01/11/2005 14:31 GMT+7

"Nếu Bộ GD-ĐT bớt lãng phí, không cần tăng học phí"

Theo VnExpress
Theo VnExpress

Tại kỳ họp lần thứ 4, đại biểu Nguyễn Đức Dũng đã gây sự chú ý đặc biệt khi đề nghị Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời điều tra chất lượng giáo dục.

rdFVdF7k.jpgPhóng to
Sẽ có bao nhiêu học sinh sẽ vào đại học khi học phí tăng cao?

Ngay khi nghe thông tin về đề án điều chỉnh học phí của Bộ GD-ĐT, ông Dũng đã bày tỏ sự bức xúc.

* Ông nghĩ thế nào về đề án học phí mới mà Bộ GD-ĐT đang đưa ra lấy ý kiến?

- Năm nay, ngân sách chi cho giáo dục chiếm 19% tổng chi ngân sách, khoảng 55.000 tỉ đồng. Đây là số đầu tư khổng lồ, đó là chưa kể khoản đầu tư của từng gia đình cho con em mình. Vấn đề bây giờ là có nên tăng học phí tại các trường không. Với mức học phí hiện nay, nhiều gia đình có con đi học đã rất lao đao. Nếu tiếp tục tăng học phí trong thời điểm này tôi cho rằng không hợp lý.

* Theo quan điểm của ông thì những khoản chi nào đang sử dụng chưa hợp lý?

- Vừa qua, nhiều giáo sư, nhà giáo dục đã có ý kiến nhiều lần chỉ cần chi tiêu hợp lý ngân sách giáo dục, các dự án quản lý tốt, nhất là vấn đề thay đổi sách giáo khoa. Từ những tiết kiệm đó, chúng ta hoàn toàn không phải tăng học phí, thậm chí có thể giảm học phí. Vấn đề đặt ra là việc tổ chức quản lý ngân sách của ngành giáo dục như thế nào?

Hiện nay, ngân sách giáo dục chiếm 19% GDP nhưng đầu tư, sử dụng rất lãng phí. Vài năm nay, chúng ta chi hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm cho việc đổi mới sách giáo khoa, thiết bị dạy học nhưng tôi thấy hiệu quả không cao, vẫn nhiều sai sót. Trong khi, nhiều nhà khoa học đề nghị chỉ cần 100 tỉ đồng để cải cách sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12.

Tại sao người ta chỉ cần 100 tỉ mà Bộ GD-ĐT chi hàng nghìn tỉ mà sách giáo khoa vẫn không ổn định, nhiều sai sót? Đó là chưa kể các cuộc hội họp, tập huấn triền miên. Bộ GD-ĐT cần phải xem xét trách nhiệm của mình trong việc thu chi ngân sách.

3KmaSsd7.jpgPhóng to
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng
* Nhưng có một thực tế là mức kinh phí đào tạo 1 sinh viên của ta thấp hơn các nước trong khu vực?

- Tôi cho rằng, không thể so sánh như vậy được. Tại sao chúng ta chỉ so sánh học phí mà không so sánh thu nhập bình quân đầu người của VN so với các nước. Nếu tính tỉ lệ giữa học phí với thu nhập bình quân thì mức đầu tư cho 1 sinh viên ở VN không phải là thấp.

Mà nếu tăng học phí lấy gì để đảm bảo chất lượng đào tạo sẽ tăng. Khi so sánh số học sinh năm 2000 và 2005 của ta, thì thấy tăng lên không nhiều, nhưng ngân sách đầu tư giáo dục thì tăng rất nhiều. Tôi cho rằng, chất lượng giáo dục 5 năm qua ngày càng kém đi. Ở đây, do công tác quản lý của ta còn kém.

* Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển, việc tăng học phí là huy động nguồn lực xã hội. Thực tế hiện nay, nhiều học sinh có điều kiện kinh tế đang du học nước ngoài. Ông nghĩ sao?

- Với những gia đình có điều kiện, muốn học trường chất lượng cao hơn chúng ta phải có cơ chế khác. Tôi xin nói, phần đông sinh viên hiện nay xuất thân trong gia đình nghèo, rõ ràng ta phải tính học phí theo đa số. Không thể lấy một thiểu số có thu nhập cao để áp đặt mức học phí cho tất cả học sinh, sinh viên.

Mức trần học phí 900.000 đồng/tháng là vượt quá sức chịu đựng của người dân. Nếu Bộ GD-ĐT quyết định tăng học phí cao như vậy, thì tới đây nhiều học sinh nghèo cho dù đỗ đại học, cũng không đủ tiền để theo đuổi ước mơ.

* Nhưng đề án của Bộ GD-ĐT cũng đề cập tới việc tăng diện miễn giảm học phí cho các sinh viên nghèo học giỏi. Như vậy người nghèo cũng sẽ có thêm điều kiện đi học?

- Khi người ta muốn bảo vệ chủ trương tăng học phí thì người ta "vẽ" ra nhiều thứ để thuyết phục dư luận. Mục đích chính của việc tăng học phí mà lãnh đạo bộ giáo dục khẳng định là huy động nguồn lực xã hội để tăng kinh phí cho đào tạo chứ đâu phải là "lấy người giàu chia bớt cho người nghèo".

Hiện nay, nhiều gia đình có con đi học đang mất ăn mất ngủ với mức học phí dự kiến kinh hoàng của Bộ GD-ĐT.

Theo VnExpress
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên