CSGT tuần tra trên đường không xác minh và xử phạt xe không "chính chủ" - Ảnh: Sơn Bình |
Thượng tá Trần Văn Thương cho biết:
Theo nghị định 46, lực lượng CSGT sẽ xử phạt đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký sang tên của người đang sử dụng xe, bắt đầu từ ngày 1-1-2017.
Việc xử phạt vi phạm hành chính lỗi xe không “chính chủ” chỉ thực hiện qua công tác xác minh khi cá nhân, tổ chức đến cơ quan CSGT thực hiện thủ tục đăng ký, di chuyển xe hoặc trong quá trình điều tra giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên.
Tuy nhiên, theo nghị định 46 và chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường khi kiểm tra giấy tờ xe sẽ không xác minh và xử phạt xe không “chính chủ”.
Do đó cá nhân, tổ chức khi sử dụng xe mượn, dùng chung xe với người thân... sẽ không cần phải chứng minh, giải thích với lực lượng CSGT về chủ xe đứng tên trong giấy đăng ký xe.
Đối với những trường hợp người dân có nhu cầu muốn được giải quyết đăng ký sang tên xe đối với những xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người, thông tư 15 có quy định, mẫu hướng dẫn cụ thể để giúp người dân thực hiện theo quy định.
Chẳng hạn như các thủ tục đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh, đăng ký sang tên, di chuyển xe đi khác tỉnh, đăng ký sang tên xe tỉnh khác chuyển đến.
Do thời gian gia hạn làm thủ tục kéo dài nhiều năm, nên cơ quan chức năng đã chốt hạn đến hết ngày 31-12-2016.
Qua thời hạn này, cơ quan đăng ký xe sẽ không giải quyết đăng ký đối với trường hợp xe chuyển nhượng qua nhiều người nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ.
Đương nhiên những xe không chịu đi làm thủ tục hợp lệ, nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý.
* Một người dân ở P.13, Q.Tân Bình (TP.HCM): Chỉ nên phạt xe không có giấy tờ Khi vi phạm giao thông, cơ quan chức năng nói chỉ cần gọi điện thoại cho người thân để chứng minh là xe của người nhà. Thứ nhất, không phải lúc nào cũng liên lạc được. Thứ hai, nếu liên lạc được, chẳng lẽ cả CSGT lẫn người vi phạm cùng nghe điện thoại để xác định, làm sao để khẳng định đó là người nhà? Việc này rất mất thời gian và khó thực hiện giữa đường phố. Do đó, không loại trừ trường hợp có CSGT sẽ “tận dụng” quy định này để vòi vĩnh, hoặc người vi phạm muốn tránh rắc rối hoặc mất thời gian sẽ “lót tay” CSGT. Theo tôi, quy định này rất khó thực thi, chỉ nên phạt xe không có giấy tờ thay vì phạt xe không “chính chủ”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận