02/04/2011 20:01 GMT+7

Mỹ dự kiến rút máy bay, tên lửa khỏi chiến dịch Libya

H.MINH
H.MINH

TTO - Quân đội Mỹ dự kiến rút các máy bay chiến đấu và tên lửa Tomahawk ra khỏi chiến dịch không kích Libya khi NATO đảm nhận cương vị chủ chốt trong các cuộc đánh bom và tập kích lực lượng của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

tYbe2xFZ.jpgPhóng to
USS Barry, tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ, bắn một tên lửa Tomahawk - Ảnh: AFP

Sau khi NATO nhận lại nhiệm vụ chỉ huy liên quân vào ngày 31-3, các quan chức Mỹ xác nhận hôm 1-4 rằng máy bay chiến đấu, máy bay tiêm kích và tên lửa của Mỹ sẽ được rút ra khỏi các chiến dịch bắt đầu từ cuối tuần này, theo Hãng tin AFP.

Động thái trên diễn ra sau những cam kết của Tổng thống Barack Obama về việc sớm chuyển quyền chỉ huy liên quân cho NATO và Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp máy bay cho các nhiệm vụ tiếp liệu và thám báo. “Chúng tôi chuyển sang một vai trò hỗ trợ tập trung vào việc cung cấp các cơ sở hậu cần thay vì các nhiệm vụ tấn công” - AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên.

Trước đó, một số nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích gay gắt ông Obama về quyết định này trong các phiên điều trần ngày 31-3, bởi họ cho rằng lực lượng liên quân thiếu các máy bay tấn công mục tiêu mặt đất rất quan trọng trong việc đối phó với xe tăng và pháo của Libya.

Trong quá trình chuyển giao, các đợt không kích của Mỹ nhắm vào Libya cũng đã giảm bớt, chỉ có 10 trong số 74 đợt trong ngày 1-4.

Tàu chiến của Mỹ cũng sẽ được rút dần khỏi khu vực bờ biển ngoài khơi Libya và các đợt tấn công bằng tên lửa Tomahawk từ tàu ngầm Mỹ chấm dứt sau vài ngày đầu tiên. Không có tên lửa Tomahawk nào được bắn đi trong 24 tiếng đồng hồ ngày 1-4, theo lời quan chức nói trên.

Tướng lĩnh cấp cao của quân đội Mỹ, đô đốc Mike Mullen, cho biết các máy bay sẽ được rút khỏi vùng chiến sự bao gồm những chiếc A-10 Thunderbolts được trang bị vũ khí hạng nặng và AC-130, cả hai đều được dùng để tấn công xe tăng và các mục tiêu dưới đất.

Nhưng ông Mullen cũng nói các máy bay chiến đấu được đặt trong tình trạng chờ và có thể nhận lệnh trở lại chiến dịch nếu có yêu cầu từ phía chỉ huy liên quân, hiện do thiếu tướng Charles Bouchard (người Canada) đứng đầu.

Một số nghị sĩ Cộng hòa đã cáo buộc ông Obama làm việc nửa vời trong cuộc chiến khi quyết định lui quân vào lúc lực lượng đối lập đang bị quân chính phủ đẩy lùi tại Libya.

Thượng nghị sĩ John McCain, ứng viên tổng thống thất cử dưới tay Obama trong cuộc bầu cử 2008, bình luận “việc rút lực lượng tấn công duy nhất chúng ta có vào thời điểm này gửi đi tín hiệu sai lầm cho cả các đồng minh lẫn chế độ Gaddafi, đặc biệt là với những binh sĩ nổi dậy ở Libya đang cố gắng chiến đấu chống lại Gaddafi”.

Tuy nhiên, ông Mullen nói chỉ huy của lực lượng Mỹ trong chiến dịch đã đảm bảo với ông rằng không lực của liên quân hoàn toàn đủ năng lực để tiếp tục các cuộc không kích.

Mỹ đã cung cấp phần lớn hỏa lực trong chiến dịch tấn công Libya khởi đầu từ ngày 19-3, nhưng sẽ “giảm bớt nhanh chóng” trong vài ngày tới, theo lời Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates, giới hạn xuống còn tiếp liệu trên không, gây nhiễu thông tin vô tuyến của đối phương, thám báo và cứu hộ cứu nạn.

H.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên