Kính tặng ba Trần Văn Hoàng - người tất tả một đời nuôi con khôn lớn
Năm nay con đã 17, con hồi hộp chờ nghe câu chuyện về ba, về người đã một đời tất tả nuôi con khôn lớn.
Năm con được sinh ra là một năm bão về vùng núi. Mưa ngập mái nhà tranh, ngập chiếc đèn dầu tắt lịm. Ngày ấy mưa lấp đầy bờ ruộng, ba vất vả cõng mẹ trên lưng, lầm lụi từng bước một. Trên quãng đường gần 5 cây số để tới bệnh viện, mưa vần vũ, ba trượt ngã, hai tay vẫn đỡ lấy vai mẹ, bao bọc thân con.
Ba mừng rơi nước mắt khi con cất tiếng khóc chào đời, miệng dính đầy bùn từ lưng ba. Bồng con trên tay, lòng ba ngập tràn hạnh phúc, mẹ đã ngất tự lúc nào. Con được vài ngày tuổi, ba đem con về cái chòi của ba, cái lều rách nát ở trong nương, xa phố chợ, không có cửa để ngăn gió lùa vào vậy mà nào phải nhà của ba.
Đêm đến, gió lùa, con lạnh, ba không ngủ, hai tay người ôm chặt lấy con, hơi ấm chạy khắp thân hình con. Con vẫn lạnh, con khóc, ba cũng khóc. Ngoài trời vẫn mưa, mưa ngập đến chỗ con nằm. Người ba ướt sũng.
Đã hơn một lần con viết về ba trong cuộc thi "Nét bút tri ân", lần nào cũng đẫm lệ, nghẹn ngào. Nhưng con chưa bao giờ để bàn tay ba đặt trong trái tim con, con chưa kể hết về người. Và hôm nay con đã học được cách yêu ba thật sự, con sẽ mãi mãi yêu ba cho đến hơi thở cuối cùng. |
Năm con 3 tuổi, sức mẹ đã cùng, lực ba cũng kiệt. Mẹ đem con trao lại cho một ông bà giàu có, nước mắt mẹ giàn giụa, ba hôn mê không hề hay biết. Ngày con lên xe về thành phố, trời vẫn mưa. Con khóc hét lên trong vòng tay của người lạ. Bóng mẹ khuất dần sau lớp kính mờ mờ của chiếc xe con bốn bánh, ba đã tỉnh, ngồi dựa cửa, hai tay thoải xuống bất lực, đôi mắt thâm quầng vì đau đớn.
Năm con 4 tuổi, da con trắng hồng, mặt con bụ bẫm. Một năm qua, ba chạy khắp bà con xa gần van xin từng đồng tiền bát gạo để xin con về. Anh em ba ai cũng khá giả nhưng họ chẳng thương ba đâu. Cô chú cắn răng đay nghiến: "Sao mày không chết đi, sống làm gì báo hại người khác?". Bà nội cũng bĩu môi vào mà sỉ vả: "Nghèo như mày thì đừng có đẻ, chỉ khổ cho cháu của tao", rồi họ khạc nhổ trên những đồng tiền dư thừa đó.
Ba hạ mình cúi xuống nhặt về nuôi con. Ngày ba đón con về tràn ngập niềm vui, có cả nước mắt. Ba ôm chặt con vào lòng tức tưởi nói với người ta: "Dù ba có phải vác lon ra ngoài chợ ăn mày, ba cũng không bao giờ bỏ con". Ông bà kia cũng khóc, tiếng khóc của sự đồng cảm, họ trả lại con cho ba mẹ, họ còn cho sữa, cho tiền để nuôi con và cùng với hàng xóm, họ dựng một mái nhà tranh che nắng che mưa cho ba mẹ.
Năm con 5 tuổi nhà mình bị cháy, bất chấp nguy hiểm ba lao vào cứu con. Trong biển lửa, người ba đỏ rực như thiêu đốt, lửa vẫn cháy, ba cứ đi, bồng con trên vai, bàn tay ba phỏng rộp, bàn tay ấy bây giờ chỉ còn lại những vết nứt sần sùi, những chấm đen lổm chổm nhưng con càng yêu ba hơn, nhất là đôi bàn tay của ba. Đẹp biết mấy bàn tay người đã nâng đỡ cả cuộc đời con.
Năm con 6 tuổi, nhà mình mới sửa xong thì tai họa ập đến. Con mắc bệnh lạ, bác sĩ chê, đưa con lên tỉnh mà trong tay ba không có lấy một đồng bạc. Con mếu máo:
- Ba ơi có phải đêm nay con sẽ chết không?
Ba mỉm cười, nụ cười gượng gạo:
- Con yên tâm, khi nào chúa chưa đưa con đi, con sẽ không chết.
Ba đã đạt được một thỏa hiệp trong mơ với định mệnh. Năm ấy, nhờ gặp bác sĩ giỏi căn bệnh lồng ruột của tôi đã được chữa trị, nhưng bù lại ba đã phải bán cả nhà để chạy chữa cho con .
Năm con 7 tuổi, nhà mình chuyển ra ở với bà nội. Ba đẩy chiếc xe đạp từ Phú Điền ra Định Quán, ba đổ biết bao giọt mồ hôi xuống vệ đường, ba đi trong bao ánh mắt thương hại, bao ánh mắt khinh thường. Thương ba biết mấy nhưng con bất lực.
Suốt bốn năm trời ăn nhờ ở đậu ba mẹ chịu đựng biết bao nhiêu cay đắng, tủi hờn. Nhà mình chỉ được ở dưới gian bếp mà cô chú cũng luôn tìm cớ gây sự. Bà nội không ưa ba, không ưa đứa con khốn khổ. Có lần bà bắt ba mẹ quỳ giữa trời nắng, con đi học về chạy xuống bên ba, ừ thì cả nhà mình cùng quỳ, roi bà nội quật xuống, nỗi đau thể xác có nhưng con thấy đau lòng nhiều hơn. Mỗi lần như vậy ba thường bảo: "Bà nội có thế nào đi nữa thì vẫn là bà nội của các con, là người gián tiếp đẻ ra các con đó. Các con phải tôn trọng bà nội". Nghe lời ba nhưng làm sao con quên cách mà bà nội đối xử với bà mẹ và đối với chúng con.
Năm con 12 tuổi, bà nội chính thức đuổi gia đình chúng tôi, ba lại cùng chiếc xe đạp cũ đưa con đi khắp nẻo cuộc đời. Nhà mình nay đủ 8 người kéo lê đằng sau một gánh nặng. Nhà nước bắt mẹ đi triệt sản nhưng ba không cho, ba thương mẹ, ba bảo sức khỏe mẹ không có và ngay đêm hôm ấy, trong cơn mưa tầm tã, ba đã ra đi: đi triệt sản.
Sáng hôm sau ba về, mang sữa đường và có cả tiền trợ cấp cho chúng con nhưng ba giấu ba bảo xin ở chùa và khi con đang hạnh phúc với quà của ba, con đâu biết sau lưng con có một người đang khóc. Cũng từ ngày ấy sức khỏe của ba yếu dần, ba hay đau lưng rồi không đi phụ hồ được nữa. Ba lấy hàng mã về làm. Ba dạy chúng con những bài học làm người đầu tiên, dạy cách đi, cách đứng, cách ăn uống, làm việc, học tập.
Chúng con thường hay thổ lộ ước muốn cùng ba: sau này làm bác sĩ, kỹ sư, cảnh sát,... Ba chỉ mỉm cười:
- Các con muốn làm ông này bà nọ thì phải làm người trước đã.
Mỗi lần dạy chúng tôi học, ba thường kể về ba, về quá khứ nghèo khổ nhưng ba luôn là học sinh giỏi của tỉnh nhà. Ba không được học đến nơi đến chốn nên ba muốn chúng tôi phải cố gắng học tập vì đó là mong ước lớn nhất của ba cho đời chúng con. Những ngày dài khổ cực cứ trôi lặng lẽ chúng con lớn lên trong sự hi sinh liên lụy, trong bao bài học làm người của ba.
Ba ơi đời ba nghèo khổ, cay đắng, đời ba chưa từng một ngày sung sướng. Ba ra đi khi nhà chưa có, khi con ba chưa kịp khôn lớn.
Cũng như ngày con sinh ra ngày ba ra đi cũng trong một cơn mưa tầm tã, mưa cuồn cuộn cuốn ba đi, mưa độc ác lăn từng tảng đá xuống lưng ba sao bé nhỏ. Trong cơn mưa con nghe được tiếng khóc của ba lần đầu tiên ba khóc. Ba dặn chúng con phải biết nghe lời mẹ và yêu thương nhau, con mếu máo không cho ba đi. Ba nhẹ nhàng đặt bàn tay lên má con, bàn tay gầy guộc, yêu thương.
Không để ba buồn, gạt tay ba con chạy ra ngoài hành lang giấu vội những giọt nước mắt nóng hổi. Bất giác con quay lại hét lên đau đớn. Mưa đã đưa ba vào giấc ngủ nghìn thu. Ba ra đi để lại cho con bao yêu thương lẫn ân hận. Giá như con đừng bắt ba đi đào giếng để kiếm tiền đóng tiền học cho con.
Ba ơi, giá như con ngoan hơn, nghe lời ba dạy thì ba đã không bỏ con mà đi phải không ba? Giọt nước mắt muộn màng cứ lăn trong lời vĩnh biệt. Vĩnh biệt ba.
Năm con 15 tuổi, con đã mãi không còn nhìn thấy ba.
Những ngày sau đó con lớn lên trong vòng tay săn sóc và yêu thương của mẹ nhưng những kỷ niệm về ba trong trái tim con mãi không bao giờ phai nhòa. Năm nay con 17 tuổi, là học sinh lớp 12, con sẽ cố gắng học thật giỏi đúng với những gì ba mong ước. Nhờ ba con hiểu rằng, chính khó khăn và thử thách mới là món quà ý nghĩa nhất mà thượng đế gửi đến cho mỗi con người.
Ba mất vào ngày Quốc tế lao động, quốc tế của tình yêu. Con mãi yêu ba vì ba đã yêu con cho đến hơi thở cuối cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận