06/11/2020 18:25 GMT+7

Muốn cạnh tranh tốt, TP.HCM phải gỡ được 'nút thắt' thể chế

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Ngày 6-11, Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp cùng cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học về chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị của TP.HCM trong điều kiện mới”.

Muốn cạnh tranh tốt, TP.HCM phải gỡ được nút thắt thể chế - Ảnh 1.

Tọa đàm khoa học về nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị của TP.HCM - Ảnh: TRUNG NIÊN

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Quốc hội đang trong quá trình xem xét thảo luận và quyết nghị về đề án chính quyền đô thị tại TP.HCM. Ngoài ra, đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại TP.HCM, trong đó có sự thành lập TP Thủ Đức, cũng bắt đầu thực hiện. 

Vì vậy, tọa đàm có tính thời sự thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học.

Muốn cạnh tranh tốt, TP.HCM phải gỡ được nút thắt thể chế - Ảnh 2.

Lập thành phố Thủ Đức - một trong những những đề xuất đang trong quá trình triển khai thực hiện - hứa hẹn tạo động lực mới cho TP.HCM. Trong ảnh là khu vực hình thành TP Thủ Đức trong tương lai - Ảnh: TỰ TRUNG

Tiến sĩ Phan Hải Hồ - Học viện Cán bộ TP - cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị, cần đề xuất trung ương cho TP.HCM được quyền tự quyết bộ máy giúp việc, được vận dụng cơ chế tự đào thải trong bộ máy khi nhân sự không đáp ứng yêu cầu.

Về cơ chế tài chính, ông Hải Hồ kiến nghị cần tạo cơ chế nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu mới, nguồn thu mới không phải điều tiết về trung ương trong một thời gian nhất định .

“Với mô hình chính quyền địa phương được tự chủ nguồn thu địa phương theo Luật ngân sách nhà nước năm 2015, cần thiết mở rộng thêm các vấn đề ngân sách ngoài phạm vi nghị quyết 54. Ngoài ra tăng tỉ lệ % giữ lại cho TP trong 5-10 năm tới và việc này do HĐND TP quyết định”, ông Hồ nói.  

Muốn cạnh tranh tốt, TP.HCM phải gỡ được nút thắt thể chế - Ảnh 3.

Bà Phạm Phương Thảo phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: TRUNG NIÊN

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên phó bí thư Thành ủy, nguyên chủ tịch HĐND TP - cho rằng việc quản trị một đô thị lớn như TP.HCM, muốn nâng cao chất lượng về mọi mặt có rất nhiều thách thức trong điều kiện mới. Theo bà Thảo, hiện điểm nghẽn lớn của TP.HCM vẫn là thể chế. Có nhiều việc cần thiết TP muốn làm nhưng còn vướng cơ chế xin - cho.

“TP cần được hưởng cơ chế tài chính phù hợp. Tỉ lệ điều tiết ngân sách hợp lý và ổn định mới chủ động các kế hoạch phát triển. Không chủ động nguồn thu thì làm sao dám vay tiền để đầu tư dài hạn?”, bà Thảo đặt vấn đề.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, giám đốc Học viện Cán bộ TP, cho biết cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện, nhất là về thuế. Các loại thuế thu được đều gồm một phần cho trung ương, một phần cho địa phương. Như vậy, cả trung ương lẫn địa phương đều nỗ lực để nuôi dưỡng nguồn thu. 

Trong khi đó, hiện TP.HCM có thể quyết khâu chi nhưng lại không được quyền chủ động quyết định về nguồn thu. Điều này rất khó cho TP.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến kỳ vọng khi mô hình chính quyền đô thị được thông qua, TP.HCM sẽ có thêm điều kiện để phát triển nhanh hơn; đồng thời lưu ý để tiến tới mục tiêu đó, TP phải xây dựng nền kinh tế tri thức, kinh tế số, quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo, nâng cao chất lượng môi trường sống, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân...

Chính phủ thông qua dự thảo nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM Chính phủ thông qua dự thảo nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM

TTO - Chính phủ vừa thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên