Trong các hành vi ngược đãi người khác thì bạo hành trẻ em là độc ác nhất, tàn nhẫn nhất. Bởi trẻ em chưa có khả năng tự vệ, có em còn chưa biết nói.
Đây cũng là lý do khiến dư luận phẫn nộ tột cùng khi tội ác của những người trông trẻ ở mái ấm Hoa Hồng bị phơi bày.
Dư luận càng phẫn nộ hơn, xót xa hơn khi được biết các loại thực phẩm như sữa, bánh... đã được mái ấm này tuồn ra ngoài đem bán trong khi các cháu phải ăn cơm với nước tương.
Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ ngày 5-9, khi được giải cứu về những cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước, nhiều bé tỏ ra hoảng loạn, không cho các cô ẵm, ngủ hay giật mình...
Có bé đang được chăm sóc thì máu chảy ra từ miệng; có bé đang chơi thì người tím tái. Có bé nghi bị suy tim. Có bé nghi bị chấn thương não... Rồi đây những tổn thương cả về mặt thể chất và tinh thần sẽ còn theo các bé đến bao giờ?
Tội ác của những con người nhưng hành động không phải con người ở mái ấm Hoa Hồng chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước ở đâu mà lại để xảy ra tình trạng trên?
Một cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nằm ngay trong khu dân cư đông đúc của một thành phố lớn mà để xảy ra những sai phạm tày trời nhưng cơ quan quản lý nhà nước không biết?
Một sai phạm dễ nhận thấy nhất: mái ấm Hoa Hồng chỉ được cấp phép tối đa nuôi dưỡng 39 cháu nhưng thực tế đã nhận 85 cháu mà cơ quan chức năng cũng không biết thì thật lạ lùng(?!)
Sự việc đau lòng ở mái ấm Hoa Hồng đang gây xói mòn niềm tin, làm cho các nhà hảo tâm ngại ngần, nghi ngờ khi họ có mong muốn và điều kiện giúp đỡ trẻ em khốn khó, người già neo đơn.
Nhiều người hoang mang rằng mái ấm có thực sự là nơi nương tựa của những mảnh đời cơ nhỡ? Rằng những người mở mái ấm có thực sự bắt nguồn từ tấm lòng nhân hậu, chân thành hay chỉ lấy danh nghĩa mái ấm để lợi dụng và trục lợi?
Thật ra, trên thực tế vẫn có những người làm việc thiện vì tấm lòng nhân ái. Thực tế vẫn có những mái ấm hằng ngày hằng giờ thắp lên những ngọn lửa hồng xoa dịu nỗi đau cho những cuộc đời bất hạnh. Nhưng để xã hội tin vào điều này cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ các mái ấm (trong đó, việc gắn camera cũng nên xem xét), có những đợt kiểm tra thực sự chứ không phải theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", kiểm tra không chỉ trên sổ sách mà kiểm tra về chất lượng nuôi dưỡng trẻ...
Sau đó là những công bố công khai của cơ quan chức năng về kết quả các đợt kiểm tra này - để các nhà hảo tâm nắm được thông tin chính thức.
Trẻ em được nuôi dưỡng ở các mái ấm, nhà mở đều là những thân phận chịu nhiều thiệt thòi. Các cháu sinh ra đã bất hạnh hơn các bạn đồng trang lứa, không được cha mẹ và người thân nuôi dưỡng nên mới phải vào mái ấm.
Và vì vậy, đừng để "mái ấm" thành "mái lạnh" - kéo dài sự bất hạnh, khổ đau của trẻ em cơ nhỡ... Đau lòng lắm!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận