![]() |
Các kỳ thi luôn thử thách lòng trung thực của nhiều thí sinh (ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: H.HG. |
Sống trung thực, được gì?Sống trung thực để... thua thiệt?
Trung thực = “sĩ diện hão”?
Người ta bảo “thật thà thường thua thiệt!”, tôi đã thấm thía câu nói ấy từ hồi lớp 12.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ấy, đến môn tiếng Anh tôi ngồi cắn bút vì bị “tủ đè”. Sau vài phút im lặng, bắt đầu có vài thí sinh lấm la lấm lét... giở tài liệu. Giám thị hôm ấy biết điều đó nhưng hình như đã làm lơ. Được dịp, các thí sinh khác cũng kéo từ trong tay áo, túi áo ra hàng lô hàng lốc giấy nhỏ, giấy to và cắm cúi chép. Một số bạn khác không mang tài liệu vào phòng thi thì quay ngang quay ngửa hỏi hết người này đến người kia. Tôi chứng kiến hành động lấm lét quay tài liệu, van nài người khác chỉ bài cho mình... thấy kỳ kỳ, thậm chí hèn hèn sao ấy. Và tôi quyết định nộp giấy trắng.
Cái tin tôi rớt tốt nghiệp khiến cả lớp bất ngờ (mặc dù điểm môn toán và lý đều 10, ngặt mỗi môn tiếng Anh bị điểm liệt 0 điểm). Biết chuyện, cả nhóm sáu thằng bạn còn lại la tôi một trận tơi bời: “Sĩ diện hão”, “Tự ái trên cành tre”, “Tụi tao cũng có học gì đâu mà môn tiếng Anh vẫn được 4-5 điểm”... Các thầy cô nhìn tôi ái ngại: “Tiếc cho em quá, nếu không trường mình sẽ có thêm một suất vào đại học”. Đặc biệt, cô chủ nhiệm kêu tôi ra hỏi một câu mà tôi không thể nào trả lời được: “Sự trung thực của em có ý nghĩa gì khi rất nhiều thí sinh khác học kém hơn vẫn thi đậu?”.
Về nhà tôi nằm im lìm, không thiết ăn uống suốt hai ngày trời để suy nghĩ về cái “sĩ diện hão” của mình. Năm ấy cả sáu thằng bạn đều vào đại học, chỉ riêng mình tôi đành ghi danh học nghề tại Trường Cao Thắng.
Tôi đã bước vào đời với bài học đầu tiên đầy cay đắng như thế. Và bây giờ, sau 14 năm, trong nhiều tình huống tôi vẫn băn khoăn tự hỏi: “Mình có nên trung thực không?”. Ví dụ dễ thấy nhất: ngày nào đi làm tôi cũng gặp cảnh kẹt xe. Nếu trung thực, tuân thủ Luật giao thông thì cứ đứng hoài, không biết bao giờ mới đến được công ty và hậu quả là trễ giờ làm. Còn không thì cứ leo lên lề hoặc lấn qua làn đường dành cho xe bốn bánh, phóng bạt mạng giành đường vượt lên trước cho bằng được để đến công ty đúng giờ làm...
Hoàng Văn (H.Bình Chánh, TP.HCM)
* Học với sự trong sáng tuổi học trò
Tôi sắp trở thành học sinh lớp 12. Hai từ “trung thực” nhiều năm qua hiếm khi nào tôi thực hiện dù thời tiểu học đa số học trò chúng tôi không hề biết quay cóp. Lúc ấy có thầy cô sợ chúng tôi thi không đậu mách nhỏ “cứ mở đi”. Thế rồi từ cấp II trừ những môn tự nhiên, môn nào tôi cũng quay.
Điểm cao nhưng tôi thật sự hổ thẹn và biết kiến thức cơ bản của mình chẳng được bao nhiêu. Những thành tích ảo, những tờ giấy khen học sinh tiên tiến chỉ là minh chứng cho sự dối trá, gian lận. Tôi bước vào lớp 10 đầy thử thách vì trống kiến thức cơ bản và quyết tâm học thật sự bằng năng lực của chính bản thân. Sự cố gắng cùng với quyết tâm sống thẳng thắn đã giúp tôi nằm trong tốp đứng đầu lớp. Cuối năm lớp 11 vừa qua tôi xếp thứ 2. Tôi thật sự tự hào vì mình đã học bằng cả sự trong sáng vốn có của tuổi học trò.
Trần Duy Lâm (tru.batgio@...)
* Trung thực khác thật thà
Tôi nghĩ có lẽ nhiều bạn hiểu sai khái niệm trung thực và thật thà. Trung thực không có nghĩa là thật thà dù xét trên khía cạnh nào đó thì thật thà là trung thực... Tôi nghĩ trong các trường hợp mà các bạn nêu ra là thật thà vì sự thật mà các bạn đề cập không đúng hoàn cảnh, thời điểm hay thậm chí không đúng trong ngôn từ hay cách nói của bạn.
Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn: hãy cứ trung thực nhưng đừng thật thà.
kijomoto@...
* Kiểm tra cần điểm số
Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, có lẽ tất cả đều được quy ra một định lượng, giá trị vật chất nhất định. Trong nhà trường cũng vậy, khi giáo dục càng coi trọng điểm số thì quay cóp, gian lận trở thành chuyện “bình thường thôi”. Tất nhiên điều đó hoàn toàn sai với đạo đức của người học sinh nhưng kiểm tra vẫn là kiểm tra, tức cần điểm số cụ thể. Mở tài liệu ra lòng tôi cũng day dứt lắm chứ nhưng vẫn phải làm thôi. Nếu trung thực, tôi được gì ư? Cũng tùy, có thể nó sẽ đưa tôi lên chín tầng mây nhưng cũng dễ dàng dìm tôi xuống mười tám tầng địa ngục (nếu thi rớt chẳng hạn)...
moneyispaper@...
“Sống trung thực, được gì?”. Có lẽ câu hỏi này không chỉ vang lên trong suy nghĩ mà thực tế cuộc sống cũng đã yêu cầu chúng ta phải lựa chọn. Mời các bạn trao đổi và chia sẻ; gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM hoặc nhipsongtre@tuoitre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận