Bên cạnh sự phẫn nộ, là cảm giác sợ hãi tột độ của những người làm cha làm mẹ khi nhìn thấy những đứa bé đang chịu đày đọa kia cũng cần được yêu thương, chăm sóc, che chở như con cái mình.
Lỡ tay, thói quen hay nhận thức?
Không biết đã là vụ việc thứ bao nhiêu khiến lương tri con người xót đau? Ngay trong chiều cùng ngày 4-9, thời điểm vụ mái ấm Hoa Hồng được phơi ra ánh sáng, TAND TP.HCM đã tuyên án phạt chung thân đối với một cô bảo mẫu 31 tuổi tù chung thân về tội giết người.
Vụ việc xảy ra tại quận Bình Tân tháng 8-2023. Theo cáo trạng, trong lúc thay tã cho một bé trai mới hơn 6 tháng tuổi, bị cáo đã nhiều lần dùng tay đánh vào đầu khiến bé tử vong (sau thời gian điều trị tại bệnh viện). Ngoài trách nhiệm hình sự, cô này phải bồi thường cho gia đình bị hại hơn 470 triệu đồng.
Trước đó, đã có những vụ bạo hành xảy ra tại các cơ sở nuôi dạy, trông giữ trẻ mầm non ở nhiều nơi cả nước được thông tin cũng đã khiến cộng đồng hết sức bức xúc. Các vụ việc vừa qua cũng đã đặt ra yêu cầu khẩn thiết về công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em để kịp thời ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ em.
Có thể thấy, ngay khi vụ mái ấm Hoa Hồng được phơi bày, chính quyền, sở ngành và các tổ chức xã hội tại TP.HCM đã khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật như thông tin báo chí đăng tải.
Riêng Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cử luật sư phối hợp với các đơn vị quận 12 có kế hoạch để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em và gia đình trẻ (nếu có). Thủ tục hồ sơ tiếp nhận trẻ từ mái ấm Hoa Hồng về các cơ sở bảo trợ xã hội khác ở TP.HCM cũng đã hoàn tất.
Một báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho biết mỗi năm Việt Nam ghi nhận hàng nghìn trường hợp bạo hành trẻ em. Trong đó không ít trường hợp thương tích nặng hoặc thậm chí tử vong. Các hình thức bạo hành phổ biến bao gồm bạo lực thể chất, tinh thần, xâm hại tình dục và bỏ mặc trẻ.
Trong đó, bạo lực thể chất chiếm tỉ lệ cao với nhiều vụ trẻ em bị đánh tại các cơ sở mầm non hoặc ngay ở gia đình mình. Đây là lỡ tay, thói quen hay nhận thức sai lầm của những người đã trót chọn nhầm nghề, nhầm việc?
Quy trình giám sát chưa đủ nghiêm ngặt
Trường hợp mái ấm Hoa Hồng do Phòng LĐ-TB&XH quận 12 cấp phép với trách nhiệm thẩm định, hậu kiểm và thường xuyên giám sát. Các thông tin kiểm tra gần nhất ghi nhận mái ấm này nuôi giữ 39 trẻ. Việc kiểm tra sau khi báo chí phản ánh đã "phát hiện" cơ sở này đang "chăm sóc" 86 trẻ (vượt so với quy mô cấp phép) và có 15 nhân viên đang phục vụ.
Ai có vi phạm cần bị áp dụng hình phạt nghiêm minh, tương xứng. Nhưng không ai mong chờ đến những bản án khi trước đó, nhiều sai phạm đã không được ngăn ngừa, phát hiện.
Cơ quan chức năng địa phương không tránh khỏi trách nhiệm quản lý. Sau mỗi vụ bạo hành trẻ bị phanh phui, dư luận lại đặt vấn đề tuyển dụng nhân sự cho công việc nuôi dạy trẻ ở các nhà mở, mái ấm, các nơi giữ trẻ nhỏ.
Họ có đủ năng lực và đạo đức không, các cơ sở nuôi dạy trẻ có quy trình giám sát nội bộ đủ nghiêm ngặt chưa? Và cách giám sát, kiểm tra hiện nay đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ đang hiệu quả đến đâu?
Song song giải pháp nâng cao nhận thức của người chăm sóc trẻ, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ nhằm tạo môi trường làm việc thuận lợi và cải thiện thu nhập đối với lực lượng này. Giữ an toàn cho trẻ em là giảm thiểu tối đa các hành vi tiêu cực, bạo lực và đảm bảo rằng các hành vi này được phát hiện và xử lý kịp thời.
Tăng cường giám sát nội bộ
Những vụ bạo hành trẻ em được đưa ra ánh sáng phần nhiều nhờ thông tin từ những "camera chạy bằng cơm". Họ có thể là những người hàng xóm với nơi có trẻ thường bị đánh, người từng đến và chứng kiến vụ việc hoặc sớm hơn nữa là từ những người thấy nguy cơ, nghi ngờ có bạo hành.
Điều đáng nói là khi "người ngoài" đã biết, đã thấy, người trong cuộc vì sao im lặng, không lên tiếng? Họ vì miếng cơm manh áo hay chính họ thấy những chuyện đó cũng... bình thường?
Rồi chủ cơ sở có biết không, sao không xử lý? Nếu họ thật sự yêu trẻ, họ sẽ dứt khoát tìm cách chấm dứt việc bạo hành trẻ. Việc lắp camera nội bộ để tự giám sát sẽ ngăn chặn những chuyện đau lòng.
Giữ trẻ ngoài tình yêu thương cần có kỹ năng. Có vậy mới tránh được những hậu quả đáng tiếc.
Số liệu thống kê từ Cục Trẻ em cho hay, Tổng đài 111 đã nhận gần 6 triệu cuộc gọi trong 20 năm qua. Trong đó, có hơn 496.000 ca tư vấn và hỗ trợ, gần 11.000 bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, bị bỏ rơi, bỏ mặc, trẻ cần hỗ trợ về tài chính và các trường hợp vi phạm quyền trẻ em... đã được can thiệp.
Đáng chú ý, số cuộc gọi về bạo lực, xâm hại trẻ em có xu hướng tăng đột biến những năm gần đây (chiếm trên dưới 50% số cuộc gọi).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận