27/07/2019 13:16 GMT+7

Ngã ba Đồng Lộc - ký ức đẹp đẽ, đau thương của người họa sĩ

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Bốn năm ký họa ở chiến trường Khu 4, trong đó có một tuần ở Ngã ba Đồng Lộc, họa sĩ Trần Từ Thành bảo đó là một ký ức đẹp đẽ nhưng đau thương nhất trong cuộc đời cầm cọ của ông.

Ngã ba Đồng Lộc - ký ức đẹp đẽ, đau thương của người họa sĩ  - Ảnh 1.

Bức sơn mài trong bộ 4 tác phẩm thuộc bộ tranh Ngã ba Đồng Lộc của họa sĩ Trần Từ Thành

Năm nào cũng vậy, tôi đều dành thời gian về viếng mộ 10 nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc. Với tôi, đó là ký ức thời hoa lửa đầy kiêu hãnh, bi thương nhưng chẳng bao giờ phôi pha.

Họa sĩ Trần Từ Thành

Suốt một tuần thực hiện nhiệm vụ ký họa chiến trường (năm 1968), chàng họa sĩ mới tuổi đôi mươi ngày ấy đã được sống trong tiếng cười, tiếng hát của 12 nữ thanh niên xung phong tiểu đội 4 Ngã ba Đồng Lộc: Võ Thị Tần, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hợi, Lê Thị Hồng và Nguyễn Thị Thanh.

"Nhớ trở về nghe anh, em đợi..."

Người họa sĩ năm nay bước sang tuổi 75 kể câu chào ấy của chị Tần - tiểu đội trưởng - với mỗi lái xe, đoàn xe đi qua Ngã ba Đồng Lộc, đến giờ vẫn văng vẳng trong tâm trí ông.

Dẫu bom Mỹ trút xuống rát mặt mỗi ngày, dẫu sự hiểm nguy giữa sự sống và cái chết luôn rình rập, thế nhưng các o vẫn rạng ngời niềm tin vào chiến thắng.

Hằng ngày, chàng họa sĩ trẻ ra tận cung đường ác liệt ấy ký họa chân dung từng o, ký họa các o san lấp hố bom, hướng dẫn đoàn xe qua...

Trong lần các o nghỉ giải lao, Trần Từ Thành hỏi chuyện chị Tần: "Sao o lại đi thanh niên xung phong?"/ "Ban đầu tôi ước mong được trở thành người lính, nhưng không được nên tôi vào thanh niên xung phong"/ "O ước mong điều gì?"/ "Tôi ước mong hòa bình, sau chiến tranh tôi sẽ trở về quê hương lấy chồng, xây tổ ấm"...

Thế mà chỉ mấy ngày sau đó, chị Tần cùng với chín người em: Nguyễn Thị Xuân, Nhỏ, Hà, Rạng, Hường, Dương Thị Xuân, Hợi, Xanh, Cúc đã mãi mãi ở lại tuổi 20, mãi mãi gửi tuổi trẻ, gửi ước mơ của mình nơi Ngã ba Đồng Lộc. Lời hẹn với người ra trận, ước mơ với chính mình của 10 nữ thanh niên xung phong ấy bởi chiến tranh mà trở thành dang dở...

"Chiều tối ngày 24-7-1968, nghe tin chúng tôi bàng hoàng... Và với riêng tôi, đúng ngày hôm đó tôi nhận hung tin: bố mẹ cùng hai đứa cháu qua đời vì nhà trúng bom Mỹ (nhà họa sĩ ở Hương Khê, Hà Tĩnh - PV). Gần như toàn bộ ký họa của tôi về các o được cất cẩn thận trong nhà bị cháy hết..." - họa sĩ Trần Từ Thành nói trong xúc động.

Không còn nhiều những trang ký họa trên giấy nhưng những gương mặt, dáng hình, nụ cười của các chị luôn in mãi trong ký ức của người họa sĩ trẻ năm nao. Thế nên sau mấy mươi năm, bộ tranh Ngã ba Đồng Lộc (3 sơn dầu, 1 sơn mài) được họa sĩ Trần Từ Thành hoàn thành với nguyên vẹn cảm xúc ngày hôm qua.

Đó là 2 bức sơn dầu và 1 bức sơn mài kể chuyện các nữ thanh niên xung phong hối hả thông đường sau mỗi trận bom. Chỉ vào những bức tranh, người họa sĩ này vẫn nhớ đâu là chị Tần, đâu là cô Cúc, cô Xuân...; đặc biệt, ông vẽ rõ nét chị Tần vẫy tay chào những đoàn xe nối nhau ra trận. Riêng bức tranh sơn dầu thứ 4 trong bộ tranh này ông vẽ nữ anh hùng La Thị Tám.

Hàng trăm tác phẩm về chiến tranh

Năm 1964, vừa tốt nghiệp Trường mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ trẻ Trần Từ Thành được bổ sung vào đội thanh niên xung phong nơi tuyến lửa Khu 4. Không trực tiếp cầm súng, chàng họa sĩ này nhận nhiệm vụ "chép sử" chiến trường, vẽ tranh tuyên truyền cổ động suốt tuyến lửa Khu 4.

Bên hông đeo chiếc đài Orionton và biđông nước, tay cầm cuốn sổ khổ lớn cùng cây bút chì, thế là người họa sĩ trẻ xông ra các trận địa pháo ác liệt nhất như Cầu Phủ, Rú Nài, Ngã ba Đồng Lộc...

Nếu trang giấy không thể lưu được hết và cũng có khi bị thất lạc, mất mát thì Từ Thành ghi lại bằng khối óc, trái tim. Vậy nên, mỗi khi cầm cọ, cảm xúc những năm tháng chiến tranh khói lửa luôn ùa về trong ông như vừa mới hôm qua.

Và sau hơn 50 năm sáng tác, ông có đến hàng trăm tác phẩm về đề tài chiến tranh, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như: Nước mắt Ngàn Sâu, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Vượt cầu Mường Thanh, Nối nhịp cầu phao, Biển vẫn bình yên...

5 năm một lần, tranh về đề tài chiến tranh của ông, trong đó có bộ tranh Ngã ba Đồng Lộc, đều được chọn treo tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc.

Và giờ đây, ngoài chuyện dự định tặng Bảo tàng Hà Tĩnh bức tranh sơn mài Ngã ba Đồng Lộc, họa sĩ Trần Từ Thành còn đang thiết kế bức tranh khắc gỗ Ngã ba Đồng Lộc. Ông bảo bức tranh này vẫn tiếp tục kể về chị Tần, cô Xuân, cô Cúc... của những cảm xúc thanh xuân ngày nào.

bức ký họa anh hùng la thị tám của họa sĩ trần từ thành tại ngã ba đồng lộc năm 1968

Bức ký họa anh hùng La Thị Tám của họa sĩ Trần Từ Thành tại Ngã ba Đồng Lộc - Ảnh: NVCC

Một tuần ở Đồng Lộc, Trần Từ Thành còn gặp cô thanh niên xung phong của một đơn vị khác tên là La Thị Tám - theo ông nhớ, đó là người con gái có dáng người đậm, thấp nhưng lúc nào cũng thoăn thoắt giữa bãi bom.

Và hình ảnh La Thị Tám mạnh mẽ giơ cao ống nhòm đứng giữa bãi bom sau này đã được họa sĩ lưu lại trên tranh. Còn ngay khi ở chiến trường, Trần Từ Thành đã kịp ký họa gương mặt La Thị Tám và rất may giữ được đến tận bây giờ.

Xem ký họa Xem ký họa 'Ký ức chiến trường' của liệt sĩ - họa sĩ Hà Xuân Phong

TTO - Ký họa của liệt sĩ - họa sĩ Hà Xuân Phong là những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ ở chiến trường Khu V, tái hiện những năm tháng lịch sử hào hùng một thời chiến tranh máu lửa.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên