30/01/2020 08:00 GMT+7

Ngẫm nghĩ thị trường hoa tết

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

Lại những gương mặt chảy dài của người bán hoa Tết… Lại những màn năn nỉ ỉ ôi người đổ rác tống khứ những chậu cúc, tắc… bự chảng sau tết… Câu chuyện thị trường hoa tết thuộc vào loại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”...

Ngẫm nghĩ thị trường hoa tết - Ảnh 1.

Hoa ế chiều 30 Tết được một ông chủ quán nhậu mua rẻ để trang trí. Ảnh: TR.H.

Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng 5, 6 giờ chiều 30 tết là tôi lại lấy xe đạp làm một vòng qua các chợ hoa Tết và những câu chuyện mắt thấy tai nghe trong mấy năm gần đây thật sự là giống nhau.

Những gương mặt buồn

Nguyệt - một phụ nữ tuổi tầm hơn 30. Cô cho biết mình từ Bến Tre lên, và đã có 5 năm thâm niên bán cây tắc chưng Tết ở chợ hoa công viên Gia Định trên đường Hoàng Minh Giám (TP.HCM). Cô cho biết năm nay mang lên 100 chậu tắc kiểng, loại cao hơn đầu người lớn. 

Tổng vốn liếng, bao gồm cả vận chuyển, thuê mặt bằng…hết 100 triệu đồng. Những ngày đỉnh cao của mùa hoa trái Tết, vào khoảng từ 25 đến 28 tháng Chạp, mỗi chậu tắc cô bán ra là 3 triệu đồng/cây. Nếu bán hết, cô bỏ túi 200 triệu đồng. 

Nghe thì thấy ngon ăn, nhưng đến 6 giờ 30 chiều 30 Tết, cô mới bán được có 30 chậu! Trong đó, hơn phân nửa bán vào sáng 30, khi mà cô phải giảm giá 50%. Tỏ ra là một tay kinh doanh bản lĩnh, Nguyệt cười lớn bảo: đến giờ này em mới thu về được có 50 triệu đồng.

Lúc ấy, theo quy định, cả một rừng tắc kiểng của Nguyệt đã bị "đẩy" ra đường. Vậy bây giờ xử lý thế nào với mớ cây này? Chở về à? Nguyệt cười: Em bán đến giao thừa, còn bao nhiêu thì khiêng vào tặng công viên chưng Tết.

Vậy là không về đón giao thừa cùng gia đình à? Lại cười, nhưng như mếu, Nguyệt bảo: Năm nay coi như không có Tết! Năm ngoái tầm này đã bán được 60 cây, có lời rồi nên về sớm. Mỗi năm người mua mỗi giảm, nhưng thật sự cũng không ngờ là năm nay tệ thế này.

Thế sang năm có tiếp tục không? Vẫn tiếp chứ anh, biết đâu sang năm người ta lại khá giả, mua nhiều, Nguyệt hy vọng như thế.

Cách "rừng" tắc của Nguyệt không xa, là bãi mai của hai cha con ông Bảy. Trong khi người cha với dáng vẻ khắc khổ đang lui cui bê từng chậu mai đặt lên xe chở về, thì cô con gái ngồi trên ghế mặt chảy dài buồn bã. 

Ông Bảy cho biết con bé học lớp 10, tranh thủ nghỉ Tết là ra phụ ba bán mai với hy vọng có một cái Tết khấm khá để sắm chiếc áo dài mới. "Nhưng năm nay ế quá, nhà chăm 300 chậu, chỉ dám mang ra hơn 100 mà cũng bán không hết", ông Bảy rầu rầu nói.

Bắt đầu từ rằm tháng giêng, ông Bảy cũng như những bạn nhà nông trồng mai khác, lại nai lưng thay phân, đất; cắt tỉa cho mai và lại nuôi hy vọng vào một cái Tết tới khấm khá hơn...

Những gương mặt "thượng đế"

Cái hồi những năm thập niên 1980, tôi có một ông hàng xóm vào loại có của ăn của để. Vậy nhưng chả bao giờ ông chịu mua hoa sớm. Cứ khoảng 8, 9 giờ tối ngày 30 Tết thì ông mới đủng đỉnh dắt chiếc cub "kim vàng giọt lệ" (một chiếc xe gắn máy loại cực xịn hồi ấy) ra khỏi nhà, chở theo bà vợ đi mua hoa. Hơn tiếng sau là hai ông bà về, mặt mày hể hả, ôm mấy chậu hoa cúc, vạn thọ được mua với giá bán đổ bán tháo.

Hồi ấy, anh em chúng tôi đặt cho ông ấy biệt hiệu là "áp-pa-gông" (Harpagon - tên nhân vật chính trong tác phẩm Lão hà tiện của Moliere).

Dù đã bước qua thế kỷ 21 được 20 năm, kinh tế đã khá lên nhiều lắm rồi, nhưng "áp-pa-gông" vẫn còn đầy rẫy. Trong chuyến ngao du chợ hoa Tết Canh Tý ở công viên Gia Định chiều 30, tôi gặp rất nhiều "áp-pa-gông" thời hiện đại. Họ không nghèo. Bằng chứng là đi xe hơi, hoặc xe máy Dylan sang chảnh, ôm theo cả cún cưng đi chợ hoa Tết, nhưng "bóp" người bán mua đến tận cùng.

Trong hai năm gần đây, nhiều người bán hoa đã rắn hơn rất nhiều, chấp nhận chở về (với hoa mai) hoặc cho ban quản lý công viên; hoặc đập bỏ chứ dứt khoát không để cho các "áp-pa-gông" thời hiện đại bắt chẹt. Chị Nguyệt là một minh chứng, khi tuyên bố với tôi: Em thà chịu lỗ chứ dứt khoát không bán tống bán tháo cho những người có điều kiện nhưng lại keo!

Nhưng, chợ hoa Tết chiều tối 30 Tết không chỉ có "ap-pa-gông" thời hiện đại, mà cũng có vô số người nghèo thật sự, mong muốn có hoa trong nhà ba ngày Tết với giá phải chăng. Tôi gặp cụ Lệ, một bà cụ gốc Huế, còn giữ được giọng cố đô đặc sệt. Cụ mân mê chậu mai nhỏ xíu mà hôm 26 tháng chạp có giá 350 ngàn đồng, nay chiều 30 còn 200 ngàn và nói: Tết mà không có hoa mai trong nhà thì không ra Tết. Nhưng giá như ri cũng còn quá đắt với bầy tui!

Thấy bà cụ cứ tần ngần mãi, anh chàng bán mai bảo: Thôi cụ đưa 100 ngàn cũng được, nhưng giá này chỉ dành cho riêng cụ thôi đấy, không được nói với ai nghe chưa!

Trên đường đạp xe về, lúc ấy đã gần 7 giờ tối 30 Tết. Ngang qua cổng chắn xe lửa trên đường Phạm Văn Đồng, tôi thấy ông chủ của hàng trăm chậu cúc đang lúi húi sắp xếp cho gọn gàng. Hỏi thì anh bảo: Ế quá, về thôi. Giờ tui sắp xếp lại cho nó đẹp phố phường.

Cách đó vài chục mét, chủ một quán nhậu cũng đang tưới cả mấy chục chậu cúc mâm xôi. Anh cho biết: Tay bán hoa ế quá, tôi thương tình mua lại chưng cho quán mình.

Ngẫm nghĩ thị trường hoa tết - Ảnh 2.

Mùa Xuân ở Nhật, hoa Cúc to, đẹp rực rỡ trưng bày ở công viên cho mọi người thưởng ngoạn. Ảnh: TR.H.

Người Việt có yêu hoa không?

Tôi có anh bạn người Nhật gốc Việt, đã nêu ra một vấn đề như thế này: Em thấy người Việt hình như không thật sự yêu hoa, yêu cây cối; hoặc là có yêu hoa nhưng tình yêu đó nhỏ hơn máu tư hữu. 

Thế này nhé, nếu ở Nhật, vào mùa hoa đào, người ta theo dõi lịch hoa nở được công bố trên các phương tiện truyền thông, rồi gia đình theo lịch đó mà đi đến để thưởng hoa; thì ngược lại người Việt lại chỉ chăm chăm bưng hoa về nhà. 

Một gốc đào, gốc mai dù có đẹp đến mấy nhưng nếu nó không nằm trong phòng khách nhà mình thì vẫn là không đẹp! Chưa kể, rần rần mua hoa về nhưng chả ai tưới tắm chăm sóc, để rồi đến mùng 3, mùng 5 thì tất cả thành rác, rồi lại phải đi năn nỉ, chi tiền cho ông đổ rác đi đổ giùm!

Câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" của hoa Tết đã kéo dài từ nhiều năm nay, và thú thật dù đã có bỏ công nhiều để tìm hiểu, nhưng tôi chả biết được nước mắt người trồng hoa-bán hoa là do đâu. Người thì bảo do nông dân không chịu thay đổi; không chịu nhìn nhận một điều là cuộc sống thay đổi, người ở đô thị giờ chả còn mấy ai chuộng những chậu tắc, cúc…khổng lồ chưng Tết. Nhưng cũng có người bảo rằng, đừng trách người nông dân mà tội, chuyện thông tin về thị trường, hiểu biết về thị trường là chuyện của các hội, các cơ quan nhà nước lo về nông nghiệp…

Tôi không phải là một nhà nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp nên chả dám kết luận là lỗi do ai, chỉ có một điều tôi thấy được, đó là chúng ta có rất nhiều hội sinh vật cảnh, hội hoa hòe hoa sói nhưng hoa mình thì ngày càng xấu đi. 

Nhớ vài mươi năm trước, cúc đại đóa, cúc thọ mi (cánh dài, uốn cong vút) to như cái tô lớn, nay thì chỉ bằng cái chén ăn cơm. Thế là sao? Lại chợt nhớ trong một lần đến Nhật vào mùa Xuân, cúc đại đóa to vật vã, đẹp khủng khiếp cứ trưng đầy ngoài công viên cho người dân đi ngắm thỏa thích và ước: Người mình thưởng hoa sao cho lịch lãm; người mình trồng hoa sao cho hoành…

Tan tác chợ hoa Sài Gòn, tiền tỉ đổ bỏ ngày 30 tết Tan tác chợ hoa Sài Gòn, tiền tỉ đổ bỏ ngày 30 tết

TTO - Sức mua quá thấp đã không "cứu" nổi thị trường hoa các loại. Chợ hoa đầu mối "đứng hình" từ giữa đêm 29 kéo dài đến rạng sáng 30 tết đầy bất thường. Mấy phút trước hoa là tiền, chớp mắt chỉ còn là đống rác.

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên