10/12/2006 03:13 GMT+7

Đạo diễn - NSƯT Mỹ Hà: "Tôi chỉ "mồi lửa" cho diễn viên"

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TT - Cái cách mà đạo diễn Mỹ Hà “bốc” một con người bình thường ngoài đời để trở thành diễn viên cho một bộ phim hoàn toàn không phải là một “chiêu thức” mới mẻ gì.

9j4Gp7Fq.jpgPhóng to
Đạo diễn Mỹ Hà trong một cảnh quay Blouse trắng - Ảnh: T.T.D.

Nhưng, cách anh biến những diễn viên nghiệp dư thành những nhân vật trong phim với mức độ hóa thân cao, có thể nói là không phải đạo diễn nào cũng làm được.

1. Hồng Ánh: diễn viên múa, 18 tuổi vào vai Hải Nguyệt - con gái ông chủ hãng nước mắm Hải Hương (phim Hải Nguyệt); Tạ Minh Tâm: ca sĩ, vào vai bác sĩ Hùng (phim Blouse trắng); Tăng Thanh Hà: cô học sinh phổ thông vào vai Mộng Cầm (phim Hàn Mặc Tử)... Và, bây giờ là nhà thơ Chim Trắng, người lần đầu tiên đóng phim, với một vai khá “nặng ký”: thám tử trưởng, trong phim truyền hình đang quay: Thám tử tư.

Là một đạo diễn, nhưng cách đi tìm diễn viên của Mỹ Hà có thao tác như một nhà văn đi tìm nhân vật cho tác phẩm. Còn nhớ, khi đi tìm diễn viên chính trong phim Ông cá hô (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Lê Văn Thảo), Mỹ Hà vô cùng vất vả. Tìm một diễn viên nổi tiếng, diễn giỏi không khó, nhưng tìm cho được diễn viên ăn khớp với nhân vật là rất nan giải. Dù vậy vẫn phải tìm. Những cuộc tìm kiếm đó, với Mỹ Hà bao giờ cũng diễn ra trong thầm lặng, đeo đuổi ráo riết, ám ảnh đến mức... ước chi có thể hô biến thành một con người như thế cho nhân vật trong phim. Với phim Ông cá hô, cuối cùng Mỹ Hà đã tìm được người như mong đợi. Đó là nghệ sĩ Lê Vũ Cầu - một con người mà cuộc đời thật như chính cuộc đời ông cá hô lận đận, đa cảm trong phim.

Còn lần này là nhà thơ Chim Trắng (!). Mỹ Hà bảo thật ra ban đầu anh đã có ý nhắm vai diễn này cho Nguyễn Chánh Tín - một diễn viên đẹp, diễn giỏi. Nhưng Mỹ Hà có cái cảm giác phải tiếp tục kiếm tìm. “Một gương mặt hơi lạnh, động tác nhanh, có một vẻ gì đó khó đoán xét, nhưng phải là một gương mặt sáng... Như một gương mặt thám tử dày dạn. Là ai?”. Cuộc tìm kiếm này cuối cùng lại đi một con đường ngắn và chóng vánh bất ngờ. Nhà thơ Chim Trắng nhận lời cùng với sự hào hứng... chép lại lời thoại ra riêng một cuốn tập để đi đâu cũng mang theo “học bài”(!). Và như thế, Mỹ Hà lại có những “cơn vui” để chuẩn bị cho một bộ phim mới.

2. Trong giới đạo diễn, Mỹ Hà có một “thói riêng” là chơi khá thân, tâm giao bền chặt với nhiều nhà văn. Trong mối quan hệ đó, Mỹ Hà tìm được những “vùng sống” thiết thân cho mình. Không phải là những vùng khu biệt mà là mở, như cuộc đời đang mở với bao điều thật. Mỹ Hà là một con người sống rất thật, rất “tới”; dù những biểu hiện bên ngoài làm nhiều người lầm tưởng anh là kẻ dĩ hòa vi quí. Nhưng thật ra Mỹ Hà thích một kiểu sống “dung dăng dung dẻ”, bước ra hết những định kiến, ngộ nhận để được là một người vui. Con người sống theo kiểu: Ra đường gặp vịt cũng lùa/Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu; ai cho là tầm thường cũng được, mà ai bảo là “đạt đạo” cũng đúng. Dù thế nào thì “Phải làm việc!” - Mỹ Hà thường bảo thế. Và tôi thấy anh lại lao vào công việc như là đang... quên mình (!).

Hải Nguyệt, Ông cá hô, Chuyện ngã bảy, Giữa dòng... đều là những bộ phim hay, mang đậm dấu ấn nghệ thuật Mỹ Hà - một thứ nghệ thuật đặc tả những vẻ đẹp nhói lòng. Khi xem những bộ phim của Mỹ Hà, tôi chợt nhận ra rằng có những vẻ đẹp đang bị con người và thời gian đánh mất. Và Mỹ Hà là người cố công đi tìm, phục hiện những vẻ đẹp đó. Không đơn thuần là những vẻ đẹp phong cảnh, hình ảnh; mà đấy là vẻ đẹp của chiều sâu tâm hồn. Đẹp nhất là tâm hồn người nông dân. Những gì tự nhiên, giản dị, thầm lặng nhất bao giờ cũng đẹp nhất. Nhưng nhiều khi đấy cũng là những nỗi đau lớn nhất.

Mỹ Hà kể: “Gần đây, bạn đọc cả nước xôn xao với truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng thật ra một “câu chuyện miền Tây” tương tự, tụi này đã làm trong phim Chuyện ngã bảy rồi. Phim Chuyện ngã bảy (kịch bản Mường Mán, TFS sản xuất 1996) ban đầu mang tên Tiếng đờn kìm là một câu chuyện ở một thị tứ ngã bảy, nơi cuộc sống đan xen thiện ác, đẹp xấu. Có những con người sống mà như mãi lưu lạc trên chính quê hương của họ. Trong phim có những cảnh rất “tới”, rất xúc động. Nhưng...”.

Tiếng đờn kìm qua “cây kéo kiểm duyệt” đã bị cắt đến... bốn mươi phần trăm và trở thành phim Chuyện ngã bảy. Mỹ Hà buồn bã nói: “Đau nhất là mình yêu cầu giữ bản gốc nhưng không được. Riêng mình thì chẳng bao giờ giữ trong nhà thước phim hay hình ảnh nào. Làm xong phim nào thì quên phim đó cho khỏe!”... Không giữ những thước phim, hình ảnh như giữ một thứ tài sản vật chất; nhưng Mỹ Hà giữ nó trong tâm hồn mình, như người thi sĩ giữ hình ảnh cùng sự lay động mãi mãi của một bài thơ (!).

3. “Khoái nhậu và hay... nói bậy” (!). Khá nhiều người “kêu” như thế khi nói về Mỹ Hà. Điều ấy có không? Xin thưa rằng: có thật. Nhưng cũng xin nói thêm rằng Mỹ Hà chỉ “xả stress” mang tính chất “góp vui” trong bàn nhậu mà thôi, còn khi bước ra ngoài, khi bắt tay vào công việc anh là một con người khác.

Mỹ Hà có cách ứng xử với diễn viên khá “dịu dàng”. Có thể nói anh là một đạo diễn hiếm hoi, gần như chưa bao giờ... quát diễn viên. “Mình chỉ là người “mồi lửa” cho họ thôi. Theo tôi, khi một đạo diễn quá hứng thú với việc thị phạm và bắt diễn viên phải làm theo mình thì... anh thua rồi. Vì làm như thế vô tình anh đã tước đi sự sáng tạo của diễn viên” - Mỹ Hà quan niệm về nghề đạo diễn như thế. Và có lẽ nhờ cách làm việc “dịu dàng” như thế mà những bộ phim của anh luôn vận hành một cách thuận lợi cùng với một êkip ăn ý nhất.

Một người đàn ông cao to, tóc búi, râu kẽm... trông khá bụi bặm, lúc nào cũng đi chiếc xe DD đỏ cà tàng. Hỏi ra mới biết anh đi chiếc xe đó đã gần 30 năm rồi. “Đạp là nổ” - Mỹ Hà cười khà cho biết.

Và sau nụ cười có vẻ hồn nhiên đó, Mỹ Hà bỗng dưng buông lửng một câu: “Phụ nữ họ lạ lùng lắm. Muôn đời không hiểu được. Có lẽ mỗi người đàn ông là... một ông cá hô!”. Câu chuyện như thế lại rẽ sang một hướng khác. Với Mỹ Hà, nếu kể riêng chuyện tình sẽ là một... bộ phim truyền hình dài tập. Tất nhiên, trong bộ phim này anh không còn là “ông đạo diễn” nữa (!).

Các tác phẩm chính

- Hải Nguyệt- Ông cá hô- Giữa dòng (Bông sen vàng Liên hoan phim VN 1996)- Chuyện ngã bảy (Huy chương vàng và bằng khen về quay phim tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 1998)- Blouse trắng (Giải B phim truyền hình nhiều tập Hội Điện ảnh VN, giải Cánh diều bạc 2002)- Hàn Mặc Tử- Phố cổ Hội An- Thời gian vĩnh cửu (Giải A Hội Điện ảnh VN 1996, Bông sen bạc Liên hoan phim VN lần 11)- Cúng trăng

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên