21/04/2021 09:10 GMT+7

Nên để bộ nào quản hệ cao đẳng?

MINH GIẢNG - NGỌC DIỆP
MINH GIẢNG - NGỌC DIỆP

TTO - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam (gọi chung là hiệp hội) đã có văn bản kiến nghị chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo CĐ từ Bộ LĐ-TB&XH qua Bộ GD-ĐT.

Nên để bộ nào quản hệ cao đẳng? - Ảnh 1.

Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) trong giờ học. Trước đây trường trực thuộc Bộ GD-ĐT và hiện thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã kội - Ảnh: M.G.

Theo hiệp hội này, việc tách và chuyển trường CĐ khỏi Bộ GD-ĐT về Bộ LĐ-TB&XH trước đây dẫn đến nhiều hệ lụy.

"Điểm nghẽn" phân luồng

Hiệp hội này cho rằng từ đầu năm 2017, công tác quản lý nhà nước với hệ CĐ không còn do Bộ GD-ĐT đảm nhiệm đã tạo "điểm nghẽn" cản trở phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và phát triển nguồn nhân lực. 

Từ khi có Luật giáo dục nghề nghiệp (cuối 2014), ranh giới giữa giáo dục nghề với giáo dục chuyên nghiệp được che khuất bởi quan niệm "giáo dục nghề nghiệp" là "một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ CĐ...".

Cũng theo hiệp hội này, sự dịch chuyển trên dẫn tới các trường CĐ không được coi là cơ sở giáo dục ĐH, quản lý giáo dục nghề nghiệp bị chia sẻ. Các trường phổ thông, các ĐH, trường ĐH, trường CĐ sư phạm do Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước, phần còn lại thuộc Bộ LĐ-TB&XH.

Hiệp hội này kiến nghị Quốc hội sớm điều chỉnh các luật về giáo dục theo định hướng đưa trình độ CĐ về trở lại bậc giáo dục ĐH; đổi tên Luật giáo dục nghề nghiệp thành Luật giáo dục nghề với các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao cấp nghề. 

Đưa quản lý nhà nước về đào tạo CĐ về chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục ĐH, tức là về lại Bộ GD-ĐT...

Trường CĐ gặp khó

Ở góc độ đơn vị đào tạo, hiệu trưởng một trường CĐ cho rằng khi chuyển về Bộ GD-ĐT trường sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động và tuyển sinh. Bởi trường nằm trong hệ thống dữ liệu tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT sẽ tốt hơn cho việc tuyển sinh.

Thực tế ngay sau khi trường CĐ chuyển giao về Bộ LĐ-TB&XH, trường CĐ ngay lập tức bị loại khỏi dữ liệu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Quy chế tuyển sinh ĐH năm đó cũng mở toang cửa cho các trường ĐH mà không tính đến trường CĐ. 

"Không những vậy, trường CĐ phải điều chỉnh chương trình đào tạo dẫn đến lệch so với trường ĐH nên sinh viên muốn liên thông rất khó khăn, không được trường ĐH chấp nhận" - ông này cho biết.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT - lý giải cụ thể hơn: "Từ khi trường CĐ chuyển về Bộ LĐ-TB&XH, hệ thống giáo dục nghề nghiệp không chủ động được đầu vào. Phổ thông và ĐH thuộc Bộ GD-ĐT quản lý. 

Họ có thông tin và chủ động đầu vào trong khi CĐ lại nằm ngoài hệ thống này nên rất khó khăn". Cũng theo ông Vinh, ngoài yếu tố này, các văn bản pháp lý liên quan giáo dục nghề nghiệp còn chồng chéo và chưa có sự liên thông với Bộ GD-ĐT.

"Mỗi bộ quản lý một sân, mỗi bên xây dựng quy chuẩn, chương trình khác nhau dẫn đến việc hệ thống đào tạo bị gián đoạn, người học khó khăn khi muốn học lên cao hơn. 

Ngoài Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, còn có 63 phòng giáo dục nghề nghiệp ở các sở LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, điểm cốt yếu của những phòng này phần lớn là ít người, thiếu kinh nghiệm quản lý, không đủ khả năng thanh tra, kiểm tra" - ông Vinh nói.

Từ đó, ông Vinh cho rằng cần thiết đưa CĐ về lại Bộ GD-ĐT và phân rõ chức năng để tập trung nguồn lực lại, khai thác hiệu quả chứ không phân tán và lãng phí, chồng lấn chức năng như hiện tại. 

Giáo dục nghề nghiệp chỉ nên đào tạo ngắn hạn, thường xuyên và ban đầu cho doanh nghiệp. Có thể đưa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD-ĐT để phụ trách việc này.

Cũng đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng việc chuyển CĐ về Bộ GD-ĐT là việc làm cần thiết để sửa sai cho quyết định sai lầm trước đây.

Theo ông Tống, không chỉ CĐ mà cả trung cấp, nghề cũng chuyển về Bộ GD-ĐT để hình thành hệ thống thống nhất cả về quản lý và chương trình đào tạo. Điều này không chỉ giúp hạn chế đầu mối quản lý mà còn giúp việc hướng nghiệp, đào tạo, phân luồng hiệu quả hơn.

CĐ là một phần của ĐH

Rất ủng hộ đưa CĐ về lại hệ giáo dục ĐH nhưng ông Trần Đức Cảnh - cựu cố vấn hội đồng tuyển sinh ĐH Harvard (Mỹ), ủy viên của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021 - cho rằng việc trước tiên cần làm là sửa Luật giáo dục nghề nghiệp và các luật liên quan; sắp xếp lại hệ thống giáo dục ĐH cho hợp lý, đồng bộ, linh động, hiệu quả và có tính liên thông cao.

Theo ông Cảnh, bản chất của CĐ là một phần của giáo dục ĐH, không thể thiếu. CĐ ở Mỹ và các nước đào tạo 2-3 năm, cấu trúc chương trình phổ biến là 2+2 hoặc 2+3. Sau hai năm đầu, người học được cấp bằng CĐ và có thể đi làm. Nếu tiếp tục học lên ĐH, người học sẽ được trường ĐH công nhận 2 hoặc 1 năm chương trình đã học. 

Chương trình CĐ 2-3 năm ở các nước như hệ CĐ của Việt Nam trước đây có thể liên thông trực tiếp lên ĐH khi chương trình 2 năm hay 3 năm (tín chỉ/môn) của CĐ được cấu trúc và công nhận tương đương với bậc ĐH khi liên thông.

Tính liên thông CĐ - ĐH ở Việt Nam còn yếu, thậm chí không kết nối được với nhau, thành ra điểm nghẽn cho cả hệ thống đào tạo ĐH. Do đó, việc đưa CĐ về lại hệ ĐH sẽ đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả hơn so với hiện nay. 

Ông Cảnh cho rằng bản thân chương trình CĐ rất thực tiễn và hiệu quả kinh tế không riêng ở Việt Nam mà cả thế giới, cung cấp nguồn lực có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cấp dưới bậc ĐH.

Nếu cấu trúc liên thông hợp lý thì chương trình CĐ có thể là nguồn sinh viên cho bậc ĐH sau khi đã chứng minh hai năm học đầu ở các trường địa phương, giảm chi phí và áp lực kinh tế cho gia đình, đồng thời giảm lượng sinh viên dồn về thành phố lớn, không cần thiết ít nhất 2 năm đầu.

Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu đào tạo cấp học này rất lớn cũng như khả năng nâng cấp trình độ lâu dài của người học, do đó việc đưa CĐ trở lại hệ ĐH là đúng với tinh thần của nghị quyết số 29-NQ/TW.

Từng tranh cãi giao trường CĐ về Bộ LĐ-TB&XH

Trong kỳ họp Quốc hội năm 2014, khi thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề, đa số đại biểu nhất trí đổi tên luật thành Luật giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên rất băn khoăn trong việc lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Luật giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2015. Tuy nhiên, luật chỉ được 274 trên tổng số 412 đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, đạt 55,13%, tỉ lệ thấp nhất từ trước đến nay.

Tại kỳ họp Quốc hội, vấn đề giao hệ thống giáo dục nghề nghiệp về bộ nào quản lý là câu hỏi gây rất nhiều tranh cãi với các ý kiến trái chiều. Tỉ lệ bỏ phiếu của các đại biểu Quốc hội nhất trí giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý chiếm 34%, tỉ lệ nhất trí giao cho Bộ GD-ĐT quản lý chiếm 29,4%.

Có 28,6% đại biểu đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn và 8% số đại biểu có ý kiến khác. Với tỉ lệ đều dưới 50% nên việc giao bộ nào quản lý giáo dục nghề nghiệp đã không được quyết ngay tại kỳ họp Quốc hội. Tháng 8-2016, Chính phủ thống nhất giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ CĐ sư phạm.

* Ông Lê Trường Tùng (chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT):

Quan trọng là xây được mô hình hợp lý

le truong tung 111 1(read-only)

Điều tôi thấy bất cập ở đây chính là mô hình giáo dục chứ không phải vấn đề bộ nào quản lý CĐ. Những năm 1980, Việt Nam có Bộ Giáo dục và Bộ ĐH và trung học chuyên nghiệp để quản lý riêng mảng phổ thông và sau phổ thông.

Sau này, chuyển sang mô hình Bộ GD-ĐT quản lý cả phổ thông và ĐH. Còn dạy nghề thì do Bộ LĐ-TB&XH.

Nhìn tổng thể mô hình này có nhiều bất hợp lý. Vì mảng phổ thông công việc rất nặng với 20 triệu người học. Còn ĐH thì chỉ khoảng 2 triệu người, lĩnh vực giáo dục nghề cũng tầm đó.

Để Bộ GD-ĐT quản lý cả phổ thông và ĐH là quá nặng. Nên chăng tách riêng ra mảng trước lớp 12 do một bộ quản lý, sau lớp 12 do một bộ khác quản lý. Quan trọng là xây dựng được mô hình hợp lý và cách thức quản lý thế nào thôi, chứ bộ nào quản mảng CĐ không quan trọng.

ts-le-dong-phuong-anh-t-h 1(read-only)

* TS Lê Đông Phương (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam):

Có sự nhầm lẫn về khái niệm

Trước kia chúng ta chia rất rõ trung cấp chuyên nghiệp, CĐ chuyên nghiệp với trung cấp nghề, CĐ nghề. Khi thống nhất đưa hết trung cấp và CĐ cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì cả trung cấp và CĐ phải theo chuẩn của bộ này.

Ở đây có thể thấy sự nhầm lẫn về khái niệm. CĐ vốn là trình độ được đào tạo gần với ĐH, với hàm lượng lý thuyết khá nhiều, hướng tới đào tạo người học có trình độ nhận thức cao thì nay lại phải theo khung đào tạo nghề là bất hợp lý.

Luật chồng chéo, trường cao đẳng vừa dạy vừa... run Luật chồng chéo, trường cao đẳng vừa dạy vừa... run

TTO - 'Giáo dục nghề đòi hỏi phải ra được sản phẩm rõ ràng như cái áo, cái máy. Hiện nay đào tạo y khoa, chúng tôi phải vừa dạy vừa dỗ các cháu. Nghĩ đến khi các cháu ra trường, kê đơn thuốc cho mình mà run', một cán bộ trường cao đẳng y tế chia sẻ.

MINH GIẢNG - NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên