Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Ảnh: Việt Dũng |
- Lấy phiếu tín nhiệm là một cơ chế để giám sát quyền lực và vận hành chế độ trách nhiệm chính trị. Đã có chức có quyền thì phải hành xử thế nào để bảo đảm được sự tín nhiệm. Không còn được tín nhiệm thì sẽ không còn giữ được chức quyền.
"Ý nghĩa to lớn của việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội vừa qua là nó đã xảy ra trên thực tế. Sự kiểm soát quyền lực và xác lập chế độ trách nhiệm chính trị đã được đẩy tới một bước" |
Thật ra lấy phiếu tín nhiệm là một cơ chế rất VN. Trên thế giới người ta chỉ có cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm. Ở ta lấy phiếu tín nhiệm thì chưa phải là bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm, vì vậy, thực chất chỉ là một sự thăm dò và cảnh báo. Còn bỏ phiếu tín nhiệm sẽ là một hành vi pháp lý với những hậu quả tức thì. Tuy nhiên, sự tinh tế nói trên không phải bao giờ cũng dễ phân định. Ví dụ, nếu kết quả lấy phiếu tín nhiệm là quá thấp đối với một bộ trưởng nào đó thì uy tín cũng như tính chính danh của bộ trưởng đó sẽ không còn. Mà như vậy việc tiếp tục giữ chức quyền cũng sẽ rất khó khăn.
* Ông từng nói rằng với cách lấy phiếu tín nhiệm như ở Quốc hội thời gian qua thì cuối cùng những người phiếu thấp hơn không hẳn là những người không làm việc tốt hơn. Xin hỏi một việc cụ thể, với tư cách là cử tri, ông bỏ phiếu “tín nhiệm cao” cho những thành viên Chính phủ nào trong thời gian qua và vì sao?
- Rất tiếc, với tư cách là cử tri thì tôi không có quyền bỏ phiếu tín nhiệm. Tất nhiên nếu có việc lấy phiếu tín nhiệm của cử tri, tôi sẽ bỏ phiếu “tín nhiệm cao” cho bộ trưởng nào dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm; bộ trưởng nào có tâm với công việc, với người dân; bộ trưởng nào tạo ra được những chuyển biến thật sự trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Những bộ trưởng như vậy không nhiều nhưng không phải là không có. Tuy nhiên, cho phép tôi không kể ra cụ thể bộ trưởng nào ở đây. Vì làm như vậy chưa chắc đã có lợi cho tôi, càng chưa chắc đã có lợi cho bộ trưởng.
* Theo quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức. Thực tế việc lấy phiếu tín nhiệm thời gian qua không có ai ở vào trường hợp nêu trên. Theo ông là vì ở ta không có lĩnh vực kinh tế - xã hội nào xảy ra vấn đề quá nóng, quá bức xúc và các tư lệnh lĩnh vực đều chỉ đạo, điều hành chưa đến mức “tín nhiệm thấp” hay vì lý do nào khác?
- Theo tôi, khó có thể khẳng định “ở ta không có lĩnh vực kinh tế - xã hội nào xảy ra vấn đề quá nóng, quá bức xúc”. Vậy nguyên nhân của việc không có bộ trưởng nào bị đánh giá “tín nhiệm thấp” trên 50% nên tìm ở chỗ khác.
Trước hết, trong khuôn khổ thể chế của chúng ta hiện nay, bộ trưởng không phải muốn làm gì cũng được. Bộ trưởng cũng phải chịu rất nhiều ràng buộc và hạn chế. Mà không có toàn quyền, thì không thể chịu toàn bộ trách nhiệm.
Hai là, với cách chia phiếu làm ba mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) thì xác suất của việc lựa chọn “tín nhiệm thấp” chỉ là trên 33%. Nếu chúng ta chia phiếu làm hai mức (tín nhiệm, bất tín nhiệm), thì xác suất của việc lựa chọn “bất tín nhiệm” sẽ lên đến 50%. Chia phiếu làm mấy mức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả bỏ phiếu.
* Vừa qua dư luận thế giới đều biết thủ tướng Hàn Quốc từ chức ngay sau vụ chìm phà. Ở ta trong dịch sởi, tại cuộc họp báo của Chính phủ cũng đã có nhà báo hỏi bộ trưởng Bộ Y tế về vấn đề từ chức. Xin hỏi là giữa việc từ chức của chính khách và việc lấy phiếu tín nhiệm ở các nước có quan hệ với nhau như thế nào?
- Trước hết, việc từ chức để nhận trách nhiệm có thể được khen, mà cũng có thể bị chê. Có vẻ như việc từ chức của thủ tướng Hàn Quốc vừa qua đã bị chê hơn là được khen. Lý do là vì mối liên hệ về chế độ trách nhiệm giữa thủ tướng Hàn Quốc và vụ chìm phà là rất khó xác lập. Ngoài ra, trong khi phải tập trung cao độ để xử lý hậu quả thảm khốc của việc chìm phà, thì ông thủ tướng lại tìm cách từ chức. Mà như vậy thì có nghĩa là không làm việc cần phải làm vào thời điểm đó. Tóm lại, từ chức khi thấy mình có trách nhiệm trong việc để xảy ra tai nạn mới là điều nên làm. Cũng nên từ chức khi tín nhiệm của mình thấp. Tín nhiệm thấp có thể được phản ánh qua dư luận xã hội hoặc qua việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.
* Ông có đề xuất nào cho việc sửa đổi cơ chế lấy phiếu tín nhiệm hiện nay?
- Tôi cho rằng nên có những quy định về mặt thủ tục để xác lập tỉ lệ 20% các vị đại biểu đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm là cách áp dụng luật nghị viện phù hợp cho Việt Nam. Các vị đại biểu có thể gửi đề nghị bằng giấy lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chẳng hạn. Các đề nghị này sẽ được tổng hợp. Vị bộ trưởng nào có trên 20% đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm (thực chất là bất tín nhiệm) thì sẽ bị đưa ra bỏ phiếu. Tất nhiên, về mặt thủ tục phải có các phiên họp để vị bộ trưởng có liên quan được giải trình trước Quốc hội. Lẳng lặng bỏ phiếu vừa không minh bạch vừa khó chính xác.
Áp dụng kinh nghiệm thế giới Nếu chúng ta tiếp thu Internet được, vệ tinh viễn thám được... và rất nhiều thứ khác nữa được thì chẳng có lý do gì để chúng ta không tiếp thu được cách thức bỏ phiếu tín nhiệm và bất tín nhiệm ở Quốc hội. Về bản chất, chế định Quốc hội với chức năng giám sát (trong đó bỏ phiếu tín nhiệm là một công cụ để thực hiện chức năng này) cũng là thứ chúng ta áp dụng kinh nghiệm của thế giới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận