14/08/2012 09:22 GMT+7

Năm 2015, 85% dân số tham gia BHYT

Nhận định của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) tại hội thảo
Nhận định của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) tại hội thảo

TT - Ngày 13-8, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”.

EM82Q6HO.jpgPhóng to
Bệnh nhân diện BHYT chờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: H.T.V.

Báo cáo dự thảo đề án này, bà Tống Thị Song Hương - vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - cho biết tính đến cuối năm 2011 cả nước có 55,9 triệu người tham gia BHYT, tương ứng 63,7% dân số. Trong đó người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.

Thủ tục khám chữa bệnh còn phiền hà

"Tình trạng quá tải tại các bệnh viện cũng là nguyên nhân khiến người dân không muốn tham gia BHYT. Với nhiều người, BHYT chỉ thật sự có giá trị khi bị mắc bệnh nặng hoặc phải vào bệnh viện điều trị"

Theo bà Hương, trong khoảng 36% dân số chưa tham gia BHYT gồm có: người cận nghèo, người lao động trong các doanh nghiệp, nông dân, người lao động phi chính thức và các đối tượng khác. Luật BHYT hiện nay quy định có 25 nhóm đối tượng và được xếp thành năm nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT. Thống kê năm 2011 cho thấy nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng đạt tỉ lệ 58,8% (trong đó đối tượng hành chính sự nghiệp có tỉ lệ tham gia BHYT đạt 100%); nhóm được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng như hộ cận nghèo đạt trên 25% và HS-SV đạt trên 80%; nhóm tự đóng BHYT (tự nguyện tham gia BHYT) đạt 26%.

Theo Vụ BHYT, đề án mở rộng phạm vi bao phủ BHYT nhằm tăng tỉ lệ dân số tham gia BHYT, tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỉ lệ 100%; mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2014 đạt tỉ lệ trên 75% dân số và đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT. Phấn đấu đến năm 2015 giảm tỉ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi người dân xuống dưới 40% (hiện nay tỉ lệ này hơn 40%).

Tuy nhiên theo Vụ BHYT, để thực hiện BHYT toàn dân trong thời gian tới có rất nhiều khó khăn vì hiện nay nhiều doanh nghiệp tư nhân không đóng hoặc trốn đóng BHYT cho người lao động. Đặc biệt, trong khi điều kiện kinh tế của nhóm người cận nghèo không khác biệt nhiều so với nhóm người nghèo nhưng các chính sách ưu đãi cho nhóm cận nghèo lại rất hạn chế. Ngoài ra, nhóm cận nghèo phải cùng chi trả 20% chi phí điều trị như hiện nay mà không có trần giới hạn mức cùng chi trả trong một năm cũng là rào cản hạn chế sự tiếp cận của người cận nghèo đối với các dịch vụ y tế. Vụ BHYT cũng đánh giá chất lượng khám chữa bệnh còn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Thủ tục khám chữa bệnh BHYT và quy trình chuyển tuyến còn phiền hà, chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế, quyền lợi người tham gia BHYT còn bị giới hạn...

Mệnh giá thấp: chỉ khám chữa bệnh thông thường

TP.HCM vỡ quỹ bảo hiểm y tế tự nguyện 1.300 tỉ đồng

Ngày 13-8, thông tin từ Bảo hiểm xã hội VN cho hay hôm nay 14-8, Bộ Y tế, UBND TP.HCM, Bảo hiểm xã hội VN có cuộc làm việc liên quan đến tình hình vỡ quỹ BHYT ở TP.HCM. Theo đó, năm 2011 quỹ BHYT TP.HCM chi vượt thu 300 tỉ đồng (tổng thu 3.000 tỉ, chi 3.300 tỉ), riêng ở nhóm BHYT tự nguyện vãng lai chi vượt thu... 1.300 tỉ đồng. Năm 2012, mặc dù mới quyết toán quý 1 nhưng TP.HCM tiếp tục vỡ quỹ trên 10 tỉ đồng và dự báo đây sẽ là một trong số những địa phương chi vượt thu quỹ cả năm 2012. Theo Bảo hiểm xã hội VN, các nguyên nhân chủ quan như: lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc và vật tư y tế là căn nguyên chính của tình hình vỡ quỹ BHYT ở TP.HCM.

Tại hội nghị, hầu hết đại biểu thống nhất với đề án nói trên của Vụ BHYT. Tuy nhiên góp ý cho đề án, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - bộ trưởng Bộ Y tế - đề nghị cần nói rõ tỉ lệ dân số tham gia BHYT bao nhiêu thì được coi là BHYT toàn dân. Theo bà Tiến, không nên áp đặt chỉ tiêu số người tham gia BHYT từng năm, làm sao để đến năm 2020 có hơn 90% dân số tham gia BHYT là được. Bà Tiến cũng đề nghị để thực hiện BHYT toàn dân, các bệnh viện phải thay đổi bộ mặt khoa khám bệnh vì hiện nay nhiều bệnh viện còn nhếch nhác. “Bác sĩ nào hay cáu gắt với bệnh nhân thì nên chuyển chỗ khác...” - bà Tiến nhấn mạnh.

Theo bà Tiến, với mệnh giá thẻ thấp như nước ta hiện nay, ở nước ngoài chỉ khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú những bệnh thông thường. Vì vậy, phải quy định thời gian tham gia BHYT tương ứng với quyền lợi được hưởng. Bà Kim Tiến cũng đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh phải xây dựng phác đồ chẩn đoán, điều trị cho từng loại bệnh để tránh tình trạng lãng phí hoặc lạm dụng xét nghiệm, thuốc, cận lâm sàng. Danh mục thuốc cho bệnh BHYT cũng nên được điều chỉnh theo thời gian tham gia BHYT nhưng làm sao để đồng thuận, hài hòa giữa quyền lợi của người tham gia BHYT với khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Khi nghe các đại biểu lao xao về việc hiện nay rất nhiều biệt dược đắt tiền, các kỹ thuật cao đều nằm trong danh mục BHYT thanh toán, bà Tiến hỏi ông Nguyễn Minh Thảo - phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN: “Sao anh không có ý kiến thắc mắc? Anh phải bóp phanh chứ. Anh lại cứ thả lỏng là thế nào? Ông y tế thì cái gì cũng muốn tốt nhất cho dân, nhưng Bảo hiểm xã hội phải thấy túi tiền có giới hạn thế nào thì phanh tới đó...”.

Bà Hương dự báo đến năm 2015 số người tham gia BHYT tại VN đạt gần 68,7 triệu người (chiếm 85% dân số), trong đó 64% số người được ngân sách đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT (tương đương gần 44 triệu người). Theo bà Hương, với dự báo này thì mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020 sẽ sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, bà Hương cho rằng việc triển khai BHYT toàn dân phải thực hiện đồng bộ với việc củng cố, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, nâng cao tinh thần, thái độ, đạo đức nghề nghiệp của y bác sĩ để đảm bảo chất lượng phục vụ và sự hài lòng của bệnh nhân BHYT...

Nhận định của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) tại hội thảo
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên