20/04/2012 04:22 GMT+7

Nạo vét hay tận thu cát?

ĐỨC TUYÊN
ĐỨC TUYÊN

TT - Công ty cổ phần hàng hải và đầu tư phát triển Hiệp Phước được Bộ Giao thông vận tải cấp phép nạo vét duy tu và nâng cấp tuyến luồng sông Đồng Nai. Thế nhưng theo các nhà quản lý, đây là kiểu “núp bóng” để tận thu cát.

YKFZYKXs.jpgPhóng to
Một trong những chiếc sà lan đang chờ mua cát của Công ty Hiệp Phước bán sáng 19-4 - Ảnh: ĐỨC TUYÊN

Ngày 19-4, Sở Tài nguyên - môi trường (TN&MT) TP.HCM cùng các sở ban ngành và đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với Công ty Hiệp Phước. Ngoài ra, đoàn công tác liên ngành đã đi kiểm tra thực địa nơi Công ty Hiệp Phước thực hiện nạo vét trên sông Đồng Nai.

Kiếm hàng trăm tỉ đồng tiền bán cát

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án nạo vét duy tu và nâng cấp tuyến sông Đồng Nai đoạn từ cầu Đồng Nai đến rạch Ông Nhiêu (dài 28,5km - dự án nạo vét sông Đồng Nai) của Công ty Hiệp Phước, tổng khối lượng cát và bùn đất sét nạo được gần 10 triệu m3. Trong đó nhiều nhất là cát san lấp chiếm khoảng 7 triệu m3, còn lại là cát xây dựng và bùn đất sét.

“Nhập nhèm”

Có mặt trong đoàn kiểm tra, rất nhiều cán bộ các ban ngành đều cho rằng việc nạo vét sông Đồng Nai của Công ty Hiệp Phước đang có sự nhập nhèm giữa dự án “mang danh” nạo vét sông Đồng Nai và việc khai thác tận thu cát để bán ra thị trường. Năm 2004, Chính phủ từng ban hành văn bản chỉ đạo các tỉnh thành trong khu vực cũng như bộ ngành liên quan về việc “tạm dừng việc cấp giấy phép khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn từ đập thủy điện Trị An đến hạ nguồn”.

Ông Hà Quang Vinh, phó chỉ huy công trình dự án nạo vét sông Đồng Nai của Công ty Hiệp Phước, cho biết hiện đơn vị bán cát cho bạn hàng ngay tại công trường với giá cát san lấp là 20.000 đồng/khối, cát xây dựng 50.000-70.000 đồng/khối, còn bùn đất sét có giá thấp hoặc cao hơn cát san lấp tùy thời điểm. Như vậy với khối lượng cát, đất sét khai thác trên tổng dự án thì đơn vị thi công cũng thu hàng trăm tỉ đồng.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai Mai Công Khiển (phòng quản lý tài nguyên nước và khoáng sản) cho rằng: “Với lượng cát, bùn đất sét được khai thác và tiêu thụ ra ngoài thị trường quá lớn như hiện nay và chiếu theo Luật khoáng sản năm 2010, Công ty Hiệp Phước phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lại cho Nhà nước”. Thế nhưng lý giải của đại diện Công ty Hiệp Phước lại cho rằng: “Tiền bán cát, bùn đất sét để bù đắp chi phí công ty đã bỏ ra thi công nạo vét đoạn sông(?!)”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, đặt vấn đề: “Với công trình quy mô và khối lượng cát, bùn đất sét thu được lớn như vậy, nếu Bộ GTVT muốn nạo vét đoạn sông Đồng Nai trên cũng nên đưa dự án ra đấu thầu”. Thế nhưng dự án này đã được “âm thầm” giao Công ty Hiệp Phước thực hiện. Ông Hồ Văn Năm - trưởng Phòng TN&MT quận 9, TP.HCM - cho biết Công ty Hiệp Phước đã hoạt động nạo vét khai thác cát từ tháng 2-2012 nhưng mãi đến mới đây quận mới biết vì “họ (Công ty Hiệp Phước) không có báo cáo cho UBND quận 9 biết”.

Một cán bộ Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai còn cho biết cuối năm 2011, khi kiểm tra và khảo sát trên sông Đồng Nai đã phát hiện Công ty Hiệp Phước đang nạo vét khai thác cát trên đoạn sông từ cầu Đồng Nai đến ngã ba Tam Phước. Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Hiệp Phước chỉ thừa nhận đã nạo vét đoạn sông Đồng Nai từ ngày 6-2-2012. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc Công ty Hiệp Phước đã thừa nhận nạo vét sông Đồng Nai trước khi Bộ TN&MT có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường của dự án (ngày 16-2-2012).

Nên thu tiền khai thác cát

Theo cán bộ kỹ thuật của Công ty Hiệp Phước, tính đến nay đơn vị này đã nạo vét được gần 6km từ phao số 1 (P.Long Bình, Q.9, TP.HCM) đến ngã ba Tam Phước (thuộc H.Nhơn Trạch, Đồng Nai). Mỗi ngày lấy được 1.500-3.000 khối cát, bùn đất sét và bán cho thương lái đưa sà lan đến “ăn hàng” ngay tại công trường.

Năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã phân định và phê duyệt quyết định cấm khai thác khoáng sản, cát từ cầu Đồng Nai tới rạch Ông Nhiêu. Trước những mối lo ngại của cơ quan chức năng cũng như bức xúc của người dân, mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã gửi công văn đến Bộ TN&MT, Bộ GTVT kiến nghị: dự án nạo vét có tận thu cát, bùn đất sét của Công ty Hiệp Phước thuộc khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản, cát như Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo. Do đó muốn nạo vét có tận thu cát, bùn đất sét phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đinh Công Hoàng, giám đốc Công ty Hiệp Phước, khẳng định: “Đơn vị chúng tôi đang làm đúng và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp cho việc nạo vét sông Đồng Nai”.

ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên