27/05/2021 06:46 GMT+7

Nạn câu view từ đám ma của dân tộc ít người

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Trong vòng một, hai năm trở lại đây, trên YouTube tràn ngập những clip đám ma của các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Thái, Dao, Mường... Gắn thêm từ khóa "kinh hoàng", "rùng rợn", "lạnh gáy"... mỗi clip đạt đến 1,5-2 triệu view.

Nạn câu view từ đám ma của dân tộc ít người - Ảnh 1.

Gắn với từ khóa đám ma người Mông là những từ khóa “rợn người”, “lạnh gáy”, các YouTuber không chỉ bày tỏ định kiến mà còn tiếp tay cho các định kiến về dân tộc thiểu số - Ảnh chụp màn hình

Người xem YouTube dễ dàng bắt gặp một loạt clip mang các nhan đề như: Kinh hoàng đám ma của người Mông 7 ngày chưa hạ huyệt, Rợn người với phong tục mai táng của người dân tộc Mông Bắc Hà, Lào Cai, Kinh hoàng đám ma không quan tài của người Mông 9 ngày chưa hạ huyệt, Hết hồn với hủ tục thịt người treo gác bếp Sí Mần, Hà Giang...

Những clip đám ma triệu view

Đám hiếu của nhiều dân tộc ít người khu vực miền núi phía Bắc đã trở thành mục tiêu cho rất nhiều kênh YouTube như Challenge me, Nắng cao nguyên, Cao Nguyên Đá, Tôi người vùng cao, Tam giác mạch, Sapa TV...

YouTuber của những kênh này, trong vai nhân vật trải nghiệm, đã tìm cách vào được các đám hiếu, xin phép người nhà cho quay ở phòng người đã khuất đang nằm, quay cận cảnh quan tài, theo chân gia đình đi chôn cất.

Mặc dù các YouTuber đều nỗ lực bày tỏ sự tôn trọng với văn hóa của các dân tộc ít người, nhưng cách họ giật tít câu view như trên khiến người ta phải đặt câu hỏi về động cơ thật sự của họ.

"Tích cực mà nói, những clip này cho khán giả hiểu biết thêm về một số phong tục. Ngay cả tôi nghiên cứu dân tộc học, kinh phí, phương tiện, thời gian rất hạn chế, nên khó có được những tư liệu bằng hình ảnh như các bạn trẻ bây giờ. 

Tuy nhiên, khi làm về những đề tài nhạy cảm, ngoài kiến thức còn phải có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, tuyệt đối không được đưa ra những nhận xét cá nhân, thiên kiến, miệt thị. Bởi không có văn hóa cao cũng như không có văn hóa thấp. 

Nhìn nhận văn hóa của cộng đồng nào phải đặt trong bối cảnh của cộng đồng đó, cũng như bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội chung của đất nước" - PGS.TS Vương Xuân Tình, Viện Dân tộc học, bày tỏ quan điểm.

Các nền tảng mạng xã hội đều cung cấp cho người dùng công cụ báo cáo. Ví dụ livestream xả súng ở New Zealand sau khi lên mạng được 12 phút đã bị gỡ xuống do quá nhiều người báo cáo nội dung này bạo lực. Khi ý thức và năng lực truyền thông của người dùng càng cao hơn, nút báo cáo của các trang mạng xã hội sẽ được sử dụng đúng mục đích.

TS PHẠM HẢI CHUNG

"Đừng mang gió độc lên cao nguyên"

Anh Lầu Mí Xá - người Mông, sinh viên năm cuối Học viện Hành chính quốc gia, cho biết anh thấy các clip trên phản cảm, có thể khiến các dân tộc khác hiểu sai phong tục của người Mông. 

"Theo truyền thống của dân tộc tôi, người già có uy tín mất đi sẽ được giữ trong nhà 7-8 ngày, người trẻ thì 3-4 ngày. Dù lớp trẻ muốn thay đổi phong tục này, nhưng không phải muốn là làm được ngay. Mỗi dân tộc có phong tục riêng và họ có niềm tin, lý do để làm như vậy" - anh Lầu Mí Xá chia sẻ.

Mạng lưới "Tiên phong vì tiếng nói dân tộc thiểu số Việt Nam" đánh giá những bình luận của các YouTuber trong clip như: "hủ tục; đừng lấy phong tục ra nữa anh ạ; lúc nào cũng phong tục nó không ổn đâu; kinh hãi; kinh hoàng..." là "thể hiện thái độ coi thường người dân tộc thiểu số". Và các clip thiếu hiểu biết về phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số không khác gì "mang gió độc lên cao nguyên".

"Các nền văn hóa đều có giá trị như nhau do mỗi nền văn hóa đều được sáng tạo và phát triển để thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội mà chúng tồn tại. Để giải thích các phong tục văn hóa, cần phải phân tích chúng trong ba khía cạnh cơ bản là: điều kiện môi trường, yếu tố tâm lý và lịch sử liên quan (trong đó yếu tố lịch sử đóng vai trò quan trọng nhất). 

Với cách tiếp cận đó, chúng tôi mong rằng mọi người cần tôn trọng các lễ tục, lễ nghi thuộc văn hóa của bất cứ cộng đồng nào. Văn hóa ấy có phải hủ tục hay không là do chính cộng đồng đó quyết định chứ không phải là người ngoài" - đại diện của "Mạng lưới Tiên phong vì tiếng nói dân tộc thiểu số Việt Nam" bày tỏ quan điểm.

Ai bảo vệ thông tin cá nhân của nhân vật?

TS Phạm Hải Chung, thuộc Viện Đào tạo báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết khi xem các clip trên, chị tự hỏi không biết người dân tộc thiểu số có biết thông tin cá nhân của họ sẽ xuất hiện trên mạng xã hội.

"Tôi cho rằng những kênh YouTube đang lợi dụng phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số để câu view. Những 'nhà báo công dân' này tự do đưa tin mà ít nghĩ tới hậu quả, tác động tiêu cực đến nhân vật, đến cộng đồng họ phản ánh.

Trong khi các nhà báo chuyên nghiệp trước khi phản ánh sẽ thông tin rõ ràng tới nhân vật của mình, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ họ" - TS Phạm Hải Chung nói.

Cơ thể người phụ nữ đang là công cụ để giải trí, để câu view? Cơ thể người phụ nữ đang là công cụ để giải trí, để câu view?

TTO - Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online góc nhìn về định kiến giới trên các phương tiện truyền thông xung quanh các phát ngôn "đùa cợt" bị xem là xúc phạm phụ nữ...

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên