách hạnh phúc" của New Zealand yêu cầu tất cả khoản chi mới hướng tới 5 mục tiêu cụ thể gồm: tăng cường sức khỏe tâm thần, giảm cảnh nghèo đói ở trẻ em, cải thiện điều kiện sống của người bản xứ, hướng tới một nền kinh tế carbon thấp và hưng thịnh trong kỷ nguyên số.

Để đo lường các tiến triển hướng tới những mục tiêu này, New Zealand sẽ sử dụng 61 chỉ số theo dõi mọi thứ từ sự cô đơn đến niềm tin vào các tổ chức chính phủ, bên cạnh các vấn đề truyền thống hơn như chất lượng nước. Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết chính phủ của bà đã đặt nền tảng cho không chỉ chính sách hạnh phúc mà còn là một cách tiếp cận khác cho quá trình soạn thảo ngân sách.

Trong số những khoản chi đáng chú ý nhất trong "ngân sách hạnh phúc" lên tới 3,8 tỉ NZD (2,48 tỉ USD) mỗi năm trong giai đoạn dự kiến 4 năm của New Zealand, có tới 1,9 tỉ NZD dành cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần trong giai đoạn này, theo Hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, Hãng tin Bloomberg nhận định để thành công, New Zealand cũng không nên phớt lờ vai trò của tăng trưởng kinh tế trong việc giúp người dân hạnh phúc nếu nhìn về tổng thể. "Trong ngữ cảnh này, khu rừng vốn quan trọng hơn những cái cây" - Bloomberg so sánh.

Tranh cãi

Với cách tiếp cận mới toanh và tính hiệu quả cũng chưa được kiểm chứng, việc "ngân sách hạnh phúc" của Chính phủ New Zealand đón nhận một số chỉ trích không có gì lạ lẫm. "Người New Zealand sẽ không hưởng lợi từ một chính phủ phớt lờ nền kinh tế ì ạch. Chúng ta sẽ đối mặt với các nguy cơ kinh tế đáng kể trong những năm tới" - nghị sĩ Amy Adams đến từ Đảng Quốc gia (NP) đối lập ở New Zealand cảnh báo.

Trong khi đó, những người ủng hộ Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh tiền không phải là loại "vốn liếng" duy nhất cần được quan tâm tại một quốc gia. Bởi lẽ sức khỏe tâm thần và ý thức cộng đồng cũng là những dạng vốn quan trọng không kém dù chúng vô hình. New Zealand không phải là quốc gia đầu tiên xem xét đánh giá sự thịnh vượng dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân, nhưng đây là trường hợp đầu tiên công bố ngân sách tập trung rõ ràng vào khái niệm đó.

Jigme Singye Wangchuck, vị vua thứ tư của Bhutan, đã đặt ra thuật ngữ "tổng hạnh phúc quốc gia" (GNH) vào thập niên 1970 khi ông đánh giá "GNH quan trọng hơn GDP". Đến năm 2008, Bhutan chính thức đưa GNH vào hiến pháp của nước này.

Trong khi đó, các nước Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy từ lâu chú trọng phúc lợi, sức khỏe cộng đồng... và luôn nằm trong nhóm những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Một ví dụ khác là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Năm 2016, đất nước Trung Đông này đã tạo ra một vị trí mới toanh trong nội các: bộ trưởng hạnh phúc. Bà Ohood bint Khalfan Al Roumi đã được bổ nhiệm vào vị trí này thời điểm đó.

Quan tâm toàn cầu

Hạnh phúc quốc gia cũng dần nhận được sự quan tâm toàn cầu. Năm 2011, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã công bố báo cáo hạnh phúc đầu tiên liên quan tới các quốc gia thành viên. Hay vào năm 2012, Liên Hiệp Quốc bắt đầu công bố báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên.

Phụ nữ biểu tình ở xử sở hạnh phúc Thụy Sĩ để đòi gì? Phụ nữ biểu tình ở xử sở hạnh phúc Thụy Sĩ để đòi gì?

TTO - Chưa bao giờ phụ nữ Thụy Sĩ lại nghỉ việc để xuống đường biểu tình đông đến vậy. Ở rất nhiều thành phố, cuộc đình công - biểu tình kéo dài đến tận tối 14-6, dù phần khởi động đã bắt đầu từ tối 13-6 ở Lausanne.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên