16/01/2008 04:20 GMT+7

Vợ và con người liệt sĩ Trường Sa

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Mùa biển động đầu năm 2008, chị Đỗ Thị Hà lại một lần nữa đến cầu cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) đứng vẫy tay đưa tiễn những người lính đảo ra với Trường Sa. Hai mươi năm trước, chị từng đến đây tiễn đưa chồng mình ra trận.

WQBwTncW.jpgPhóng to

Trung úy Đinh Ngọc Doanh và cô con gái Mỹ Lệ trước lúc hi sinh

TT - Mùa biển động đầu năm 2008, chị Đỗ Thị Hà lại một lần nữa đến cầu cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) đứng vẫy tay đưa tiễn những người lính đảo ra với Trường Sa. Hai mươi năm trước, chị từng đến đây tiễn đưa chồng mình ra trận.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Cả một thời xuân sắc sống đời góa phụ nên khi có ai đó gợi lại chuyện cũ là nước mắt chị chảy tràn. "Bố con bé ngập ngừng ngỏ lời yêu tôi trong một chiều mưa" - giọng chị bồi hồi như đang sống lại thời con gái. Chị bảo rằng trong đời chưa từng thấy nụ cười nào rạng rỡ hơn nụ cười trên gương mặt rám nắng của chàng lính thủy trong đám cưới kiểu nhà binh.

Đêm tân hôn, trong căn nhà chỉ đủ kê chiếc giường hạnh phúc, đôi vợ chồng trẻ thì thầm bao dự tính tương lai. Rồi một buổi chiều anh nhận lệnh hành quân ra đảo và không bao giờ trở lại. "Tôi chỉ được duy nhất một lần tiễn chồng ra đảo" - người góa phụ sụt sùi.

Chồng chị, trung úy Đinh Ngọc Doanh, là người con của đất cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), hi sinh tại đảo Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa) trong "sự kiện 14-3-1988" khi vừa bước sang tuổi 24. Đêm mưa đầu tiên sống đời góa phụ, người vợ trẻ ngồi bó gối ngắm con gái chưa tròn tuổi vô tư mỉm cười trong giấc mơ mà tay áo ướt đầm nước mắt. Càng lớn cô bé càng hỏi nhiều về ba khiến lòng chị thêm quặn thắt. Gọi là gần hai năm chung sống nhưng anh chồng trẻ bận bịu chuyện nhà binh xa nhà suốt nên những ngày vợ chồng sum vầy hạnh phúc có được là bao.

Hồi ấy, tưởng tượng hoài nhưng cô bé Mỹ Lệ vẫn không hình dung nổi một người cha phải như thế nào nên cuối cùng đành chấp nhận "chắc là cũng dí dỏm, hiền lành và thương mình như mấy chú bộ đội vẫn đến thăm nhà”.

Rồi Mỹ Lệ lớn lên. Có những buổi chiều tan trường thấy bạn bè hớn hở được ba đón về, cô trò nhỏ vội quay mặt chẳng dám nhìn lâu sợ không cầm được nước mắt. Cô giáo ra đề văn tả người cha, Mỹ Lệ thiếu cha nên len lén sang "nhờ vả” hình ảnh người cha của bạn. Một lần vô tình đến nhà bạn đúng bữa cơm chiều, thấy cả nhà quây quần hạnh phúc ấm cúng, cô bé chạy về ôm mẹ khóc nức nở. Không ít lần người mẹ trẻ bắt gặp con gái đứng lặng rất lâu trước di ảnh cha, hai giọt nước mắt lăn dài trên má.

Nhà thiếu người đàn ông trụ cột, cuộc sống lại khó khăn nên người vợ trẻ không thể cứ mãi ngồi khóc chồng. Không có nghề nên chị hết đi gánh muối, bóc vỏ hạt sen rồi chuyển sang phụ hồ. Sức vóc phụ nữ trong cuộc mưu sinh quá đỗi nhọc nhằn. Thiệt bụng thì cũng lắm lúc chị chạnh lòng nghĩ tới bản thân... Vậy sao không đi bước nữa? Người góa phụ giọng buồn buồn: "Làm sao tôi quên được những tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi ngày xưa, hơn nữa lỡ ra có chuyện gì sẽ làm khổ thân con bé”.

Hai mươi năm kể từ ngày người cha ra đảo không về, Mỹ Lệ giờ đã là cô SV năm cuối khoa kinh tế ĐH Quốc gia TP.HCM. Hành trang bạn mang theo mình không chỉ là tinh thần quả cảm của người cha mà còn là những ký ức khó quên của một thời niên thiếu. Đó là hình ảnh người mẹ thân cò gánh đôi thúng nặng lên đụn muối cao cao. Đó là những đêm mưa hai mẹ con nháo nhào tìm chậu hứng nước mưa nhà dột. Đó là giọt nước mắt lặng lẽ nóng hổi của mẹ giữa đêm đông giá lạnh.

Cô gái trẻ cho biết từ lâu rồi sức khỏe mẹ đã sa sút nhưng không dám điều trị tới nơi tới chốn chỉ vì muốn dành dụm tiền lo cho con gái ăn học nên người. Mẹ của Lệ cả đời chỉ lo nuôi con khôn lớn mà quên cả bản thân mình. Cho nên Mỹ Lệ tự nhủ phải nỗ lực nhiều để mẹ vui sống khi mai kia người mẹ bước sang tuổi xế chiều.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên