![]() |
Thường thì khi có tiền người ta hay làm cách này cách khác cho thiên hạ biết mình giàu, bởi thế ông bà ta mới có câu “phú quý sinh lễ nghĩa” là vậy. Đám bạn “đại gia miệt vườn” của tôi cũng thế. Và cách để họ thể hiện sự giàu có của mình là lùng ăn thịt các con vật cầm tinh của năm như năm Tỵ thì ăn thịt rắn, năm Mùi thì ăn thịt dê, năm Tuất thì ăn thịt chó còn năm nay là năm Ngọ nên thực đơn trên bàn nhậu của họ bao giờ cũng có món thịt ngựa làm chủ đề chính.
Cũng như thịt các loài động vật khác, thịt ngựa được chế biến thành nhiều món như lẩu, hấp, bằm xúc bánh tráng, xào lăn, tái chanh, nậm sườn om sấu, đuôi ngựa hầm thuốc bắc, sườn ngựa nướng, bít tết ngựa, ngựa lúc lắc... còn xương ngựa thì mang nấu cao. Rồi ruột ngựa, móng ngựa cũng chế biến thành món ăn theo đúng kiểu “ngon từ thịt, ngọt từ xương”.
Đúng là người có tiền có khác, thứ thịt ngựa mà họ ăn phải là ngựa bạch thuần chủng hoặc ngựa nhập về từ Tây Tạng chứ không phải “ngựa nào cũng xơi” giống dân nghèo cứ có ăn là mừng.
Lý do khiến họ ăn thịt con vật cầm tinh của năm chỉ đơn giản là không muốn bị xui rủi, buồn phiền trong năm con vật đó cầm tinh mà thôi, nói cách khác là “trấn tà ”.
Ông Hòa, người được bầu làm “trưởng ban ăn nhậu” của nhóm khề khà kể: “Từ đầu tháng đến giờ, nhóm bọn tui đã “xử trảm” hết hai con ngựa rồi. Công nhận ăn thịt ngựa về tối lên giường nhìn vợ là muốn phi như ngựa”.
Tiếp lời ông, một người khác lên tiếng: “Thịt ngựa không những có hiệu quả với cánh đàn ông, mà phụ nữ ăn vào cũng “ngựa” lắm! bà vợ tui lúc chưa ăn thịt ngựa, mỗi lần tui “khều” là bả trợn mắt. Còn bây giờ không đêm nào tui được yên giấc với bả”.
Chẳng biết lời của mấy ông nhậu thật hay giả, nhưng nghe đâu gia đình ông nào cũng “cơm không lành, canh không ngọt” vì chuyện chồng sinh tật “nuôi mèo”, vợ có “phi công” riêng.
“Trời đất, con ngựa chứ có phải con ruồi, con muỗi gì đâu mà mấy ông ăn hết hai con dữ vậy?” - tôi hỏi khích. Nghe thế, một ông lớn giọng, vẻ tự hào: “Nói không phải “nổ”, chứ bọn tui chỉ cần “alô” một tiếng thì cả đàn ngựa cũng có chứ đừng nói là một hai con. Mà phải là ngựa Tây Tạng mỗi con có giá hơn trăm triệu mới dùng, chứ loại ngựa vài chục triệu thì vứt!”.
Đúng là “đại gia miệt vườn” có khác, cứ thấy ăn được miếng gì vào mồm mà hơi sang một tí là mang ra khoe.
Tuy lúc nào cũng vỗ ngực rằng mình chỉ ăn thịt ngựa bạch Tây Tạng nhập khẩu, không thèm ăn ngựa bạch Việt Nam, nhưng khi hỏi: “các ông sang tận Tây Tạng mua ngựa về hay sao mà dám khẳng định đó là ngựa chính gốc Tây Tạng?” thì ông nào cũng lắc đầu bảo mua từ thương lái chứ chẳng ai biết xứ Tây Tạng nó ra làm sao chứ nói gì đến ngựa xứ đó.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá một con ngựa bạch thuần chủng Việt Nam từ 20-50 triệu tùy theo tuổi đời của ngựa; ngựa bạch Tây Tạng thì từ 70 đến 80 triệu; còn ngựa bạch giả (ngựa đen được các lái buôn tẩy trắng da và nhuộm trắng lông) chỉ trên dưới 20 triệu một con nên chuyện các “đại gia miệt vườn” ăn phải ngựa Tây Tạng dỏm là điều có thể xảy ra.
Mang chuyện ngựa bạch thật và giả trao đổi với một ông chủ trang trại ngựa phía Bắc thì ông quả quyết: “Nếu muốn mua được đúng ngựa Tây Tạng nhập khẩu thì một là phải sang tận Tây Tạng, hai là phải đến đặt hàng ở các trang trại nuôi ngựa có uy tín, chứ mua qua điện thoại hay mối lái thì làm gì có ngựa Tây Tạng thật”. Ngừng một lúc ông tiếp: “Ngay bản thân tôi, muốn mua được heo Thái phải sang tận Thái Lan tìm mua, chứ ở xứ mình toàn đồ dỏm không thôi, nên chuyện mua ngựa bạch Tây Tạng qua mối lái thì chắc chắn là ngựa dỏm lên đời rồi”. Và ông kể rằng, mấy tháng gần đây, có một số tay lái buôn “ngựa lên đời” từ Lạng Sơn, đến trang trại ông đề nghị gởi vài con “ngựa lên đời” vào nuôi “làm màu” để đưa khách lên xem hòng bán cho được giá, nhưng ông từ chối vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của trang trại. “Ngay cả lên tận trang trại để mua còn bị lâm vào cảnh thật giả lẫn lộn, vậy thì làm gì có chuyện ngựa Tây Tạng thật bán qua điện thoại bao giờ!” - ông quả quyết như thế.
Rõ ràng chuyện “năm con nào thịt con đó” để “trừ tà” chỉ là chuyện tào lao xịt bộp của những kẻ lắm tiền hay đơn giản chỉ là tin đồn thất thiệt của bọn buôn gian bán lận mà thôi.
Tuổi Trẻ Cười số 492 ra ngày 15/1/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận