15/08/2006 12:10 GMT+7

"Năng động Hàn Quốc": Câu chuyện về một khẩu hiệu

Theo Dương Trung Quốc - VietNamNet
Theo Dương Trung Quốc - VietNamNet

Một Hàn Quốc năng động không chỉ là khẩu hiệu quảng bá du lịch mà đã trở thành tập quán từ bóng đá tới mỗi hoạt động kinh tế, văn hoá. Ghi chép của nhà sử học Dương Trung Quốc gửi về từ Seoul.

OUIQKNW9.jpgPhóng to
Sân vận động World Cup ở Seoul, một biểu tượng của tinh thần "năng động Hàn Quốc"
Một Hàn Quốc năng động không chỉ là khẩu hiệu quảng bá du lịch mà đã trở thành tập quán từ bóng đá tới mỗi hoạt động kinh tế, văn hoá. Ghi chép của nhà sử học Dương Trung Quốc gửi về từ Seoul.

Từ “Morning Calm” tới "Dynamic Korea"

Khi tôi nhận được văn thư của Đại sứ Hàn Quốc chuyển lời mời của Quỹ Hàn Quốc (Korea Foundation) thực hiện một chuyến tiếp xúc với văn hoá của bạn, trên phong bì của sứ quán luôn thấy in một tiêu đề “Năng động Hàn Quốc” (Dynamic Korea).

Những người am hiểu về Hàn Quốc cho rằng dịch “Dynamic” là “năng động” chưa đủ vì nó còn hàm ý về sự “đột phá” bằng nỗ lực sáng tạo không ngừng... Trước đó Hàn Quốc muốn thể hiện mình là một xứ sở của sự thanh bình với khẩu hiệu “Morning Calm”.

Sang Seoul, đến thăm Cơ quan Thông tin Đối ngoại (KOIS) của Bộ Văn hoá và Du lịch nơi điều phối những chương trình truyền bá hình ảnh Hàn Quốc ra nước ngoài, khi được hỏi cái “slogan” này còn được giữ đến bao giờ thì vị quan chức đứng đầu cơ quan này trả lời rằng: ”Chắc phải mười năm nữa!”

Ý tưởng cho ra đời câu khẩu hiệu này bắt đầu từ cuộc tiếp xúc của một quan chức ngoại giao với các nhà báo nước ngoài vào thời điểm 1 năm rưỡi trước khi diễn ra World Cup 2002 do Hàn và Nhật đăng cai. Khi được hỏi cảm xúc về đất nước Hàn Quốc, một nhà báo nước ngoài nhận xét rằng đó là một xã hội rất năng động. Ý kiến ấy được nêu lên trong cuộc họp của Uỷ ban Chuẩn bị World Cup và nhanh chóng thuyết phục được mọi người chọn câu “Năng động Hàn Quốc” làm “slogan” cho quốc gia đồng đăng cai giải đấu.

Và năm 2002, không khí sôi động của World Cup, thành tích thi đấu nổi bật của đội Hàn Quốc và đặc biệt tinh thần cuồng nhiệt và fair-play của cổ động viên áo đỏ cũng như công tác tổ chức rất thành công đã là một minh chứng cho một Hàn Quốc Năng động. Ở Hàn Quốc biểu tượng “những con quỷ đỏ” được dành cho cổ động viên chứ không phải cho cầu thủ như ở Bỉ.

Và nhiều người cho rằng chính những hành vi đầy xung lực nhưng lại rất văn hoá của những “con quỷ áo đỏ” này đã khởi động cho tinh thần “Năng động Hàn Quốc” trở thành một định hướng cho một chương trình truyền bá và nâng cao hình ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế mà Chính phủ đã kịp thời tổ chức một cách có bài bản và hiệu quả rõ rệt.

Năm 2006, đội bóng đá Hàn Quốc vẫn được tham dự vòng chung kết World Cup Berlin nhưng thành tích không như ý, khiến cả nước thất vọng, lại thêm nền kinh tế đất nước có chiều hướng chững lại và những căng thẳng chính trị trên bán đảo Triều Tiên đang làm cho lòng người phân tâm... nhưng những người được hỏi đều khẳng định rằng Hàn Quốc vẫn kiên trì phấn đấu cho khẩu hiệu đó. Vì không “dynamic” sẽ tụt hậu giữa cái thế giới cạnh tranh đầy biến động này.

Đổi mới là vô hạn

Đến Hàn Quốc càng cảm nhận đầy đủ câu khẩu hiệu trên như một mục tiêu chiến lược. Có một nét rất chung là đến tất cả các cơ quan lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp đều thấy việc giới thiệu lịch sử truyền thống và trưng bày những thành tựu được đầu tư rất mạnh và hoạt động rất chuyên nghiệp.

Đến thăm Đại học Hàn Quốc là một trường tư thục lớn và có chất lượng cao trong nước cũng như quốc tế, khách mời được giới thiệu thăm bảo tàng của nhà trường đặt trong một toà nhà rất lớn vừa khánh thành vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập trường (1905), tương đương với Đại học Quốc gia Hà Nội vậy. Bảo tàng được xây rất hiện đại với khoảng 100.000 hiện vật trong đó có cả những “báu vật” hay “bảo vật” quốc gia.

Nhà nước có cơ chế cho phép bảo tàng trường tư cũng có thể trưng bày những báu vật hay bảo vật quốc gia nếu nó là tài sản được dân (đặc biệt là các cựu học sinh thành đạt) tặng hay những hiện vật do nhà trường tổ chức khai quật hay sưu tầm được. Khách vào xem cũng để thấy bề dày truyền thống cũng là giá trị thương hiệu của trường. Và người Hàn Quốc cho rằng hình ảnh của quốc gia trước hết được thể hiện từ mọi tế bào cấu thành quốc gia này mà đi đầu là các di sản văn hoá, các trường học và các doanh nghiệp.

Đến thăm tổ hợp sản xuất thép ở Quang Dương (Gwangyang), khách cũng được đưa vào thăm một phòng trưng bày được xây dựng rất hiện đại. Khách được đứng trước một sa bàn rất lớn giới thiệu toàn cảnh một cơ sở luyện và cán thép có quy mô sản xuất và trình độ công nghệ lớn nhất thế giới với 17 triệu tấn/năm. Nó thuộc Tập đoàn Thép POSCO đứng hàng thứ ba thế giới. Ngước mắt rời khỏi sa bàn là thấy qua cửa kính toàn cảnh của công trình được xây dựng trên một vùng đất lấn biển có cấu tạo nền móng địa chất rất phức tạp.

POSCO nói chung, tổ hợp Quang Dương nói riêng thành công được không chỉ nhờ đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất mà còn nhờ chủ trương “Xanh” (thân thiện với môi trường) và Sạch (minh bạch trong quản lý) cũng như xây dựng đạo đức kinh doanh trong cộng đồng.

Khẩu hiệu thương mại của tập đoàn này là “POSCO lặng lẽ làm chuyển động thế giới “(POSCO moves the World in the silence), nhưng khẩu hiệu hành động của nó là “Tài nguyên là hữu hạn, chỉ có sáng tạo là vô hạn” gần đây vế sau được điều chỉnh thành “... chỉ có cách tân (Đổi mới) là vô hạn”. Việc giới thiệu cho khách đến tham quan được làm rất bài bản và chu đáo...

Tập đoàn Sam Sung nằm ở ngoại vi Seoul cũng vậy. Một nhà bảo tàng giới thiệu sự hình thành của tập đoàn với tất cả các bước thăng trầm của nó và phần trưng bày luôn cập nhật các sản phẩm mới nhất... khiến người xem thấy được tầm vóc của một tập đoàn kinh tế có giá trị xuất khẩu mỗi năm là 40 tỷ USD chiếm hơn 17% tổng giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc. Chính Samsung đã 5 lần tham gia tài trợ chính cho nhiều Olympic mùa Đông và mùa Hè.

Mới đây nhất, đội Chelsea vừa đoạt giải vô địch bóng đá ngoại hạng Anh thì từ mùa bóng này trên áo mọi cầu thủ đều mang thương hiệu “Samsung”. Nhiều công ty Hàn Quốc khác như LG, Hyundai v.v...đều tham gia tài trợ cho các đội bóng đá lớn như một phần của chương trình “ Năng động Hàn Quốc” mang lại hình ảnh đất nước cũng như những sản phẩm thưiơng mại đến với thế giới.

Kể từ cuối năm ngoái, giữa trung tâm Seoul, một dòng sông cổ đã được khơi lại tạo ra một môi trường xanh và mát cho một thành phố 10 triệu dân vốn đã dày đặc những khối nhà bê tông. Dòng sông Cheong Gye Cheon vốn là một dòng sông tự nhiên chảy trong nội đô dồn các nguồn nước từ trên núi ra con sông Hàn và là một thành phần thế đất của kinh đô Hàn Quốc theo quan điểm phong thuỷ.

Sự phát triển của đô thị đã làm cạn kiệt nguồn nước và biến nó thành một con lạch rồi trở thành một “khu ổ chuột” của những người dân tứ xứ đổ đến Seoul dưới thời Nhật cai trị và đặc biệt là sau cuộc chiến tranh những năm 50 của thế kỷ trước. Tệ nạn và ô nhiễm khiến chính quyền Seoul những năm 70 phải tính đến giải pháp xoà bỏ con sông này bằng việc san lấp dòng sông và xây trên đó một con đường cao tốc trên cao nhằm góp phần giải quyết nhu cầu giao thông của thành phố. Nhưng hình ảnh con sông cổ vẫn ám ảnh người dân Seoul .

Và năm 2003, vị thị trưởng nổi tiếng năng động Lee Myong Bak đã quyết tâm khởi công khơi lại dòng sông này và với một nỗ lực phi thường chỉ trong 2 năm 3 tháng dòng sông dài 5,8km lại chảy giữa lòng thành phố không chỉ tạo ra một cảnh quan mới chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hoá và môi trường mà còn mở ra một triển vọng cải tạo về kiến trúc, cải thiện về dân sinh và phát triển kinh tế khu vực trung tâm thủ đô Hàn Quốc.

Người ta gọi công trình này là “Cuộc cách mạng 5,8km”. Và một toà bảo tàng hiện đại được xây dựng ở kề bên một khúc sông đã ghi nhận lịch sử cải tạo dòng Cheong Gye Cheon như một thành tựu của tinh thần “Năng động Hàn Quốc”...

Cũng cần nói thêm rằng, vị thị trưởng này đã từng tham gia các công trình xây dựng của Hãng Hyundai tại Sài Gòn trước 1975. Chính những thiện cảm với Việt Nam mà ông cũng là người đưa ra và sẵn sàng hỗ trợ cho Thủ đô Hà Nội thực hiện một dự án mang tính “Năng động Hàn Quốc” là cải tạo 2 bên bờ sông Hồng thành một khu đô thị phát triển.

Nhưng sau khi hoàn thành công trình khơi lại dòng sông cổ, ông cũng từ giã chức thị trưởng để chuẩn bị cho cuộc bàu cử sắp tới với tư cách mà một trong những ứng cử viên Tổng thống nhiều triển vọng nhất. “Năng động Hàn Quốc" giờ đây cũng trở thành một phẩm chất phấn đấu của con người Hàn Quốc.

Theo Dương Trung Quốc - VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên