01/02/2013 05:05 GMT+7

Năm chữ châm ngôn

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Nhà thơ, dịch giả Thái Bá Tân vừa ra mắt hai tập thơ cùng một thể: ngũ ngôn. Trong mấy năm trở lại đây, Thái Bá Tân trong tư cách một “blogger lão thành” đã thể hiện độ sung sức và mẫn cảm cực kỳ với các nội dung thời sự và triết lý sống qua thể thơ năm chữ trường thiên.

EC0aY32z.jpgPhóng to

Hai tập thơ vừa ra mắt của Thái Bá Tân - Ảnh: L.Điền

Làm thơ dài không dễ, làm thơ nhiều câu trong thời buổi “sống trên net chết vùi trong blog” hiện nay càng khó có người đọc. Nhưng điều này không đúng với Thái Bá Tân và loại thơ năm chữ được ông vận dụng đến mức thiện xảo cho từng sự việc, từng bài học về cách sống, về đạo lý ở đời... Mà các loại nội dung ấy cũng đang được chia sẻ với nhau trên mạng, thế là thơ năm chữ của ông nghiễm nhiên trở thành món khoái khẩu của rất nhiều bạn trẻ, không riêng gì những học trò vốn yêu quý ông.

Đọc thơ Thái Bá Tân, thấy kinh ngạc ở tài sử dụng ngôn ngữ, lại càng hâm mộ khi ông huy động cả các cách kể truyện cổ tích, thuật chuyện danh nhân, tâm sự với con cháu, gửi gắm cùng bạn bè... để chuyển tải nhiều bài học tâm đắc về triết lý sống ở đời. Cho nên, thơ ông song hành cả phẩm và lượng. Lượng thì tập hợp mới nhất có cả hơn nghìn câu thơ in thành hai tập, một là Thơ châm ngôn (NXB Lao Động, hơn 400 trang), và Truyện thơ Thích Ca Mâu Ni Phật (NXB Văn Hóa Thông Tin, 350 trang, khổ nhỏ 10x20).

Riêng phẩm chất thì rõ ràng cơ số năm chữ/câu của Thái Bá Tân đã khiến nhiều người bật cười sảng khoái, lại có khi phải cúi đầu hổ thẹn vì dường như mình đã sống sai với lẽ đạo thông thường, và trong không ít trường hợp những câu chỉ năm chữ của ông khiến người ta đau và day dứt: “Bạn có thể né tránh/Một thực tế đắng cay/Nhưng không thể né tránh/Hậu quả của điều này”. Có nhiều câu thâm trầm mà giản dị như một triết lý: “Con người, ai cũng sợ/Chỉ sợ ít hay nhiều/Học nhiều sẽ sợ ít/Học ít sẽ sợ nhiều”. Hay như đoạn này lại mang phong cách tếu táo đùa vui: “Milton, nhà thơ lớn/ở nước Anh mù sương/khi lấy vợ, ông viết/Cuốn “Đánh mất thiên đường”/Rồi sau, vợ ông chết/ông viết cuốn thứ hai/cuốn “Thiên đường lấy lại”/đều thuộc loại thiên tài”.

Tất nhiên, để làm được những câu thơ ngăn ngắn ấy, cả vốn liếng kiến thức, tình yêu thơ và lòng nhiệt thành với công chúng, với cuộc đời của ông phải rất... dài.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên