![]() |
Một giàn khoan dầu của Mỹ ngoài khơi vịnh Mexico - Ảnh: wordpress.com |
Hiện tại Thượng viện Mỹ đang xem xét dự luật vừa được hạ viện thông qua ngày 16-9 với tỉ lệ bỏ phiếu 236/189. Hãng tin Reuters cho biết dự luật do Đảng Dân chủ đề xuất cho phép chính quyền các bang ven biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương quyền quyết định khai thác dầu khí ở khoảng cách 80-160km ngoài khơi bờ biển của bang. Các hãng dầu khí có toàn quyền khai thác ở khu vực có khoảng cách hơn 160km từ bờ biển. Theo các nghị sĩ Đảng Dân chủ, dự luật sẽ “mở cửa” một khu vực rộng 129-164 triệu ha ngoài khơi Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cho hoạt động khai thác dầu khí.
Trước đây, các lãnh đạo Dân chủ trong Quốc hội Mỹ phản đối việc khai thác dầu khí ngoài khơi, tuy nhiên khi giá xăng tại Mỹ tăng lên hơn 4 USD/gallon (3,8 lít), dư luận Mỹ bắt đầu ủng hộ việc khai thác ngoài khơi.
Tuy nhiên, theo AP, nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa không ủng hộ dự luật này. Bởi theo khảo sát, phần lớn trong số khối tài nguyên 18 tỉ thùng dầu dưới đáy Đại Tây Dương và Thái Bình Dương nằm trong khu vực khoảng 80km từ bờ biển, do đó nằm ngoài phạm vi khai thác. Phe Cộng hòa cho rằng đây là thủ đoạn chính trị trong thời điểm Đảng Dân chủ đang chịu sức ép phải ủng hộ việc tăng cường khai thác dầu khí do giá dầu cao.
Trong khi đó, các chuyên gia môi trường tại Trung tâm Vì tiến bộ Mỹ (CAP) và nhiều tổ chức khác khẳng định khai thác dầu khí ngoài khơi không phải là câu trả lời đối với cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu tại Mỹ hiện nay. Họ chỉ ra 10 nguyên nhân chính cho thấy khai thác ngoài khơi lợi bất cập hại.
1 Không thể cứ khoan thêm dầu là thoát khủng hoảng. Theo báo cáo của Ủy ban Tài nguyên hạ viện, từ năm 1999-2007 số lượng giấy phép cấp cho các dự án khoan dầu tăng vọt tới 361%, tuy nhiên giá xăng tại Mỹ vẫn gia tăng liên tục. Thực tế này đã phủ nhận lý thuyết có thêm nhiều giếng dầu sẽ giúp giảm giá xăng.
2 Mỹ không có đủ dầu. Cung cầu dầu khí của Mỹ bị mất cân bằng nghiêm trọng. Mỹ chỉ có chưa đầy 2% trữ lượng dầu khí thế giới, nhưng lại tiêu thụ tới 25% lượng dầu toàn cầu. Kể cả khi Mỹ khoan dầu trên tất cả các bờ biển, công viên, rừng… ở Mỹ cũng không sản xuất đủ dầu để đáp ứng nhu cầu năng lượng vô tận của Mỹ.
3 Các công ty dầu chưa tận dụng hết nguồn hiện tại. Nhiều chuyên gia tự hỏi tại sao lại phải phát triển những khu vực khoan dầu mới, trong khi các công ty dầu khí Mỹ vẫn còn đang có tới 4.000 hợp đồng thuê khu vực khoan dầu chưa khởi động ở khu vực phía tây vịnh Mexico.
4 Khai thác ngoài khơi ít ảnh hưởng đến giá xét về lâu dài. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), khai thác dầu khí ngoài khơi tại các “vùng nhạy cảm” (các khu vực dự luật mới cho phép khai thác) sẽ giúp sản lượng dầu tại Mỹ tăng khoảng 7% vào năm 2030. Tuy nhiên, EIA khẳng định giá dầu được định đoạt trên thị trường quốc tế. Do đó sản lượng ở Mỹ tăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá dầu.
5 Khai thác ngoài khơi càng khiến giá cao. Với quyết định đầu tư lớn vào khai thác ngoài khơi, các công ty dầu khí đặt cược rằng giá dầu và xăng sẽ tiếp tục giữ ở mức cao để các công ty này có thể thu hồi lợi nhuận. Bỏ lệnh cấm khai thác ngoài khơi sẽ khiến giá xăng không bao giờ có thể quay về mức 2 USD/gallon như trước, bởi các công ty dầu khí quyết tâm giữ giá cao.
6 Sản xuất tốn kém, không có tác dụng ngắn hạn. Theo EIA, để khai thác dầu khí ngoài khơi, hoạt động sản xuất sẽ phải mất năm năm mới có thể khởi động với chi phí vô cùng tốn kém. Do đó EIA dự báo khai thác ngoài khơi sẽ không có tác động lớn đến sản lượng dầu khí Mỹ và giá trong khoảng 20 năm kể từ khi nhà nước bắt đầu cho thuê địa điểm khai thác.
7 Không đủ thiết bị khoan dầu. Do giá dầu tăng cao, các tàu khoan dầu đã bị thuê sạch trong vòng năm năm tới với giá cho thuê tăng vọt. Do đó các công ty dầu khí Mỹ không đủ nguồn lực để khai thác các giếng dầu ngoài khơi.
8 Không thể lọc dầu khai thác. Theo EIA, các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đang trở nên quá tải đến mức năm ngoái Mỹ phải nhập khẩu 150 triệu thùng xăng. Trong khi đó, báo Wall Street Journal đưa tin các công ty dầu khí Mỹ không có ý định xây dựng các nhà máy lọc dầu mới.
9 Không phải là con đường tương lai. Tổng thống Mỹ George Bush từng khẳng định về lâu dài, giải pháp để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu mỏ là phát triển các công nghệ năng lượng thay thế. Vậy không có lý do gì để đưa ra một giải pháp dựa trên dầu mỏ không có tác dụng tức thời cho cuộc khủng hoảng năng lượng.
10 Mất tập trung vào các giải pháp thực tế. Theo các chuyên gia CAP, đề xuất khai thác ngoài khơi chỉ khiến chính quyền sao nhãng các giải pháp thật sự. Theo đó, chính quyền cần chống nạn đầu cơ, đầu tư vào công nghệ sạch, phát triển các loại xe tiết kiệm năng lượng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận