30/10/2012 06:18 GMT+7

Mỹ sẽ tiếp tục chính sách kiềm chế TQ

HIẾU TRUNG (Từ Washington DC)
HIẾU TRUNG (Từ Washington DC)

TT - Liệu sau bầu cử, dù ứng cử viên nào lên làm tổng thống, chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là chính sách châu Á - Thái Bình Dương, sẽ thay đổi như thế nào?

d4RJ92ON.jpgPhóng to
Nhà báo Ron Elving (trái) và nhà báo Bill Nichols - Ảnh: H.T.

Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi này với nhà báo Bill Nichols, tổng thư ký tòa soạn báo Politico, tờ báo chính trị hàng đầu nước Mỹ, và nhà báo Ron Elving, biên tập viên cao cấp Đài truyền thanh NPR, tại Washington DC. Cả hai đều là những chuyên gia chính trị kỳ cựu, đã làm việc hàng chục năm qua tại trung tâm chính trị của nước Mỹ.

* Sau cuộc bầu cử ngày 6-11, liệu thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi lớn nào trong chính sách đối ngoại của Mỹ?

- Bill Nichols: Không dễ dự đoán về các chính sách đối ngoại của Mitt Romney nếu ông đắc cử chỉ dựa vào cuộc tranh luận về đối ngoại giữa hai ứng cử viên. Trước tranh luận và qua ba lần tranh luận, ông lại nói khác hoặc nói mập mờ. Nhưng có thể Romney sẽ tăng cường trừng phạt Iran do mối quan hệ thân cận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Dù vậy, không thể nói chiến tranh với Iran là khả năng chắc chắn. Sau hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, dân Mỹ đã quá mệt mỏi rồi. Nhiều cử tri Mỹ sẽ không muốn bỏ phiếu cho một tổng thống muốn tiếp tục gây chiến. Có điều trong đội ngũ cố vấn của Romney có rất nhiều người từng làm việc cho cựu tổng thống George W. Bush. Những người này nhìn thế giới một cách rất khác biệt so với đội ngũ của ông Obama.

Nếu ông Obama tái đắc cử thì chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tiếp tục theo đường hướng hiện nay.

- Ron Elving: Dù ứng cử viên nào lên nắm quyền thì chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ không thay đổi lớn. Trên thực tế, các chính sách của Obama không khác lắm so với thời Bush, điều khiến giới cử tri cánh tả thất vọng bởi nó trái với cam kết của năm 2008. Obama không đóng cửa nhà tù Guantanamo, điều thêm binh lính đến chiến trường Afghanistan, mở rộng chiến dịch dùng máy bay không người lái tiêu diệt các nghi can khủng bố. Đó là điều nhiều người ủng hộ ông và Ủy ban hòa bình Nobel không dự đoán được.

* Còn hai điểm nóng là chiến lược “tái cân bằng lực lượng” ở châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ Mỹ - Nga?

- Bill Nichols: Một cột trụ lớn trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama là chuyển sự tập trung từ Trung Đông vào châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều người cho rằng mục tiêu của chiến lược này là kiềm chế Trung Quốc. Đây là quan điểm nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng. Do đó, nếu ông Romney đắc cử thì chính quyền Romney sẽ tiếp tục chiến lược này. Quan hệ giữa Mỹ và các đối tác châu Á sẽ không có gì thay đổi.

Tuy nhiên, Trung Quốc là một vấn đề khác. Ông Romney từng chỉ trích ông Obama “yếu thế” trước Bắc Kinh và cam kết sẽ liệt Trung Quốc vào danh sách các nước “thao túng tiền tệ”. Dù vậy, quan hệ thương mại Mỹ - Trung là rất quan trọng và sự cứng rắn của ông Romney sẽ vấp phải phản ứng từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Nếu ông Romney bước vào Nhà Trắng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ không lập tức nổ ra. Việc ông Romney tiếp cận vấn đề Trung Quốc như thế nào sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ châu Á.

Điểm khó dự đoán là quan hệ Mỹ - Nga. Khi vận động tranh cử, ông Romney từng mô tả Nga là “kẻ thù địa chính trị số 1 của Mỹ”. Không ai hiểu nổi ý đồ của ông Romney là gì. Nếu ông Romney cứ khư khư quan điểm này thì có lẽ chiến tranh Mỹ - Nga sẽ nổ ra. Đây là vấn đề đáng để theo dõi. Ngược lại, nếu ông Obama tái đắc cử, quan hệ Mỹ - Nga sẽ tiếp tục theo chiều hướng hiện nay.

Mỹ - Trung: “cuộc đối đầu lịch sử”

BoTxQZnC.jpgPhóng to
Xem ra chính sách kiềm chế Trung Quốc không chỉ là riêng của Mỹ mà còn là của chung phương Tây. Trong cuốn sách vừa xuất bản Trung Quốc chống lại nước Mỹ, hai tác giả Pháp Alain Fracchon và Daniel Cernet cho rằng cú sốc này là không tránh khỏi, nhưng sẽ không là một cuộc chiến tranh. Nằm cạnh Trung Quốc và trên con đường hàng hải giữa Trung Đông và Viễn Đông, Đông Nam Á sẽ bị lôi kéo vào vị trí hàng đầu trong cuộc “đối đầu lịch sử” này.

Sau hơn 100 năm tủi nhục, Trung Quốc đang giành lại vị trí của mình. “Sự hội nhập trở lại với thế giới của Trung Quốc từ cuối những năm 1970 đã cho phép nước này tăng gấp đôi nguồn của cải của mình cứ sau bảy năm, và năm 2011 Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới” - hai tác giả tổng kết. Ở vị trí này, Trung Quốc đang theo đuổi thứ học thuyết: châu Á của người châu Á, bắt đầu là từ Đông Á với Trung Quốc ở trung tâm. Trong cái nhìn của Trung Quốc, Mỹ là nước hiếu chiến, chuyên hoạt động lật đổ; còn trong mắt Mỹ, Trung Quốc là một tay chơi mới không chịu tuân thủ luật chơi. Thế nhưng, giữa hai nước này lại có một sự cộng sinh: bằng cách mua lại nợ của Mỹ, Trung Quốc đang cung cấp cho Mỹ phương tiện để mua lại sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Các nhà chiến lược của Mỹ cho rằng Mỹ đã mất một thập niên đầu của thế kỷ 21 vào việc phung phí các nguồn lực cho cuộc chiến tranh ở Iraq và Aghanistan. Ưu tiên của Mỹ giờ đây là Trung Quốc chứ không phải là Al-Qaeda, kể từ khi “các lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc không chỉ bao gồm Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan mà còn là biển Đông, nơi đối đầu với “những lợi ích cốt lõi” của Mỹ.

HIẾU TRUNG (Từ Washington DC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên