Cô giáo Đặng Thị Cẩm Khoa hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi ở sân trường - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thầy Phạm Minh Nhất, chủ tịch công đoàn ngành giáo dục huyện Hoài Ân, cho tôi biết trước khi đến nhà gặp cô giáo Khoa: “Có lúc, sự sống của cô ấy tưởng chừng như chỉ còn tính bằng ngày. Vậy mà cô vẫn đều đặn đến lớp với học sinh”.
Vật lộn với căn bệnh quái ác
Tai họa ập xuống cô Khoa từ năm 2013 khi cô phát hiện mình bị ung thư buồng trứng giai đoạn 4 và đã di căn sang ổ bụng, phổi. Thời gian đầu phát hiện bệnh, cô còn duy trì việc khám định kỳ 2 lần/năm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhưng rồi lịch khám thưa dần vì chi phí quá nhiều.
Dù gia đình cô được địa phương đưa vào diện hộ nghèo để hưởng nhiều ưu tiên (trong đó có bảo hiểm y tế hộ nghèo), nhưng do thuốc đặc trị quá đắt tiền (có loại 25 triệu đồng/mũi tiêm) nên cô đành không dùng loại thuốc kia nữa.
Không chỉ mang bệnh hiểm nghèo, cô Khoa còn bị loãng xương nặng, thậm chí bác sĩ còn không cho cô bưng bê những món đồ trên 5kg.
Tổng lương và phụ cấp của cô Khoa chỉ 4,1 triệu đồng/tháng, chồng cô làm nghề sửa xe máy tại nhà thu nhập cũng bấp bênh. Vừa nuôi hai con vừa chữa bệnh suốt 4 năm nay, nên nhà cô đã nghèo lại càng khó thêm.
Cô Khoa vừa mới nộp hồ sơ xin vay tín chấp ở Ngân hàng Agribank 20 triệu đồng, hiện đang chờ xét duyệt. Chính vì vậy mà từ năm ngoái đến nay cô chủ yếu điều trị bằng thuốc nam (20.000 đồng/ngày) để tiết kiệm chi phí.
Nhận tình thương, đền đáp bằng tình thương
Công đoàn ngành giáo dục huyện Hoài Ân đã động viên cô Khoa bằng việc hỗ trợ 20 triệu đồng từ chương trình “Mái ấm tình thương”, dựng cho gia đình cô căn nhà cấp 4 trên nền đất của cha mẹ chồng để lại ở thị trấn Tăng Bạt Hổ.
Mỗi dịp Tết, cô Khoa luôn được nhận phần quà có giá trị cao nhất (1,5 triệu đồng).
Để chia sẻ nỗi nhọc nhằn của cô Khoa, từ lúc biết cô bị bệnh, ban giám hiệu Trường mầm non Ân Thạnh đã ưu tiên cho cô được dạy lớp lá cùng một giáo viên trẻ chưa lập gia đình để hỗ trợ cô trong công việc. Hai con của cô Khoa đang học tại hai ngôi trường khác nhau cũng đều được miễn học phí.
Trước những ân tình nhận được, cô Khoa đã đền ơn bằng nỗ lực vượt khó, đảm bảo hoàn thành tốt công tác chuyên môn ở ngôi trường đạt chuẩn quốc gia.
Cô luôn tâm niệm: “Tôi mang ơn cuộc đời rất nhiều, nên chỉ còn biết báo đáp bằng cách yêu thương học trò như con của mình”.
Chính nhờ tình yêu thương ấy, nhiều lúc tưởng như đuối sức nhưng cô vẫn cố gắng vượt qua. Những hôm có học trò bị bệnh không đến lớp, tối về nhà cô đều gọi điện cho phụ huynh để hỏi thăm các em.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Thúy đã rất xúc động khi kể về giáo viên của mình: “Trong hoàn cảnh như vậy mà cô Khoa vẫn đi dạy được và dạy tốt thì thật đáng khâm phục. Năm nào cô cũng được công nhận lao động tiên tiến. Cô còn tham gia cuộc thi làm 'đồ dùng, đồ chơi' của huyện và đoạt giải nhì”.
Phần thưởng ý nghĩa nhất của cô Khoa là lòng tin yêu của phụ huynh và học trò dành cho cô. Nhiều phụ huynh xem cô như người thân trong gia đình.
Tôi đến gặp cô Khoa trong kỳ nghỉ lễ 1-5, và chứng kiến cô liên tục nhận được những cuộc điện thoại của phụ huynh hỏi thăm sức khỏe.
Vì sự tin yêu ấy, cô Khoa đã khẳng định: “Nếu được chọn lần nữa, tôi vẫn theo nghề giáo viên mầm non”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận