16/06/2019 09:20 GMT+7

Phụ nữ biểu tình ở xử sở hạnh phúc Thụy Sĩ để đòi gì?

ÁNH SAO (từ Thụy Sĩ)
ÁNH SAO (từ Thụy Sĩ)

TTO - Chưa bao giờ phụ nữ Thụy Sĩ lại nghỉ việc để xuống đường biểu tình đông đến vậy. Ở rất nhiều thành phố, cuộc đình công - biểu tình kéo dài đến tận tối 14-6, dù phần khởi động đã bắt đầu từ tối 13-6 ở Lausanne.

Phụ nữ biểu tình ở xử sở hạnh phúc Thụy Sĩ để đòi gì? - Ảnh 1.

Những phụ nữ Thụy Sĩ xuống đường biểu tình ở Zurich ngày 14-6 - Ảnh: Reuters

Chưa bao giờ phụ nữ Thụy Sĩ lại xuống đường biểu tình có tổ chức lớp lang đến vậy. Họ đòi gì? Họ đòi "có nhiều thời gian nghỉ ngơi, nhiều tiền hơn và được tôn trọng hơn". Nói tóm gọn là đòi bình quyền nhiều hơn nữa, đòi được ghi nhận sự hi sinh trong cuộc sống gia đình, rồi chống lại những hình thức bạo lực giới tính và tình dục...

Các hình thái biểu tình cũng đa dạng. Nơi thì đi theo đoàn thổi còi inh tai, nơi đẩy xe trẻ con, nơi nghỉ ăn trưa dài hơn quy định... Những phụ nữ nào không xuống đường được trong ngày thì được kêu gọi tham gia hoạt động biểu tình từ 15h24 ngày 14-6. 

Vì sao từ thời điểm đó? Tính toán cho thấy do bất bình đẳng trong lương bổng (thấp hơn nam giới 20%) nên xem như từ khoảng giờ trên cho đến hết ngày làm việc, phụ nữ đang phải làm việc "không công" cho công ty.

Thời điểm ngày 14-6 cũng là sự lựa chọn có chủ ý. Cách đây đúng 28 năm, vào ngày này, Liên bang Thụy Sĩ đã bỏ phiếu thông qua điều luật ghi vào hiến pháp về bình quyền nam nữ. Cũng nên nhớ rằng 10 năm sau đó, vào ngày 14-6-1991, phụ nữ Thụy Sĩ đã một lần đình công đòi bình quyền, thu hút đến nửa triệu phụ nữ (trong số 4 triệu dân nước này) tham gia.

Gần 20 năm sau, họ phải xuống đường một lần nữa vì cảm thấy những gì được ghi trong hiến pháp chưa được đưa vào cuộc sống. Những điều luật tạo công bằng cho phụ nữ được phê chuẩn quá chậm chạp. 

Những tưởng Thụy Sĩ là đất nước nhiều hạnh phúc nhưng đến nay, phụ nữ sinh con xong thường rất dễ mất việc làm. Thống kê cho thấy 1/7 bà mẹ trẻ bị mất việc sau khi nghỉ hộ sản. Người chủ sử dụng lao động hoàn toàn có quyền quyết định sa thải, bất chấp luật liên quan hộ sản.

Mà nói đâu xa, ngay trong cuộc biểu tình lần này, nhiều doanh nghiệp vẫn từ chối trả lương ngày xuống đường này cho nữ nhân viên. Vậy nên họ phải xin nghỉ phép hoặc phải bị trừ ngày lương nếu ngày phép đã hết.

Cuộc biểu tình quy mô lần này được xem là hiếm hoi ở một đất nước yên bình như Thụy Sĩ nhưng nó được ủng hộ hoàn toàn. Một thăm dò của hãng Tamedia công bố 10 ngày trước biểu tình cho thấy gần 2/3 người được hỏi ủng hộ cuộc xuống đường của phụ nữ đòi bình đẳng, trong đó số phụ nữ ủng hộ ở mức đến 70%, còn nam giới chỉ ở mức 57% "đồng tình" hoặc "gần như đồng tình".

Như một sự tính toán rõ ràng, cuộc xuống đường vào thời điểm này cũng là lúc thành phố Geneva của Thụy Sĩ đang tổ chức hội nghị thường niên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), kéo dài đến 12 ngày, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ILO. 

Tính ra có đến 40 nguyên thủ quốc gia sẽ thay phiên có mặt để cùng các đại biểu tham dự hội nghị thảo luận về tương lai của việc làm và vấn đề quấy rối trong môi trường làm việc.

Liệu những tiếng nói từ đường phố sẽ buộc các chính trị gia phải nhìn nhận kỹ hơn về sự bình đẳng trong công việc dành cho phụ nữ?

Ông Trump nói gì về cuộc biểu tình ở Hong Kong? Ông Trump nói gì về cuộc biểu tình ở Hong Kong?

TTO - Tổng thống Trump nói rằng ông hiểu được lý do biểu tình của người dân Hong Kong, đồng thời hi vọng chính quyền Bắc Kinh và Hong Kong có thể giải quyết êm xuôi vấn đề.

ÁNH SAO (từ Thụy Sĩ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: biểu tình Thụy Sĩ