
Trả lời câu hỏi vì sao "tình đầu khó phai" dưới góc độ khoa học - Ảnh: GOOD
Theo tiến sĩ Helen Fisher - nhà nhân chủng học nổi tiếng, nguyên cố vấn khoa học trưởng của Match.com và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinsey (Mỹ), tình đầu để lại dấu ấn sâu đậm vì nó kích hoạt những vùng não bộ cổ xưa nhất, những nơi kiểm soát ham muốn, sự ám ảnh và động lực.
Đây cũng chính là các khu vực liên quan trực tiếp đến cảm giác thèm khát, tương tự như cơ chế hoạt động khi một người bị nghiện ma túy, rượu hay cờ bạc.
Trong một đoạn phỏng vấn đăng tải trên kênh The Well, bà Fisher lý giải: "Tình yêu mãnh liệt ở giai đoạn đầu đánh thức những phần sâu nhất của não bộ. Đó là những vùng não điều khiển cảm giác khao khát và thôi thúc mạnh mẽ".
Chính vì vậy trong tình đầu, chúng ta dễ rơi vào trạng thái ám ảnh và lệ thuộc cảm xúc, một hiện tượng khoa học gọi là "hiệu ứng nghiện tình yêu".
Đặc biệt, bà Fisher cho biết trong trạng thái yêu đương mãnh liệt, vỏ não trước trán - nơi chịu trách nhiệm cho tư duy logic và khả năng ra quyết định - có xu hướng "đóng băng".
Nói cách khác, lý trí dễ bị tê liệt khi cảm xúc tình yêu bùng nổ.
Cùng lúc, các hormone như dopamine liên quan đến cảm giác phần thưởng, norepinephrine tạo cảm giác hưng phấn và oxytocin hormone gắn kết liên tục được giải phóng, khiến não bộ hình thành một "vòng lặp phần thưởng", khiến người trẻ dễ bị cuốn sâu vào trạng thái si mê, say đắm.
Nghiên cứu của tiến sĩ Fisher trên 166 nền văn hóa cho thấy có tới 147 xã hội tồn tại khái niệm tình yêu lãng mạn, là thứ tình cảm có thể khiến con người cảm thấy "nghẹt thở và đầy hưng phấn".
Bà từng cùng các cộng sự tiến hành quét MRI não bộ những người đang yêu. Kết quả cho thấy khi họ nhìn ảnh người mình yêu, các vùng não giàu dopamine và những khu vực liên quan đến phần thưởng như nhân đuôi (caudate nucleus) và vùng mái bụng (ventral tegmental area) đều "sáng rực", tương tự như phản ứng của não khi con người nhận phần thưởng hay đạt được mục tiêu.
Tình đầu và "phản ứng hóa học không hồi kết"
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard cũng lý giải "hiện tượng" tình đầu thông qua khái niệm "bump memory", một ký ức đỉnh cao trong giai đoạn từ 15 đến 26 tuổi.
Nhà tâm lý học Jefferson Singer cho rằng trong độ tuổi thanh thiếu niên, khi não bộ còn đang trong giai đoạn phát triển, những trải nghiệm lần đầu như yêu, lái xe, hay thậm chí là nụ hôn đầu đều dễ dàng "in dấu" vào vùng lưu trữ ký ức, khiến chúng khắc sâu và khó phai mờ hơn các trải nghiệm ở giai đoạn trưởng thành.
"Những ký ức này thường gắn liền với hormone dopamine, chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác phần thưởng và khoái cảm, nên chúng càng dễ quay lại, thậm chí khi ta đã già", bài viết trên Harvard.edu phân tích.
Việc não bộ giải phóng liên tục các chất hóa học trong mối tình đầu khiến cơ thể rơi vào trạng thái gần giống như "phản ứng hóa học không hồi kết".
Theo tiến sĩ Fisher, đây chính là lý do vì sao nhiều người cảm thấy mối tình đầu để lại "vết sẹo ngọt ngào", giống như thứ cảm giác mà mãi không quên, dù đã bước sang những mối quan hệ mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận