06/05/2017 11:11 GMT+7

Mưu sinh sau nghiệp bóng đá

SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TT - Phía sau hào quang chiến thắng và những lời tung hô là cuộc sống với muôn vàn trắc trở khi cầu thủ, HLV giải nghệ hoặc không còn cơ hội gắn bó với sân bóng.

HLV Ngô Quang Sang phụ bán quán cơm chay của gia đình. Ảnh: ANH DUY
HLV Ngô Quang Sang phụ bán quán cơm chay của gia đình. Ảnh: ANH DUY

 

Một số cựu cầu thủ từng là nhà vô địch V-League hay vô địch AFF Suzuki Cup có người may mắn trong việc mưu sinh, nhưng cũng không hiếm người thất bại với nghề trái tay...

Lui về với quán cơm chay

Trong giới bóng đá, cựu HLV trưởng Long An Ngô Quang Sang, 45 tuổi, nổi tiếng lành tính và là HLV ăn chay trường từ nhiều năm qua. Tâm tình với Tuổi Trẻ, ông Sang nói vui: “Tôi ăn chay trường, thường đi lễ chùa, vậy mà vẫn không thoát khỏi cái nạn từ trên trời rơi xuống: bị cấm hành nghề 3 năm sau sự cố trên sân Thống Nhất trong trận Đồng Tâm gặp chủ nhà TP.HCM ở vòng 6 V-League 2017 hôm 19-2...”.

Xuất thân là công nhân bốc xếp cho Gạch Đồng Tâm, chơi bóng đá phong trào từ năm 1999, ông Sang góp công không nhỏ trong việc đưa đội bóng đoạt chức vô địch hạng nhất, rồi chuyển sang bóng đá chuyên nghiệp trong vai trò trung vệ kiêm thủ quân. Giã từ nghiệp cầu thủ, ông theo học các lớp HLV quốc tế do AFC tổ chức, rồi được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội Long An từ năm 2013 đến ngày xảy ra sự cố nói trên.

Sau sự cố đó, ông lui về với gia đình, phụ giúp bà xã trong việc kinh doanh quán ăn chay với các món cơm tấm, hủ tiếu, bún riêu, bún măng... vào các buổi sáng. Buổi chiều, ông trở lại CLB Long An hỗ trợ chuyên môn cho các đội trẻ. Quán ăn diện tích nhỏ trên con đường ven thị trấn Bến Lức khá đông khách bởi vừa khẩu vị, nên vợ chồng ông chủ quán tất bật luôn tay. Mới hơn 7h sáng mà mồ hôi mồ kê đã nhễ nhại trên gương mặt ông bà chủ.

HLV Ngô Quang Sang nói: “Cũng may là gia đình còn có quán ăn nhỏ này để sống qua ngày, nếu không thì tôi không biết làm gì... Dù không phải là việc thuận tay, nhưng tôi nghĩ cũng còn may mắn là có nghề để kiếm sống và phụ giúp bà xã tìm thêm thu nhập lo cho cha mẹ già cùng hai con trai. Mong muốn của tôi lúc này là được giảm án để quay lại CLB Long An”.

Thu tiền lẻ nhưng sống ổn định

Với dân thể thao nói chung và cầu thủ bóng đá nói riêng, một thời gian ngắn sau khi giã từ cuộc sống thể thao chuyên nghiệp thì ít ai giữ được dáng vóc thon thả, rắn chắc như thời còn thi đấu do không còn duy trì chế độ tập luyện thường xuyên.

Với cựu trung vệ Nguyễn Hoàng Thương (35 tuổi, từng khoác áo Bình Định, Gạch Đồng Tâm Long An, cựu tuyển thủ U-23 VN thời HLV Riedl) lại khác. Sau 9 năm rời xa sân cỏ, anh vẫn giữ được dáng vẻ săn chắc, nhanh nhẹn như thuở còn thi đấu.

Làm chủ quán cà phê sân vườn khá thơ mộng với diện tích hơn 400m2 trên đường Nguyễn Văn Siêu, thị trấn Bến Lức, Hoàng Thương kiêm nhiệm một lúc nhiều vai trò như pha chế, phục vụ, tiếp khách, thu tiền và dọn dẹp. Quán mở cửa từ 6h đến 20h, tính trung bình mỗi ngày ông chủ quán di chuyển không dưới chục cây số. “Có lẽ nhờ vậy mà tôi vẫn giữ được vóc dáng “ngon lành” như lúc còn thi đấu” - Hoàng Thương nói vui.

Chủ quán cà phê - cựu tuyển thủ Nguyễn Hoàng Thương (đứng). Ảnh: ANH DUY
Chủ quán cà phê - cựu tuyển thủ Nguyễn Hoàng Thương (đứng). Ảnh: ANH DUY

 

Năm 2011, sắp sang tuổi 30, Hoàng Thương quyết định treo giày. Ban đầu, vợ chồng anh mở tiệm bán quần áo thời trang nhưng nguồn thu không ổn định. Tận dụng khoảng sân trống khá lớn quanh nhà, họ thử thời vận với việc mở quán cà phê sân vườn. Không gian thoáng mát, yên tĩnh nên quán cà phê trở thành điểm hẹn của mọi người suốt 6 năm qua. Trong số đó có không ít khách hàng là dân đá bóng từ phong trào lẫn đỉnh cao.

Ngày ngày, họ tụ tập bình luận đủ mọi chuyện về bóng đá, từ V-League đến Champions League... “Nhiều lúc dù bận rộn với việc pha chế, phục vụ khách hàng nhưng tôi vẫn bị “réo” tới bàn để giải thích về một tình huống gây tranh cãi trong trận đấu mới diễn ra rạng sáng. Mệt nhưng rất vui bởi đôi lúc sự góp ý, nhận xét thuần về chuyên môn của mình cũng làm khách hàng thoải mái hơn...” - Hoàng Thương nói.

Hằng ngày, quán của Hoàng Thương bán không dưới 2kg cà phê được pha chế tại chỗ với xấp xỉ 90 ly. Thu tiền lẻ (giá mỗi ly 8.000 - 12.000 đồng) nhưng cuộc sống ổn định. Hoàng Thương cho biết anh hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. “Nếu nhìn hoàn cảnh nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn còn đang loay hoay chưa tìm được kế mưu sinh sau khi chia tay với bóng đá mới thấy mình vẫn còn may mắn” - Hoàng Thương nói.

Lắm người còn lận đận

Trưởng thành từ lứa năng khiếu Bình Thuận, sau đó thành danh trong màu áo Đồng Tháp và từng vô địch V-League, Cúp quốc gia và Siêu cúp VN trong hai năm 2005, 2006 với Gạch Đồng Tâm Long An, Thanh Trúc cho biết: “Sau khi giải nghệ, tôi lập gia đình và sinh sống ở Bến Lức với nghề làm cửa nhôm, cửa kính được mấy năm.

Vài tháng nay tạm thất nghiệp bởi công trình thì nhiều, nhưng làm xong đi đòi nợ hết sức gian nan và bao giờ cũng bị chủ đầu tư giữ lại một khoản không nhỏ với muôn vàn lý do. Tôi muốn chuyển sang nghề khác kiếm sống, nhưng loay hoay mãi chưa tìm được hướng ra”.

Trong khi đó, nhà vô địch AFF Suzuki Cup 2008 cùng tuyển VN - hậu vệ trái Huỳnh Quang Thanh đã gặp hai điều không may trong những tháng đầu năm 2017.

Đầu tiên, quán nướng xiên que đang kinh doanh phát đạt ở khu dân cư Trung Sơn (Bình Chánh) mà anh hùn vốn với ba người bạn bị chủ đất thu hồi mặt bằng dù chưa hết thời hạn hợp đồng. Thứ hai, Quang Thanh bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá trên toàn quốc do VFF tổ chức trong 2 năm sau sự cố trên sân Thống Nhất hôm 19-2.

SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên