05/04/2011 19:52 GMT+7

Muốn dự thi tại TP.HCM phải làm hồ sơ như thế nào?

PHÚC ĐIỀN
PHÚC ĐIỀN

TTO - * Con tôi năm nay thi đại học. Cháu có hộ khẩu ở Gia Lai, theo đúng quy định thì cháu phải thi ở cụm Quy Nhơn. Con tôi đăng ký thi hai trường (Đại học Kiến trúc và Đại học Luật khối C).

Khối V phải thi tại Trường đại học Kiến trúc TP.HCM (theo quy định của bộ). Vậy khối C con tôi có được đăng ký thi tại Trường đại học Luật TP.HCM không hay thi xong khối V con tôi phải về Quy nhơn để thi khối C? (huetran3968@...)

i2xoaaHk.jpgPhóng to
Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ành: Minh Giảng

- Trường hợp con chị sẽ thi đợt 1 tại TPHCM. Nếu có nguyện vọng thi đợt 2 tại TPHCM để tiện việc đi lại, khi làm hồ sơ thí sinh bỏ trống không ghi phần cụm thi. Đến khoảng đầu tháng 6 khi nhận giấy báo thi, nếu thấy trường vẫn xếp thi tại Quy Nhơn thí sinh có thể đến trường đề nghị chuyển địa điểm thi vào TPHCM.

* Học ngành môi trường có phải tiếp xúc với chất bẩn, độc hại không? Em sức khỏe hơi kém, dị ứng với mùi hóa chất, nhang, khói... liệu có thể theo ngành này ở Trường ĐHBK (ĐHQGTPHCM) được không? (ngaongaongo@...)

- Bạn đã tìm nguyên nhân mình bị dị ứng chưa? Bạn vẫn có thể khắc phục, chữa chứng dị ứng để theo đuổi ngành mình yêu thích. Trong chương trình học sẽ có một số học phần thí nghiệm thực hành có liên quan đến hóa chất. Tuy nhiên, điều đó không quá đáng sợ (trừ khi có khuyến cáo đặc biệt của bác sĩ cho rằng bạn không được tiếp xúc hóa chất).

* Cháu sẽ thi khối D, tiếng Anh của cháu có thể nói là khá, nghe nói tốt. Hơn nữa, cháu cũng rất thích tiếng Nhật, văn hóa Nhật, cháu có thể thi ngành Nhật Bản học được không? Cơ hội làm việc của ngành này ra sao ạ?

Cháu cũng có ước mơ là sau này sẽ làm việc cho công ty Nhật ở Việt Nam và cũng không có ngoại hình tốt. Một người bạn tư vấn đừng nên bỏ bốn năm ĐH theo ngành Nhật Bản học mà nên chọn ngành quản trị kinh doanh, sau đó học thêm tiếng Nhật ở ngoài, như vậy sau ĐH cháu sẽ có bằng quản trị kinh doanh cùng hai ngôn ngữ là Anh và Nhật sẽ "ngon" hơn là học Nhật Bản học. Có đúng không? (mecury2511@...)

- Nếu bạn theo học ngành Nhật Bản học, ngoài tiếng Nhật bạn còn được trang bị kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý… liên quan đến nước Nhật. Tốt nghiệp ngành Nhật Bản học có thể làm việc trong các tổ chức văn hóa, kinh tế - xã hội hoặc các công ty có liên quan đến nước Nhật. Còn nếu bạn theo học ngành quản trị kinh doanh và học tiếng Nhật song song tức là bạn chọn theo học ngành kinh tế, tiếng Nhật chỉ là phương tiện hỗ trợ.

Vấn đề bạn nên lưu tâm không chỉ là theo hướng nào “ngon” hơn mà là hướng nào phù hợp hơn với bạn. Bạn giỏi tiếng Anh, thích văn hóa… có thể thấy bạn có sở trường với nhóm công việc liên quan đến văn hóa, giao tiếp xã hội. Vậy còn năng lực, sở trưởng đối với ngành kinh tế như thế nào?

Nếu bạn chọn đúng hướng phù hợp với mình hơn, bạn sẽ học giỏi hơn và có nhiều cơ hội thành đạt hơn sau này.

* Em học và tốt nghiệp THPT tại Nghệ An năm 2004. Em thuộc diện chính sách: con bệnh binh mất sức lao động 61%. Hiện hộ khẩu và giấy CMND của em đều ở TP.HCM, vậy khi thi ĐH và học trong trường ĐH, em được xếp vào khu vực nào và có còn được hưởng các chế độ ưu tiên nữa không? Nếu không được thì em phải làm gì để được hưởng các chính sách ưu tiên như trước đây? (xuanloc48@...)

- Bạn vẫn được tính ưu tiên đối tượng 06 (được hưởng 1 điểm ưu tiên). Riêng điểm ưu tiên khu vực được tính theo nơi thí sinh học THPT (không liên quan đến hộ khẩu và CMND). Khi làm hồ sơ dự thi, bạn nhớ kèm những giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên để được tính điểm.

* Ngành công nghệ hóa học ở Trường ĐH KHTN (ĐHQG TPHCM) sẽ dạy như thế nào, học phí, công việc sau khi ra trường? Có nhiều trường đào tạo ngành tài chính ngân hàng nhưng nghe nói học ở ĐH Kinh tế sẽ dễ xin việc hơn, có đúng không? Em muốn biết sơ lược về ngành này? (kiraburo_20@...)

- Ngành hóa học Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) đào tạo những kiến thức liên quan đến lĩnh vực hóa chất, thực phẩm. Ngành này có bốn chuyên ngành: hóa hữu cơ, hóa vô cơ, hóa phân tích, hóa lý. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong các ngành công nghiệp hóa chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu, hóa mỹ phẩm, sản xuất rượu bia, đường sữa, bánh kẹo, nước giải khát, chế biến thủy hải sản…

Ngoài ra cũng có thể làm việc ở các lĩnh vực liên quan như ximăng, gốm sứ, thủy tinh, vật liệu xây dựng, kiểm soát ô nhiễm, khai thác chế biến dầu mỏ và khí đốt, xăng dầu, nhớt bôi trơn, dệt nhuộm, chất tẩy rửa, giấy, xử lý nước thải… hoặc làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ở các trường viện.

* Em định thi vào ĐH Luật TP.HCM nhưng không biết nên thi luật quốc tế hay luật thương mại, học lực của em cũng thuộc dạng trung bình - khá. Em thích những gì thuộc về tính toán. Và em cũng muốn hỏi về chương trình học và cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp ngành luật quốc tế hoặc luật thương mại? (classic_lady112000@...)

- Trong những năm qua, điểm chuẩn vào ngành luật thương mại luôn cao hơn các ngành khác ở trường ĐH Luật TP.HCM. SV các ngành luật nói chung sẽ học chung một chương trình về pháp luật: lý luận chung về pháp luật, pháp luật quốc tế, các cơ quan tổ chức tư pháp, Luật tố tụng hình sự, tội phạm học, công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và các bộ hiện hành. Vào giai đoạn chuyên ngành, tùy từng ngành, SV sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu hơn về lĩnh vực đó.

Sau khi tốt nghiệp ngành luật thương mại có thể làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước như sở thương mại, cục hải quan, sở kế hoạch - đầu tư hoặc làm chuyên viên ở các cơ quan như phòng thuế, phòng kinh tế, UBND các cấp, tòa kinh tế, làm luật sư, tư vấn pháp lý ở lĩnh vực thương mại.

Tốt nghiệp ngành luật quốc tế sẽ làm việc ở các cơ quan nhà nước như bộ, sở tư pháp, cơ quan ngoại giao, các công ty nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức cơ quan có yếu tố nước ngoài hoặc làm việc ở các công ty tư vấn pháp luật lĩnh vực này.

Nói chung, tùy chuyên ngành, SV sẽ có lợi thế nếu làm đúng công việc liên quan trực tiếp đến chuyên ngành mình được đào tạo chuyên sâu. Cơ hội việc làm tùy thuộc kiến thức và khả năng của SV sau khi tốt nghiệp là chính chứ không phụ thuộc vào tên ngành. Ví dụ nếu có sở trường và học giỏi ngành luật nói chung, bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu thêm kiến thức và làm việc ở nhiều lĩnh vực công việc liên quan đến ngành này chứ không chỉ những công việc giống như tên ngành mình học.

PHÚC ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên