Chuyên gia đề nghị TP có lộ trình thay thế cây cổ thụ để phòng ngừa tai nạn - Ảnh: C.TUẤN
Trở lại hiện trường vụ cây xanh ngã đè trúng người đàn ông đi xe máy tử vong trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM), nhiều cây xanh gần đó đang được cơ quan chức năng cắt, tỉa cành. Trong đó, cây xanh gần nhất với gốc cây bị bật gốc chiều 24-9 cũng đã được chặt cành, chỉ còn lại phần thân cây trơ trụi.
'Đốn cây bị dư luận phản ứng'
Ông Vũ Văn Điệp - giám đốc Trung tâm hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết hệ thống cây xanh đường phố tại TP.HCM quá lớn, trong đó có nhiều cây cổ thụ lâu năm theo đúng lộ trình cần được thay mới để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, hiện nay khi đốn hạ một cây xanh dù sâu bệnh, cản trở giao thông hay cây đã đến tuổi đốn hạ để đảm bảo an toàn đều bị dư luận phản ứng rất nặng.
'Đây là khó khăn rất lớn đối với việc quản lý cây xanh. Thực tế, người dân có thể thấy cây xanh tốt nhưng không biết cây đã đạt giới hạn sinh trưởng hoặc bị sâu bệnh cần được thay mới. Chỉ cần một hình ảnh đốn hạ cây xanh được chụp lan truyền thì dư luận "ném đá" mà không biết thực hư ra sao", ông Điệp giải thích.
Cũng theo ông Điệp, TP cần có quy định rõ về lộ trình quản lý cây xanh, ví dụ cây như thế nào cần đốn hạ, cây bao nhiêu năm cần thay mới để các đơn vị làm theo.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh - phó giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM - cho biết cây xanh bị ngã chiều 25-9 cùng một số cây khác tại khu vực bị công trình thi công vỉa hè đào đứt rễ và mất bó vỉa.
Hiện tại một cây xanh kế bên đã được công ty mé cành do vụ ngã cây vừa rồi khiến hai cây va vào nhau làm tét nhánh. Cây này đang đợi Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật phối hợp với các chuyên gia khảo sát và có hướng xử lý phù hợp trong tuần tới.
'Thực trạng xâm hại cây xanh tại TP.HCM quá nhức nhối. Đây cũng là một trong các nguyên nhân chính gây ra các vụ ngã đổ cây xanh thời gian qua.
Một cây xanh khi trưởng thành, hệ thống rễ chằng chịt sẽ giúp cây đứng vững. Khi bị cắt ngang thì kết cấu cây yếu đi, dẫn tới ngã đổ dù nhìn bên ngoài vẫn rất xanh tốt, khỏe mạnh.
Phải có chế tài mạnh với các trường hợp xâm hại cây xanh để răn đe người dân. Có rất nhiều trường hợp cây xanh bị xâm hại được báo cáo lên nhưng rất ít thấy các vụ xử lý', bà Huỳnh Anh nói.
Bà Huỳnh Anh cũng đề xuất TP.HCM cần quan tâm hơn tới các cây xanh lâu năm, nên tổ chức các hội thảo, nghiên cứu để có hướng dẫn xử lý, chăm sóc, thay mới các cây này. Đồng thời, TP.HCM cần có truyền thông mạnh hơn tới người dân trước khi cho xử lý đốn hạ, di dời các cây xanh lâu năm để tránh dư luận trái chiều.
Người chết có được bồi thường?
Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho biết bước đầu công ty sẽ lo chi phí điều trị và hậu sự cho nạn nhân bị cây ngã đè, sau đó sẽ trao đổi về việc hỗ trợ cụ thể với gia đình.
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo điều 604, Bộ luật dân sự 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào người bị thiệt hại cũng có thể được bồi thường. Bởi điều 584 bộ luật này quy định sẽ không phải bồi thường thiệt hại nếu vì sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 quy định sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trong trường hợp nếu đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa, mé nhánh… nhằm hạn chế tai nạn xảy ra nhưng vì dông gió, sét đánh khiến cây vẫn đổ gãy gây thiệt hại thì sẽ không phải bồi thường.
Do đó, để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cây xanh ngã đổ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản thì phải xem xét đơn vị quản lý cây xanh đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa và người bị hại có lỗi hay không.
Theo luật sư Phát, người hoặc gia đình người bị nạn có thể yêu cầu đơn vị quản lý bồi thường, trong trường hợp không tìm được tiếng nói chung và cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm thì có thể khởi kiện.
Đi làm thêm về bị cây đè chết
Hiện trường nơi cây ngã đè chết người trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) chiều 24-9 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Nạn nhân vụ cây ngã chiều 24-9 là anh B.M.G., 36 tuổi, ngụ Bến Tre. Hai vợ chồng anh G. vốn làm công nhân tại TP.HCM, dịch COVID-19 ập đến cả hai cùng mất việc, vợ chồng phải gồng gánh, làm thêm đủ việc để kiếm từng đồng qua ngày gửi về quê nuôi con nhỏ gần 4 tuổi. Trong lúc đi giao hàng về, anh G. đã bị cây ngã đè và sau đó chết tại bệnh viện.
Bà H.T.T. (62 tuổi, mẹ anh G.) kể chiều 24-9 bà vừa gọi điện thoại cho anh G. xong thì khoảng 10 phút sau nhận được điện thoại báo con trai bị nạn.
'Người cũng đã mất, tôi không mong gì nhiều, chỉ mong cơ quan chức năng, đơn vị có thẩm quyền có câu trả lời thích đáng cho gia đình. Chúng tôi không mong có bất cứ gia đình nào lại rơi vào hoàn cảnh như chúng tôi', bà T. nói.
Chị L.T.B.S. (25 tuổi, vợ anh G.) cho hay khi nhận được cuộc gọi báo chồng bị tai nạn, chị liền chạy vội đến khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy và đến quá nửa đêm thì anh G. mất.
T.HIẾN - M.HÒA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận