Phóng to |
Chắc chắn nhiều bậc phụ huynh sẽ ngạc nhiên về sức chịu đựng của con mình trong phần thi đứng một chân lâu nhất này (có bạn đứng hơn hai giờ) - Ảnh: PHI LONG |
1. 5g30 trong căn phòng 311 trại hè Thanh Đa (TP.HCM): “Rinh rinh rinh...”, đồng hồ báo thức vừa đổ ba hồi chuông, Thanh Vũ (lớp 8 Trường Trần Đại Nghĩa) vội tung chăn bật dậy, nhanh chóng xếp mùng mền ngăn nắp như mấy anh bộ đội.
Đó là một chuyện khó mà tưởng tượng khi Thanh Vũ ở nhà. “Trước ngày đi trại hè, mình hứa với ba mẹ là đi trại lần này sẽ tập thói quen sống tự lập từ những việc nhỏ nhất như tự thức dậy đúng giờ, tự sắp xếp mùng mền, tự giặt quần áo...” - Vũ giải thích về điều “kỳ diệu”.
Thật ra lúc ấy tuy nghe con trai “tuyên bố” như vậy nhưng ba mẹ Vũ vẫn chưa tin lắm. Ngay hôm sau ngày bắt đầu trại hè, mẹ Thanh Vũ vào thăm con và lấy quần áo bẩn về giặt. Thật không ngờ, quần áo, vớ, khăn mặt... đã được Thanh Vũ giặt phơi rất sạch sẽ, gọn gàng đâu vào đấy.
“Trước đây, mỗi khi gọi cu cậu dậy đi học giống như gọi đò, thức dậy rồi thì mùng mền vùi một đống, áo quần vứt lung tung. Giờ thì khác quá” - mẹ “chàng trai sắp lớn” ngạc nhiên. Với Nguyễn Văn Hiếu (Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Q.Tân Bình, TP.HCM) thì lúc ở nhà, đến bữa cơm dù ba mẹ có ép lên ép xuống cũng chỉ ăn được một chén cơm. Đi trại hè, không ai ép, không ai năn nỉ vậy mà bữa nào Hiếu cũng xơi một lúc hai chén cơm. Tranh thủ giờ tan tầm, ba Hiếu đến thăm con, nhìn thấy cảnh Hiếu nhanh nhẹn ngồi vào bàn ăn cùng các bạn, tự tay lấy cơm, gắp thức ăn ăn ngon lành, ông cười hóm hỉnh: “Ngạc nhiên chưa!”.
Anh Phạm Ngọc Quyên - trại trưởng trại hè Thanh Đa 2006: “Ngoài kỷ niệm những ngày hè vui, 4.000 bạn nhỏ sau khi tham dự trại hè trở về sẽ là những đứa trẻ khác, chí ít cũng là sự đổi khác về ý thức kỷ luật, khả năng tự lập, tự chăm sóc bản thân... Cái đích mong muốn của trại hè là thế”. |
2. Tour “Huấn luyện quí tử” trong mùa hè 2006 của Công ty du lịch Hồng Bàng với cái tên khá ấn tượng dường như hàm chứa một sự thách thức... tâm lý phụ huynh. Anh Nguyễn Đức Hiếu thú thật: “Thật ra nó là như vậy, không thể tìm một cái tên mỹ miều khác thay thế được”.
Cũng dài năm ngày như trại hè Thanh Đa, nhưng tour “Huấn luyện quí tử” đã đưa các trại sinh ra khỏi Sài Gòn, hòa mình trong môi trường thiên nhiên với địa hình biển và rừng (lộ trình Nha Trang - Đà Lạt). Điều đáng nói đấy là sự mạnh dạn của nhà tổ chức dám nhận lãnh các “quí tử”, còn phụ huynh thì dũng cảm giao “cục cưng” của mình cho tour.
Nhỏ tuổi nhất trong ba đợt tour là Ưng Thiện Gia Bảo - 9 tuổi. Chị Thanh, mẹ Gia Bảo, cho biết: “Đây là lần đầu tiên Bảo đi xa không có một người thân bên cạnh. Tôi muốn thử xem con sẽ tự xử lý tình huống như thế nào”. “Con lên đường là tôi bắt đầu hồi hộp, mặc dù cháu đã 16 tuổi rồi” - chị Hương, mẹ Đặng Ngọc Dũng, bộc bạch.
Thế khi trở về? Chị Ngọc Châu, mẹ Lê Trần Mạnh Huy, 11 tuổi, khi nhận lại “cục cưng”, nhận xét: “Chú ý con thấy có thay đổi, chẳng hạn không còn tính ỷ lại vào cha mẹ, biết tự làm nhiều thứ và rất tự tin... Một tín hiệu thật đáng mừng”.
Ở tour này, ngoài leo núi và thám hiểm đại dương bằng thiết bị chuyên dùng, các trại sinh nhí còn được huấn luyện những kỹ năng sống độc lập cần thiết mỗi ngày như tự sắp xếp đồ đạc, tự phục vụ bản thân, tuân thủ giờ giấc, cả chăm sóc giúp đỡ những bạn nhỏ hơn mình... Riêng Ngọc Dũng thích nhất là học được kỹ năng té ít đau: té phải để cho tay vuông góc 90 độ với mặt đất, quay sấp người lăn tròn lộn đầu lại trên đất.
Rõ ràng “thoát” khỏi vòng tay cha mẹ, các bạn nhỏ bước vào một môi trường mới đầy khám phá thích thú.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận