21/03/2006 06:42 GMT+7

Muối... rong

TRẦN CẢNH YÊN
TRẦN CẢNH YÊN

TT - Khi gà vừa gáy thì những chiếc xe đạp đen trũi với những bao tải muối căng tròn từ làng biển Trung Hậu lầm lũi nối nhau ra khỏi làng tỏa đi các ngả. Hành trình chiếc xe đạp và tiếng rao héo quắt của người bán muối rong làng Trung Hậu cứ diễn ra quanh năm, bốn mùa, từ hàng chục năm nay...

2mx37JBd.jpgPhóng to
Trên đường bán muối rong
TT - Khi gà vừa gáy thì những chiếc xe đạp đen trũi với những bao tải muối căng tròn từ làng biển Trung Hậu lầm lũi nối nhau ra khỏi làng tỏa đi các ngả. Hành trình chiếc xe đạp và tiếng rao héo quắt của người bán muối rong làng Trung Hậu cứ diễn ra quanh năm, bốn mùa, từ hàng chục năm nay...

Ký ức “Vạn Phần”

Làng Trung Hậu thuộc xã Diễn Vạn (Diễn Châu, Nghệ An) bây giờ trước có tên là làng Vạn Phần. Không biết tự bao giờ người ta không còn nhớ cái tên “Vạn Phần” nữa. Bà Phan Thị Vình, một thợ nấu nước mắm Vạn Phần năm nay đã sang tuổi 90, kể rằng làng Vạn Phần trước kia rất giàu có nhờ có nghề làm nước mắm nổi tiếng cả xứ Nghệ. Nước mắm Vạn Phần thơm ngon nhờ kỹ thuật chế biến gia truyền và nhờ nguyên liệu làm mắm là nguồn cá nục do hàng trăm chiếc thuyền “mành” của dân làng cung cấp.

Ông Trần Ngọc Cảnh, cựu bí thư đảng ủy, người đã có hơn 30 năm làm việc ở UBND xã Diễn Vạn, nhớ lại: “Từ năm 1964-1968 chiến tranh phá hoại của Mỹ ập đến làm tan tác bến thuyền làng Vạn. Thanh niên trai tráng đi bộ đội hết.

Hàng trăm ngư dân và tàu thuyền của làng Vạn cũng được sung vào các đội vận tải đường biển chuyên chở lương thực, vũ khí ra hỏa tuyến. Đến ngày chiến tranh phá hoại kết thúc, bến Vạn tan hoang, thuyền bè hầu như không còn chiếc nào nguyên vẹn”...

Kể đến đây giọng ông cựu bí thư trầm hẳn xuống: “Có gần 20 thuyền viên hi sinh và hàng chục người bị thương trong những chuyến đi biển; hơn 30 thuyền trưởng vận tải ngày ấy bị tàu biệt kích hải quân địch bắt giữ, đến khi được trao trả về làng họ chỉ còn là những cái xác không hồn, một số đã chết sau khi về được vài năm; và mãi đến bây giờ ông Quang Bờ, ông Văn Độ, ông Châu Đông trong số bị địch bắt ngày ấy vẫn còn chưa biết tăm tích.

Làng Vạn như tan đàn xẻ nghé, bến không còn thuyền, chum vại không còn cá mắm, nước mắm Vạn Phần mai một dần và làng Vạn Phần từ đây có cái tên mới là làng Trung Hậu. Bây giờ các xã lân cận như Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Ngọc... và Xí nghiệp chế biến thủy sản Diễn Châu đều làm nước mắm và cùng đặt tên cho sản phẩm của họ là “Nước mắm Vạn Phần”, còn cái làng Vạn gốc này không có lấy “một phần” nào nữa hết; còn chăng là một làng... muối rong”!

Làng Trung Hậu điêu tàn vì chiến tranh và một phần vì thiên tai khắc nghiệt. Trung Hậu như một ốc đảo vì ba mặt bị sông lạch bao bọc.

Cả làng không có lấy một tấc đất trồng trọt. Đảng bộ Diễn Vạn ra nghị quyết cứu dân Trung Hậu bằng cách khai phá, biến các cánh đồng hoang mặn trở thành cánh đồng sản xuất muối.

Muối Trung Hậu trắng đồng. Muối đầy ắp các kho hợp tác xã nhưng Trung Hậu vẫn chưa thoát nghèo vì giá muối rẻ như bèo.

Đất làm muối cũng chỉ đủ cho vài trăm lao động, quá nửa lao động của làng không có việc làm; họ làm đủ nghề như mò cua, bắt ốc, buôn thúng bán mẹt đầu làng cuối chợ để mưu sinh.

Nhưng rồi đất chật người đông, con còng con cáy dọc sông dọc bến cũng cạn kiệt không kịp sinh sôi cho dân làng Trung Hậu kiếm chác, họ quay lên bờ tìm kế khác và cái kế gần như độc nhất là nghề bán muối rong.

Làng “muối... rong”

Ông trưởng thôn Phạm Văn Quế cho biết: “Cả làng Trung Hậu có gần 300 lao động đi bán muối rong, phần lớn là ở độ tuổi mười lăm, mười tám đôi mươi. Nhà nào cũng có người đi bán muối.

Nhiều trẻ em nghỉ học từ năm lớp 6, lớp 7 để đi bán muối. Muối nhà làm ra, muối mua lại của các xã lân cận được đội quân bán rao của làng Trung Hậu dùng xe đạp đưa đi khắp huyện, khắp tỉnh; muối rao lên tận miệt biên giới Việt - Lào, lùng khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành phố Vinh... Mỗi chuyến đi, một người chở gần tạ rưỡi muối bán hết thì về trong ngày, chưa hết thì ngủ vỉa hè, ngủ nhờ thềm quán trong phố để ngày sau đi rao bán tiếp”.

Anh Nguyễn Văn Chiến bị tật cả hai cánh tay cùng vợ là Nguyễn Thị Lan đi bán muối rong có thâm niên đã 15 năm, khi nghe tôi hỏi chuyện đi bán muối thì cười cám cảnh: “Rao khàn cả cổ họng, một cân muối lãi được 200-300 đồng; vừa bán, vừa đổi hết một tạ muối lãi được 20.000 đồng. Đêm không dám bỏ tiền ra ngủ trọ, mà cũng chẳng có nhà trọ nào dám rước dân bán muối rong...”.

Tôi xuýt xoa: “Muối rong rẻ như bèo sao cả làng vẫn kéo nhau đi rao bán cho cực?”. “Không đi bán muối rong thì có việc chi mà làm - anh Chiến cười chua chát rồi tiếp - Ông Quế vừa bỏ nghề muối rong được hai năm kể từ khi lên chức trưởng thôn nhưng nhà ông ấy vẫn còn hai lao động đi bán muối.

Vợ chồng ông bí thư thôn này cũng đi bán muối rong đã mười năm nay đó thôi. Mà bác có biết nghề bán muối rong tủi cực đến mức nào không? Con gái làng này đã từng đẻ rớt trên đồng muối, đẻ rớt trên đường đi bán muối rong; mới năm trước đây thôi, anh Hoàng Sinh đã chết ngay trên đỉnh truông Én vì quá kiệt sức khi đẩy xe muối gần tạ rưỡi qua miền Phủ Quỳ đi bán”.

Ông trưởng thôn dẫn tôi đến thăm một gia đình mà theo ông đây là một “mô hình” xóa đói của nghề bán muối rong. Đó là gia đình ông Hoàng Hạnh và bà Cao Thị Thanh. Bà Thanh mới 59 tuổi nhưng tóc bạc như cước và trông như một bà lão đã ngoài 70.

Bà Thanh kể hai ông bà làm nghề bán muối rong đã gần 20 năm, hiện ông Hạnh đã “nghỉ hưu” vì sức yếu, còn bà thì gắng thêm vài năm nữa để kiếm tiền cho đứa con gái út học hết cao đẳng. Bà Thanh kể: “Tụi thanh niên thanh nữ chúng nó đi muối từ lúc nửa đêm gà gáy; còn tui thì sáng bạch mới lên đường.

Mỗi chuyến chỉ chở được dăm yến muối, khi đi thì đẩy, bán hết muối mới đạp xe không về nhà”. Tôi ngạc nhiên khi thấy trong cái góc nhà tồi tàn này có một bộ máy vi tính được trùm một tấm nilông che bụi.

Bà Thanh khoe với chúng tôi: “Cháu nhà tui nó học công nghệ công nghiếc chi đó, trước tết nó mua được chiếc máy cũ của đứa bạn trong lớp, nửa chiếc máy ấy là tiền vợ chồng tui bán muối dành dụm cả mấy năm nay đó. Tháng này cháu đi thực tập nên để máy ở nhà”.

Trong những năm gần đây, đảng ủy, ủy ban xã cũng đã tìm cách giúp dân chuyển đổi ruộng muối để nuôi con tôm, con cua; giúp bà con làm nghề mây đan tre... nhưng có lẽ cũng còn lâu đội quân đi bán muối rong của làng Trung Hậu mới “mất nghề”.

Chiếc xe đạp thồ “tri kỷ” lại vẫn cùng họ rong ruổi trên đường “thiên lý”... muối rao! Bất chợt tôi lại nhớ đến những câu thơ khắc khoải của ông cựu bí thư xã Diễn Vạn viết cho hai đứa con gái của ông làm nghề bán muối rong: “Vẫn là điệp khúc tiếng rao; ai mua muối... biết khi nào cho ngơi”!

TRẦN CẢNH YÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên