Tiềm năng lớn, nhưng thu hút đầu tư hạn chế
Mặc dù là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, song kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên đến nay vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có uy tín, tiềm lực kinh tế mạnh tham gia đầu tư vào các dự án lớn, vào các khu công nghiệp, đô thị, các dự án phát triển hạ tầng.
Theo Bộ KH&ĐT, cơ cấu vốn đầu tư vào Tây Nguyên hiện nay chưa hợp lý, chủ yếu là vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn BT, BOT; tỷ lệ vốn ODA, FDI và đầu tư của doanh nghiệp trong nước rất nhỏ.
Nguyên nhân là do hạ tầng kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên, nhất là giao thông còn hạn chế; thiếu nguồn lao động có trình độ cao, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm…
Mặt khác, hiệu quả công tác vận động xúc tiến đầu tư vốn ODA và FDI chưa cao, dàn trải, phân tán nguồn lực, chưa tập trung vào các đối tác, lĩnh vực trọng điểm; chưa có sự thống nhất về điều phối để đảm bảo sự tập trung thực hiện đúng mục tiêu thu hút ODA và FDI từng địa bàn, từng đối tác.
Các lợi thế về xuất khẩu nông sản chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả cao nhất. Hầu hết sản phẩm xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị kinh tế thấp.
Ưu tiên phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội
Trước thực trạng đó, từ nay đến năm 2020, cần tập trung khuyến khích, ưu tiên thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Tây Nguyên; tiếp tục phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, lấy đường Hồ Chí Minh làm trục chính, phát triển các tuyến đường ngang, hành lang kinh tế Đông Tây để nối với các vùng xunh quanh và các nước lân cận.
Bên cạnh đó là thu hút nguồn vốn đầu tư nâng cấp và xây dựng các công trình thủy lợi, ưu tiên thủy lợi vừa và nhỏ để cấp nước tưới và sinh hoạt, kết hợp phát triển thủy điện chống lũ, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường sinh thái; đầu tư các công trình cung cấp nước sạch ở thành phố, thị xã, thị trấn và nông thôn nơi đông dân cư.
Tiếp tục thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, mở rộng các đô thị, gắn với nâng cấp công trình hạ tầng đô thị, từng bước đô thị hóa các vùng lân cận và nông thôn.
Tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn; quan tâm đầu tư một số ngành chủ yếu như chế bến nông lâm sản, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng và khai khoáng; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp chế biến có điều kiện tập trung đầu tư quy mô lớn như cà phê, cao su, điều, bông, chè, sữa… với mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp chế biến trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của vùng.
Chú trọng phát triển các khu kinh tế cửa khẩu biên giới với nước Lào và Campuchia, tăng cường hợp tác kinh tế đối ngoại vùng biên giới.
Đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng phát huy tiềm năng và lợi thế về du lịch sinh thái, rừng núi, hang động, thác, hồ nước và văn hóa truyền thống bản địa gắn với văn hóa miền biển Nam Trung Bộ.
Đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa các tỉnh Tây Nguyên đạt tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở phát huy giá trị du lịch của Đà Lạt, Bôn Đôn (Đắk Lắk), Măng Đen (Kon Tum)…
Đồng thời, quan tâm thu hút đầu tư phát triển các ngành dịch vụ như giao thông, vận tải, bưu chính, viễn thông, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; củng cố cơ sở thu mua hàng xuất khẩu, chú ý mặt hàng truyền thống, chế biến nguyên liệu tại chỗ…
Tập trung nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp
Để đảm bảo thu hút được nguồn vốn, công nghệ trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển, các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện giữa chính quyền với nhà đầu tư, đồng thời nỗ lực khắc phục khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi đón tiếp các nhà đầu tư trong và nước.
Ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn thực hiện các chương trình phát triển, trong đó có việc tái canh cây cà phê, trồng mới cây mắc ca, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại địa phương, luôn thực hiện việc đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách; quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận