22/06/2004 05:01 GMT+7

Nợ đời: chuyện xưa mang âm hưởng hiện đại

NGUYỄN CHƯƠNG
NGUYỄN CHƯƠNG

TT - Có thể nói về bộ phim truyện dài 26 tập Nợ đời: phim xem xúc động.

1pvqWiLK.jpgPhóng to
Hai Phục (Việt Trinh) và phán Thần (Thanh Hoàng) - Ảnh: TFS
TT - Có thể nói về bộ phim truyện dài 26 tập Nợ đời: phim xem xúc động.

Tác giả kịch bản Thanh Hoàng nói: “Dù câu chuyện của cụ Hồ Biểu Chánh diễn ra trong những thập niên đầu thế kỷ 20 nhưng tôi tin là có thể tạo nên được âm hưởng hiện đại. Đó là ảo tưởng hạnh phúc trong câu chuyện các cô gái dùng nhan sắc để tiến thân, tiền bạc thì có nhưng hạnh phúc thì không. Sâu xa hơn, theo tôi, còn là bài học nhân quả. Cuộc đời này là chuỗi vay trả, nợ đời đều do chính mình mà ra cả...”.

Bộ phim là cả một bức tranh cuộc đời. Các nhân vật như Hai Phục của Việt Trinh, Ba Có của Mỹ Uyên, ông Tăng của Lê Vũ Cầu, ông phán Thần của Thanh Hoàng... - mỗi người một mảng màu, một khía cạnh trong bức tranh phù vân.

Trong một lần bị cô con gái của thím Tăng chửi rủa như tát nước, Hai Phục không chút ngần ngại bước thẳng lên nhà trên để báo cho thím biết, nghĩ rằng dù gì cũng là bà con với nhau mà không hay rằng dưới mắt chú thím Tăng, Hai Phục chỉ được xem là con ở không hơn không kém...

Chi tiết nhỏ như thế nhưng “đắt” để bộc lộ tính cách chân thật, hồn nhiên của cô gái quê Hai Phục. Cú sốc đầu đời về nhân tình đã đến.

Tiếp đến, cú sốc từ gã sở khanh cử Hùng. Mang thai, Hai Phục bị đuổi khỏi nhà... Gặp Ba Có, mang sẵn trong lòng mối hận đàn ông, muốn mượn tay Hai Phục để trả thù: chỉ dẫn cho Hai Phục “cách trở thành bà nhà giàu, cách dùng nhan sắc để tạo công danh, biết học các điệu làm cho đàn ông mê mẩn...”.

Trường đoạn đêm mưa, Ba Có cùng Hai Phục tâm tình chị em để “đau đớn thay phận đàn bà”: nước mắt ràn rụa hòa lẫn với nước mưa táp lên mặt.

Người xem sẽ cảm nhận được nỗi đau và sự đáng thương của họ. Nhưng từ đây chuỗi oan nghiệt được kết lại, nối nhau không dứt.

Hàng loạt đàn ông trở thành những nấc thang để Hai Phục leo lên, có xe hơi, có nhà cửa tươm tất.

Từ tập 1 - 9 - thuở thiếu thời chân quê của Hai Phục, lên Sài Gòn rơi vào bẫy của cử Hùng làm nhục đến mức phải đi nằm nhà bảo sanh...

Tập 10 trở đi là quá trình gieo lấy “nợ đời” từ Hai Phục, Ba Có. Dồn dập nhiều tình huống sắc sảo về tâm lý, tạo bất ngờ trong trò chơi tình ái.

Bộ phim gây được ít nhiều xúc động, trước hết có góp phần quan trọng từ vai Hai Phục. Việt Trinh có được sự chăm chút cho từng ziczac diễn xuất, đây là một vai diễn mang cá tính sinh động.

Trong khi đó, có thể nói vai Ba Có là vai sắc sảo nhất của Mỹ Uyên từ trước đến nay (kể cả phim lẫn kịch), với tính cách đầy mưu toan, ôm ấp nỗi đau và sự trả thù đến cố chấp.

Lê Vũ Cầu tạo được một bất ngờ với vai ông Tăng (chú của Hai Phục), một nhân vật vừa đầy ắp tính toán vừa... nhút nhát như trẻ con đến bắt cười.

Thanh Hoàng vào vai phán Thần, với sự diễn tả tinh tế cái thói si tình đến thương đến tội mà nhân vật cao niên này dành cho Hai Phục.

Cho đến tập 20 là “gieo gió”, mà những nhân vật nêu trên đều can dự mỗi người mỗi cách. Còn hàng loạt nhân vật khác nữa như giáo Hiền của Quang Thịnh, thím Tăng của Thiên Hương, cử Hùng của Nguyễn Hoàng, Tư Cao của Nguyễn Thanh, Liên Hoa của Kim Huyền, cậu Lăng của Hứa Vĩ Văn... với chủ đề “gặt bão” sẽ được khắc họa kể từ tập 20 cho đến tập cuối 26 (phát sóng khoảng đầu tháng bảy).

Có gieo có gặt - cho trọn nợ đời. Chờ xem gặt bão ấy, phim làm có thuyết phục hay không, đến mức nào!

NGUYỄN CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên