Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng xét tuyển khó khách quan, nảy sinh tiêu cực. Vậy tuyển sinh lớp 10 nên như thế nào cho hợp lý? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia.
* Ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phụ trách mảng khảo thí):
Muốn xét tuyển phải có quá trình chuẩn bị
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các địa phương có thể chọn một trong ba phương án để tuyển sinh vào lớp 10 công lập gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm khác nhau.
Với điều kiện hiện tại ở TP.HCM, thi tuyển sẽ có những ưu điểm như đảm bảo sự công bằng, khách quan vì kỳ thi do Sở GD-ĐT ra đề thi chung, tổ chức hội đồng chấm thi chung cho toàn TP. Việc thi tuyển vào lớp 10 cũng giúp ngành GD-ĐT thực hiện công tác phân luồng sau THCS.
Trong đó, sẽ có một tỉ lệ nhất định học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập; số còn lại sẽ học tại các trường nghề, trung tâm GDTX, trường tư thục... Tuy nhiên, thi tuyển cũng có nhược điểm là gây áp lực cho học sinh và giáo viên, gây tốn kém cho xã hội khi phải tổ chức một kỳ thi cho học sinh toàn TP.
Xét tuyển vào lớp 10 tuy có giảm được áp lực cho học sinh, giảm được chi phí tổ chức kỳ thi nhưng lại tồn tại một nhược điểm khá lớn. Nguyên nhân là kết quả học tập trong bốn năm THCS của học sinh được đánh giá bằng nhiều "thước đo" khác nhau và có trường ra đề kiểm tra dễ, có trường ra khó.
Chưa kể giáo viên "thương" học sinh nên có phần châm chước, nâng đỡ khi chấm bài kiểm tra. Như vậy, xét tuyển dựa vào điểm học bạ THCS không công bằng, khách quan.
Tôi cho rằng thi tuyển là tối ưu trong điều kiện TP.HCM hiện nay. Nói thế không có nghĩa TP.HCM không thể xét tuyển vào lớp 10 công lập.
Nếu muốn xét tuyển phải có quá trình chuẩn bị với những bước đi phù hợp về tốc độ xây dựng trường THPT công lập, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá ở THCS để giảm thiểu sự chênh lệch trong đánh giá học sinh.
* TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội):
Để thi trở nên nhẹ nhàng hơn
Mục đích chủ yếu của thi tuyển vào lớp 10 là để tuyển chọn khi nhu cầu học nhiều hơn chỗ học và có sự chênh lệch về chất lượng giữa các trường trong một địa bàn.
Thực tế cho thấy ở những TP lớn như Hà Nội việc tuyển sinh lớp 10 rất áp lực khi chỉ có trên 60% học sinh học trường công lập.
Trong số đó học sinh có thể vào những trường tốt còn ít hơn nữa. Điều đó khiến cuộc cạnh tranh vào lớp 10 căng thẳng.
Nếu bỏ thi tuyển, chỉ xét tuyển, tôi e là không khả thi vì khó có những tiêu chí đủ mạnh để sàng lọc. Chưa kể xét tuyển sẽ tạo nên những cuộc chạy đua khác để làm đẹp hồ sơ, không ngoại trừ tiêu cực.
Thi tuyển tuy tạo áp lực cho học sinh nhưng có tính khả thi cao hơn, công bằng, khách quan hơn.
Muốn thi tuyển nhẹ nhàng hơn thì chính quyền địa phương, ngành GD-ĐT phải bố trí đủ chỗ học ở trường công lập cho học sinh sau khi học xong lớp 9 và phải rà soát, có biện pháp rút ngắn khoảng cách về điều kiện giáo dục, chất lượng giáo dục giữa các trường công lập trên địa bàn. Giải quyết được việc đó thì xét hay thi đều có thể giảm áp lực.
* TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT):
Giảm áp lực bằng tăng chỗ học
Cách phân luồng sau THCS theo hướng chỉ những học sinh có điểm học tập, rèn luyện đạt yêu cầu tiếp tục học THPT, còn rẽ ngang học nghề là cứng nhắc. Nhiều nước trước đây làm nay cũng đã bỏ.
Vì thế tôi không ủng hộ các ý kiến cho rằng nên quy định phân loại học sinh sau lớp 9 để phân luồng và giảm áp lực thi vào lớp 10.
Cách phân luồng cứng như thế làm mất quyền lợi chính đáng của người học. Nhận thức về phân luồng học sinh phổ thông ở mỗi giai đoạn cần có sự thay đổi về tư duy.
Người tham gia thị trường lao động cần có nền tảng văn hóa ở bậc THPT. Theo tôi chỉ những học sinh không đủ năng lực học tập hoặc không muốn học tiếp lên THPT thì mới nên rẽ ngang học nghề.
Để giảm áp lực tuyển sinh lớp 10, các địa phương không nên chọn phương thức gây khó khăn cho người học mà nên có các giải pháp như: tăng chỗ học ở trường công lập, chính sách hỗ trợ trường tư - như hỗ trợ về đất - để giảm học phí.
Khi đủ chỗ học thì xét hay thi tuyển đều không căng thẳng. Như hiện nay thì chỉ 15 - 20 năm nữa, áp lực tuyển sinh đầu cấp sẽ gay go hơn nhiều khi cầu vượt xa cung.
* Bà Ngô Thu Minh An (phụ huynh học sinh lớp 9 ở quận Bình Thạnh, TP.HCM):
Mong giảm áp lực cho học sinh
Năm 2021 vì dịch COVID-19 nên TP.HCM không tổ chức thi mà xét tuyển vào lớp 10. Con tôi và một số bạn cùng lớp rớt nguyện vọng 1 vì điểm học bạ không cao bằng học sinh trường khác. Các cháu kháo nhau thầy cô trường mình ra đề kiểm tra khó, chấm điểm chặt nên học sinh thất thế.
Do đó, năm nay con gái út học lớp 9 tôi mong cháu được thi tuyển vào lớp 10 để cháu nỗ lực học, thi vào ngôi trường cháu mơ ước. Trong điều kiện hiện nay, mỗi trường THCS có cách đánh giá khác nhau thì thi tuyển là khách quan nhất. Cháu nào giỏi sẽ vào trường THPT top đầu và ngược lại. Chỉ có điều là thi tuyển lớp 10 đang gây áp lực quá lớn cho học sinh và phụ huynh.
Tôi ủng hộ thi tuyển vào lớp 10 nhưng tôi mong muốn ngành GD-ĐT giảm tải chương trình học. Làm sao các cháu không đi học thêm mà vẫn làm được bài thi vào lớp 10. Các trường THCS cần có chương trình giảng dạy tiệm cận với nội dung, hình thức của đề thi vào lớp 10. Bởi hiện nay trường THCS chỉ dạy kiến thức cơ bản, học sinh phải đi học thêm bên ngoài mới mong được điểm cao khi thi tuyển lớp 10.
Thăm dò ý kiến
Hiện nay nhiều tỉnh, thành tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, các em học sinh phải học hành, ôn thi rất áp lực. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận