19/01/2005 00:04 GMT+7

"Đây là Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng!"...

HỒ MỸ HẠNH
HỒ MỸ HẠNH

TT - “Đây là Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng” - những âm từ ấy đã được phát trên màn ảnh nhỏ Đài truyền hình Sài Gòn (cũ) lúc 19g ngày 1-5-1975, mới đây mà đã gần 30 năm rồi. Hơn 1/4 thế kỷ mà cứ ngỡ mới ngày nào.

Bài tham dự cuộc thi viết ngắn:" Sài Gòn - TP.HCM: Kỷ niệm không quên"

EepUxdnk.jpgPhóng to
Phát thanh viên buổi phát sóng đầu tiên 1-5-1975, Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng Nguyễn Hữu Phước (phải) và Hồ Mỹ Hạnh Tư liệu ảnh: Nguyễn Chính
TT - “Đây là Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng” - những âm từ ấy đã được phát trên màn ảnh nhỏ Đài truyền hình Sài Gòn (cũ) lúc 19g ngày 1-5-1975, mới đây mà đã gần 30 năm rồi. Hơn 1/4 thế kỷ mà cứ ngỡ mới ngày nào.

Vì “Đây là Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng” mãi âm vang bên tôi. Nó là kỷ niệm sâu lắng nhất - trong niềm tự hào chung tôi được có mặt trong giờ phút lịch sử thiêng liêng này - giờ phút không thể nào quên!...Quên sao được thời điểm tháng 4-1975... Lúc đó, vì xuất thân từ phong trào HSSV Sài Gòn nên tôi được ban giám đốc Đài phát thanh Giải Phóng gọi về bổ sung vào đoàn chuẩn bị đi tiếp quản Đài truyền hình Sài Gòn ngụy, do đồng chí Lê Minh Hiền và Hồ Vĩnh Thuận phụ trách.Khi nhận nhiệm vụ xướng ngôn viên, tôi mừng vui không kể xiết. Sài Gòn sắp giải phóng rồi, miền Nam sắp giải phóng rồi!... Thế là tôi lao vào chuẩn bị.Hành trang: một bộ quân phục màu xanh đậm do anh Nguyễn Thiệu - chuyên viên phát xạ (thợ may không chuyên) - cắt may để mặc xuất hiện trên màn ảnh nhỏ Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng.Luyện đọc: là phát thanh viên Đài phát thanh Giải Phóng nhưng do bị viêm họng mạn tính nên tôi đã chuyển ngành, giờ có yêu cầu, tôi phải luyện giọng trở lại. Tôi ngồi trên xe phát lưu động đọc để chú Minh Hiền, anh Vĩnh Thuận nghe góp ý.Đến 29-4 tôi khoác balô xuống đường cùng các đồng chí thuộc ban ngành Trung ương Cục miền Nam. Từng đoàn, từng đoàn ôtô được ngụy trang bằng cành lá cây rừng tập trung về điểm tập kết, rồi nối đuôi nhau tiến về hướng Sài Gòn.Đêm 29-4, chúng tôi tạm nghỉ trong rừng cao su thuộc địa phận Dầu Tiếng, Bình Dương. Đêm không ngủ vì vui mừng, háo hức, vì làm mồi cho muỗi và đây có thể là chuyến đi cuối cùng...Sáng 30-4-1975, đoàn tập trung chờ lệnh xuất phát. Mặc kệ máy bay “đầm già” của Mỹ ngụy bay lượn trên đầu, chúng tôi vẫn bám sát chiếc radio theo dõi chiến thắng từng giờ từng phút...Lúc gần 12g trưa 30-4, qua sóng phát thanh Đài Sài Gòn, nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, không ai bảo ai, mọi người đồng thanh hô to: “Giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam rồi các đồng chí ơi!”. Thế là mọi người tự động nhảy lên xe chạy thẳng hướng quốc lộ 1 (nay là quốc lộ 22), tiến về hướng Trảng Bàng, Củ Chi, ngã tư Bảy Hiền...

Đến đâu cũng thấy nhà dân hai bên đường treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng, biết vùng này đã giải phóng rồi chúng tôi càng phấn khởi lao nhanh về phía trước. Trên đường từng tốp lính ngụy rã ngũ vứt bỏ vũ khí, quân phục, kéo nhau tìm đường về nhà...Đến Bà Quẹo, đường bị kẹt, chúng tôi phải chờ khoảng nửa giờ. Bộ đội mở đường đến đâu là đoàn chúng tôi bám theo đến đấy. Tới ngã tư Hồng Thập Tự - Công Lý (nay là Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa), hai anh tài xế Cẩn và Ba phải lách qua xác chết của lính ngụy để tiến thẳng vào trước cửa dinh Độc Lập.

Tại đây xe tăng của ta vừa húc đổ cánh cổng sắt đang nằm trơ ra đó. Giờ mọi người đã thấm mệt, nhất là hai khuỷu tay mỏi rã rời vì trên đường về tay luôn vẫy cờ trước cảnh nhân dân nô nức đón chào.Thế là cuộc chiến tranh đã chấm dứt!Sài Gòn ơi, ta lại trở về!Kết thúc cuộc hành trình lúc quá buổi trưa 30-4-1975, tại cổng Đài truyền hình Sài Gòn. Qua chào hỏi tay bắt mặt mừng các anh sinh viên đang canh giữ đài, chúng tôi được các anh hướng dẫn vào bên trong. Cảnh tượng xuất hiện trước mắt chúng tôi: xung quanh bên ngoài vũ khí, quân trang, quân dụng vứt bỏ lung tung; bên trong tại cửa tòa nhà chính, thức ăn, rượu tây... còn bày la liệt trên bàn và dưới nền nhà.Sau khi quan sát trong ngoài, lãnh đạo đài quyết định bắt tay ngay vào việc tổng vệ sinh và thông báo qua làn sóng phát thanh Đài Sài Gòn giải phóng, mời gọi những ai làm việc cho Đài truyền hình Sài Gòn trở lại trụ sở đài. Đúng sáng 1-5, các anh chị có mặt khá đầy đủ, trong đó có ông Lê Vĩnh Hòa, tổng cục trưởng Tổng cục Phát thanh - truyền hình - điện ảnh của chính quyền Sài Gòn.

Đồng chí giám đốc Huỳnh Văn Tiểng tổ chức buổi gặp mặt nói rõ chính sách hòa hợp dân tộc của Chính phủ cách mạng, và tuyên bố kể từ giờ phút này các anh chị là nhân viên của Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng, yêu cầu mọi người bắt tay cùng chúng tôi chuẩn bị để kịp tối 1-5-1975 phát buổi truyền hình đầu tiên.Đúng kế hoạch, lúc 19g ngày 1-5-1975, đồng chí Lê Minh Hiền, phó giám đốc đài, bấm nút phát sóng, nhưng... hình không lên! Tại sao? Vì xúc động nên bối rối, đồng chí ấn nút không sâu. Mọi người hồi hộp chờ đợi... Bấm lần hai, hình ảnh hiện lên. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng phất phới bay trên nền nhạc Giải phóng miền Nam.

Chúng tôi thở phào nhìn nhau rạng rỡ. Hình ảnh hai xướng ngôn viên Nguyễn Hữu Phước và tôi - Hồ Mỹ Hạnh - xuất hiện. Tôi được giao đọc nhật lệnh của Ủy ban Quân quản với giọng hùng hồn, truyền cảm. Tôi đọc: “Đây là Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng”! Chính giờ phút thiêng liêng này là giờ phút cáo chung Đài truyền hình Sài Gòn (ngụy).Trong giây phút hồi hộp, xúc động này, vì lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, vì vui mừng chiến thắng tôi đã chảy nước mắt.Thời điểm ấy, ngày ấy, giờ phút ấy là giờ phút để lại dấu ấn sâu lắng nhất trong đời tôi...Bây giờ cứ mỗi sáng 30-4 hằng năm, tôi lại cùng cả nhà mở tivi ra xem, nghe lại lời nói, hình ảnh buổi phát hình đầu tiên đêm 1-5-1975 trên màn ảnh nhỏ Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng - Đài truyền hình TP.HCM. Giây phút đó tôi gần như nín thở và cảm xúc tràn về... “Đây là Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng...” sống mãi với thời gian.

HỒ MỸ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên