27/07/2021 09:42 GMT+7

‘Nếu anh hy sinh, em ở quê nhà thắp cho anh nén hương và bát nước lạnh em nhé'

NGỌC THẮNG
NGỌC THẮNG

TTO - Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng trong tâm trí bà Xuân vẫn chưa thể nào nguôi ngoai nỗi đau mất chồng. Vì lời dặn trong bức thư cuối cùng của chồng, 46 năm qua bà Xuân không nỡ lòng bỏ con đi bước nữa, một mình nuôi con khôn lớn.

‘Nếu anh hy sinh, em ở quê nhà thắp cho anh nén hương và bát nước lạnh em nhé - Ảnh 1.

Mỗi dịp 30-4 hay Ngày thương binh liệt sĩ 27-7, bà Xuân lại lấy tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng ra xem - Ảnh: NGỌC THẮNG

46 năm qua, bà Đặng Thị Xuân (69 tuổi, trú ở thôn Bắc Sơn, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) chịu nỗi đau mất chồng trong chiến tranh. Với tình yêu thương, bà vượt qua tất cả, một mình nuôi con lớn khôn như lời dặn của chồng.

Lá thư cuối cùng

Căn nhà cấp 4 nhỏ nhắn của bà Xuân nằm cuối thôn, được xây dựng từ nguồn chính sách người có công với cách mạng. Trong ngôi nhà ấy chẳng có tài sản gì đáng giá.

Mỗi dịp 30-4 hay Ngày thương binh liệt sĩ 27-7, nhớ chồng, bà Xuân lại lấy 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công của ông Địu ra ngoài hiên nhà, tỉ mỉ lau sạch lớp bụi bẩn. Đây là 2 thứ tài sản quan trọng nhất mà bà Xuân lưu giữ bên mình.

46 năm trước, vào thời khắc sắp thống nhất đất nước, chồng bà - liệt sĩ Nguyễn Văn Địu (sinh năm 1953) - hy sinh tại chiến trường miền Nam.

Bà Xuân và ông Địu vốn là bạn học cùng xóm, lớn lên rồi đem lòng thương yêu nhau. Năm 1971 ông Địu vào chiến trường Quảng Trị, bà Xuân ở nhà làm dân công hỏa tuyến ở ngã 3 Đồng Lộc.

Ba năm sau ông trở về thì mẹ ốm nặng, mong muốn của mẹ là hai ông bà lập gia đình. Thế rồi hai ông bà làm đám cưới, sinh con gái đầu lòng.

‘Nếu anh hy sinh, em ở quê nhà thắp cho anh nén hương và bát nước lạnh em nhé - Ảnh 2.

Bà Xuân kể về lá thư cuối cùng của chồng trước khi hy sinh - Ảnh: NGỌC THẮNG

Con gái được 27 ngày tuổi, ông Địu phải lên đường vào chiến trường miền Nam nhập ngũ Sư đoàn 341, Quân đoàn 4. Mấy tháng sau, đánh xong trận Phước Long, ông Địu tình cờ gặp được đồng đội cùng huyện bị thương được cho ra Bắc nên xin một mảnh giấy nhỏ, viết thư nhờ mang về cho bà Xuân.

"Đồng Nai, ngày 15-4-1975

Em thương yêu của anh!

Anh đã vào đến nơi, vừa cùng đồng đội đánh xong trận Phước Long, chúng ta giành thắng lợi em ạ. Tiểu đội của anh đánh địch giáp lá cà, mười phần chết, một phần sống. Nếu may mắn còn sống, không biết có về chăm sóc được mẹ con em nữa không.

Nếu thống nhất, anh không trở về thì xin em đừng đau buồn, hãy cố gắng nuôi con giúp anh. Em đi đâu hãy mang con theo, đừng vứt bỏ con chúng ta lại phía sau.

Con đã mất cha thì phải có mẹ, con mình không có tội tình gì mà phải mất cả bố mẹ. Nếu anh hy sinh, em ở quê nhà thắp cho anh nén hương và bát nước lạnh em nhé".

Bức thư viết vội được chồng bà gửi một người lính cùng xóm đưa về. Mở lá thư chồng gửi về, bà Xuân khóc nghẹn, vừa mừng vừa lo. Mừng vì biết chồng vẫn còn sống, lo vì chiến tranh ác liệt, sự sống quá mong manh.

Ngày 30-4-1975 miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, bà Xuân phấn khởi chờ chồng trở về với con. Đợi mãi đến năm 1976 không có tin tức gì, bà lo lắng nên đã biên thư hỏi một đồng đội của chồng.

Tháng 10-1976, bà nhận được bức thư hồi âm. Mở ra xem, bà như chết lặng khi nhìn thấy những dòng chữ viết bằng mực đỏ. Đồng đội báo, chồng bà hy sinh ngày 18-4-1975 trong một trận đánh tại Xuân Lộc, đúng 3 ngày sau bức thư cuối cùng gửi về cho bà.

"Chồng mất, con chưa rõ mặt cha. Cuộc sống nghèo đói, một mình tôi lo toan đủ thứ, có những lúc bản thân không thể gắng gượng nổi", bà Xuân nhớ lại.

‘Chỉ mong đưa được ông ấy về quê nhà’

Không lâu sau, mẹ chồng bà Xuân cũng qua đời vì bạo bệnh. Trước khi ra đi, bà căn dặn bà Xuân nhận thêm đứa con nuôi để đỡ cảnh một mẹ, một con đơn côi và sau này còn có nơi nương tựa.

Thực hiện theo di nguyện của mẹ chồng, bà Xuân ở vậy nuôi con gái khôn lớn và nhận nuôi thêm một người con trai. Những năm tháng cơ cực, đói khổ một mình bà vẫn vất vả lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho hai con.

Chiến sự qua đi, bà lặn lội vào miền Nam đi tìm mộ ông Địu. May mắn được giúp đỡ, sau nhiều năm bà cũng đã tìm thấy nơi an nghỉ của chồng ở Long Khánh (tỉnh Đồng Nai).

‘Nếu anh hy sinh, em ở quê nhà thắp cho anh nén hương và bát nước lạnh em nhé - Ảnh 3.

Vì lời dặn của chồng, bà Xuân không nỡ nào bỏ con đi bước nữa, cho đến bây giờ đã 46 năm - Ảnh: NGỌC THẮNG

Vì điều kiện kinh tế, bà chưa thể đưa ông về quê, ước mong cuối đời của bà là đưa được hài cốt chồng về quê an nghỉ. Nỗi đau trong sâu thẳm trái tim của bà vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai. Mỗi khi nhắc lại, đôi mắt của bà Xuân ngấn lệ. 

Niềm an ủi của bà là cô con gái đã khôn lớn, trở thành cô giáo, hai mẹ con sống êm ấm cùng gia đình người con nuôi.

Theo thời gian, bức thư của ông Địu nay đã thất lạc nhưng từng câu từng chữ bà Xuân vẫn nhớ như in. Bà bảo, vì lời dặn đó, bà không nỡ nào bỏ con đi bước nữa, cho đến bây giờ đã 46 năm qua đi.

Chủ tịch nước gửi thư tri ân tới thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công Chủ tịch nước gửi thư tri ân tới thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công

TTO - Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư tri ân gửi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

NGỌC THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên