Cuối tháng 10-2007, từ Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc), đoàn chúng tôi gồm 12 người đã lên đường theo nhánh bắc của tuyến Con đường tơ lụa ngày xưa bằng xe ca, tàu lửa, lạc đà và cả xe ngựa, xe lửa qua Gia Dụ Quan, Tửu Tuyền, Đôn Hoàng... tới thành cổ Cao Xương, thành cổ Giao Hà, Hỏa Diệm Sơn, Urumqi... đến tận A La Sơn Khẩu - giáp biên giới Kazakhstan (Tân Cương). Chiều dài hơn 8.000km cho hai lượt đi về.
Mời bạn cùng Tuổi Trẻ khám phá Con đường tơ lụa, một trong những con đường vĩ đại nhất mà cổ nhân đã tạo nên như một kỳ tích của sức mạnh con người.
Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Xem Video clip "Con đường tơ lụa - Phần I"
Những cặp tình nhân đang tận hưởng giây phút bên nhau bất ngờ trước những vị khách lạ cứ say sưa quay phim, chụp ảnh. Sắc đỏ của khối sa thạch tượng đài khắc tạc vào không gian cái mạnh mẽ của gió cát sa mạc, với dáng điệu của 12 con lạc đà, hai con ngựa, ba con chó cùng hàng hóa và chủ nhân của chúng - sáu người đàn ông đang tiến về hướng mặt trời lặn.
Tên ông như con đường lan khắp thế giới
Trên những nẻo đường chúng tôi đã qua, có hình ảnh một con người luôn hiện diện. Bạn sẽ thấy tượng đá của ông do người đời nay dựng dưới chân Hắc Sơn, nơi Huyền Bích trường thành của Gia Dụ Quan, hoặc bức bích họa “Xuất sứ Tây Vực đồ” tả cảnh khởi hành đi sứ của ông, có tuổi thọ gần ngàn năm tại hang số 323 của chuỗi hang động Mạc Cao ở thành phố Đôn Hoàng.
Dĩ nhiên, trước ông, bao nhiêu con người vô danh, dũng cảm đã góp sức tạo hình cho hệ thống tuyến đường theo chiều Đông - Tây, nhưng nếu không có ý chí kiên cường của ông vượt qua đói khát sa mạc, lưỡi kiếm Hung Nô, cám dỗ của quyền uy và mười năm bị giam cầm nhằm đặt nền móng chính trị - ngoại giao qua hai lần đi sứ gian khổ để khai thông giao thương cho Tây Vực, thì đã không có Con đường tơ lụa phồn vinh suốt hơn ngàn năm Hán – Đường.
Sự hiểu biết và thông thuộc Tây Vực của ông trở thành tài sản tạo nên con đường “toàn cầu hóa” đầu tiên của nhân loại cổ đại bằng chân đất. Tên ông vang xa ngoài biên giới, hơn cả uy thế của chúa ông là Hán Vũ Đế. Tư Mã Thiên đã chính thức khắc công lao ông trong sử ký. Dân gian đã kể chuyện về ông, hư và thực, bằng lời, bằng bích họa trong hang động, bằng thảm tranh treo tường.
Con người đó chính là “Tây Hán Đại hành gia” Trương Khiên một đời lừng lẫy!
Phóng to |
Tượng đài Trương Khiên dưới chân Hắc Sơn, thành phố Gia Dụ Quan (Cam Túc) - Ảnh: Lê Na |
Chuyến xe rời thành phố Gia Dụ Quan đến thành phố Đôn Hoàng sôi nổi chương trình “hỏi đáp trực tuyến” với anh Dương Hiểu Lương - hướng dẫn viên du lịch Cam Túc. Đường Tăng có đến Đôn Hoàng không? Có.
Đường Tăng có chứa kinh sách ở hang động Đôn Hoàng không? Không. Kinh sách được đưa thẳng về kinh thành Trường An. Vì sao lúc lên đường Đường Tăng suýt mất mạng khi qua cửa khẩu Ngọc Môn Quan? Vì thời đó, nhà Đường cấm tuyệt người Hán xuất quan sang Tây Vực, Đường Tăng “vượt biên”, thực chất là phạm pháp.
Thế còn lúc về? Được Đường Thái Tông đón tiếp như một người anh hùng ngay từ Ngọc Môn Quan đến tận kinh thành Trường An…
Đi theo dấu chân của Đường Tăng trên Con đường tơ lụa, từ Tây An đến Gia Dụ Quan, Ngọc Môn Quan, Hỏa Diệm Sơn, chúng tôi phát hiện “công tội” của nhà văn Ngô Thừa Ân qua Tây du ký.
Công lớn ở chỗ đã khiến nhà nhà, người người đều biết câu chuyện Tây hành cầu pháp của Đường Tam Tạng. Nhưng “tội ác tày đình” là đã biến pháp sư Huyền Trang trở thành một vị hòa thượng hiền lành, tốt bụng nhưng có lúc nhu nhược, ngây thơ, có lúc cố chấp đến mức gây họa. Kỳ thực, ngài là bậc chân tu đại trí, là nhà thám hiểm đại dũng và là nhà biên dịch Phạn ngữ đại tài của Phật giáo Trung Hoa.
Phóng to |
Tượng đài Đường Tăng và tháp Đại Nhạn tại thành phố Tây An (Thiểm Tây) - Ảnh: Lê Na |
Buổi sớm khi chúng tôi đến thăm, nơi Nhạn Tháp lộ, phía nam Tây An, gió thu tràn trên khắp quảng trường, gọi mọi ánh nhìn hướng về tượng đài Đường Tăng.
Ngài đang đứng, tay cầm thiền trượng, thân khoác cà sa, mắt nhìn về Tây Trúc uy nghi, mạnh mẽ. Phía sau quảng trường là ngôi chùa nổi tiếng Đại Từ Ân do hoàng gia Đường triều xây dựng, chính là nơi Đường Tăng chủ trì nhiều năm dịch kinh sách tại đây.
Trong chùa có ngôi cổ tháp nổi tiếng: Đại Nhạn tháp bảy tầng, được xây dựng để chứa kinh sách mà Đường Tăng đã gian khó mang về từ đất Phật Tây phương. Phía sau tháp có Quang Minh Đường chứa xá lợi, tượng thờ và những bức tranh khắc gỗ, khắc đồng hoành tráng tái hiện toàn bộ cuộc đời của ngài.
Ngắm nhìn bản đồ hành trình một đời chí lớn của Đường Tăng khắc gọn trên tấm bảng đồng đặt trong khung kính của một gian Quang Minh Đường, nhà văn Phan Thị Vàng Anh (thành viên trong đoàn) chợt ngộ ra thành lời: Chúng ta thường hay thất hứa với chính mình từ những chuyện nhỏ nhất. Còn những con người như Trương Khiên, Đường Tăng, trước hết là những người tuyệt đối giữ lời, đã hứa là sẽ đi, đã đi là phải đi đến cùng!
Chúng tôi gọi họ là những người “khổng lồ”, tiêu biểu cho sức mạnh phi thường mang tên con người! Và khám phá Con đường tơ lụa cũng chính là hành trình cho mỗi cái tôi nhỏ bé hôm nay khám phá bản thân trong cái vô cùng lớn mà cổ nhân và lịch sử đã tạo tác.
Con đường tơ lụa là tuyến đường giao thương Đông - Tây thời cổ đại, ước hơn 7.000 km. Xuất phát từ Tây An (kinh thành Trường An xưa), qua hành lang Hà Tây (Cam Túc) đến Đôn Hoàng thì chia thành ba nhánh vượt qua Tân Cương. Nhánh nam đi dọc theo rìa nam sa mạc Taklanakan, nhánh giữa đi theo mạn bắc sa mạc Taklanakan, còn nhánh bắc đi theo hướng bắc dãy Thiên Sơn, qua Urumqi… Sau đó xuyên qua các nước Trung Á, Tây Á đến các quốc gia bên bờ Địa Trung Hải. |
--------------------
Số tới sẽ là hành trình qua dải đất yết hầu nối liền Trung Nguyên với Tây Vực, nơi gắn liền tên tuổi của đại tướng quân Hoắc Phiêu Kỵ.
Kỳ tới: Đi vào hành lang Hà Tây
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận