Thí sinh làm thủ tục dự thi tại điểm thi THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh (Nghệ An) chiều 24-6 - Ảnh: DOÃN HÒA
Nhìn các thí sinh chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều người thuộc thế hệ 9X, 8X vẫn nhớ như in cơn hồi hộp, bồn chồn trước ngày thi của mình thuở nào.
Chị Lê Vy (sinh năm 1994) ở quận Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ: "Nhìn mấy em 2000 năm nay thi đại học, mình bồi hồi, xao xuyến dã man. Dẫu trước ngày thi không nên học nhưng mình ngủ không được, cứ cầm cuốn vở xem đi xem lại, chẳng nhồi thêm được chút gì.
Lúc ngủ rồi thì toàn mơ tới cảnh mình đi trễ, giám thị không cho vào nên gần như thức trắng. Hậu quả, 3h sáng, lật đật dậy đi thi. Hôm thi thứ hai mệt quá nên ngủ một mạch đến 5h sáng luôn".
''Kinh khủng'' hơn, anh Chu Thanh Đức (sinh năm 1987) ở quận 7 kể: "Tôi trễ thiệt chứ không mơ, suýt nữa ngỏm luôn môn Anh văn vì chủ quan 'môn cuối, môn ruột'. 7h trường thi đóng cổng mà tôi cứ nghĩ là 7h30.
Chạy tới nơi đúng lúc công an đóng cổng, tôi chạy vừa kịp lọt vô. Ba tôi tới giờ còn mang kỷ niệm đó ra 'giày xéo'. May là ông linh cảm có gì đó sai sai nên thúc tôi đi sớm, chở tận nơi chứ không giờ đời tôi tàn rồi!".
"Thấy các em hôm nay bắt đầu đến điểm thi, tôi nhớ lại giai đoạn căng thẳng của bản thân cách đây 4 năm. Vì thi khối C, lượng kiến thức cần nhớ rất nhiều, điểm chuẩn cao nên tôi nghĩ ra cách gì đó để nhắc nhớ bản thân phải cố gắng hết sức. Tôi viết con số 22 - điểm ngành thi, dán khắp phòng, đến lúc ngủ vẫn còn ám ảnh con số này.
Ngày thi đầu tiên khá ổn. Đến ngày thi thứ 2, vì quá hồi hộp nên tôi thức đến khuya để ôn tập chắc chắn hơn, hậu quả là đến sáng hôm sau lại trễ giờ thi 15 phút. Tối đó, tôi mơ thấy bản thân đã thi xong mới chết chớ.
Nhưng rất may kết quả cuối cùng vẫn như ý muốn, không uổng công sức mình tự tạo để bản thân cố gắng đến phút cuối cùng" - Kim Thủy, sinh viên năm 4 Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM. nhớ lại.
Trong khi đó trên mạng xã hội, một 8X chia sẻ khá hài hước: ''Mỗi năm đến kỳ thi ĐH, lướt tin tức lẫn Facebook là mình lại hay nằm mơ thấy mình đi thi bị quên bài đã học hoặc làm không kịp giờ.
Điều tiếc nhất với mình, là sau nhiều lần dời nhà thì đã không còn nhớ cuốn băng cassette thu âm toàn bộ môn sử do mình tự soạn và tự... đọc đang nằm kẹt nào. Chứ không thì bây giờ có khi cũng thành sản phẩm luyện thi bá cháy rồi.
Thời đó, khi bạn bè kéo nhau lên Sài Gòn luyện ầm ầm thì mình ở quê tự... tụng. Cứ sáng ra đọc 1 lượt cho nhớ mặt chữ xong thì mở băng cassette nghe, ăn ngủ giặt giũ hay tắm rửa "nặng- nhẹ" gì cũng sử sử sử...
Tới lúc vô thi, mình làm những 2 đôi giấy, anh giám thị trố mắt, chắc tưởng "koan" này viết văn tả ổng. Kết quả, sử cao chót vót nhưng địa chỉ trên trung bình. Nhờ vậy mà bây giờ sau bao nhiêu năm ra trường mình vẫn học nữa học mãi, môn..."địa".
Từng khăn gói từ Cà Mau lên Cần Thơ thi, anh Lê Hải Đăng (sinh năm 1995, nhân viên ngân hàng) kể lại: "Thời tôi thi tốt nghiệp, khi đó mạng xã hội và smartphone chưa phổ biến như bây giờ, phần nào hạn chế được tình trạng truyền tai nhau về việc lộ đề, chúng tôi không phải học tủ như thế hệ các em 10X bây giờ.
Cảm giác khi bước chân vào trong và cổng trường từ từ khép lại thật sự mang đến nhiều cảm xúc vì sau lưng có phụ huynh và người thân ngóng chờ, rồi những sự kỳ vọng của thầy cô, lời hứa với đám bạn cùng nhau bước vào giảng đường đại học... Nó vừa là áp lực vừa là động lực.
Tôi tin các em 2000 sẽ vượt qua thành công kỳ thi này nếu trước đó các em đã có một nền tảng chuẩn bị thật kỹ càng. Đề thi sẽ không quá xa xôi mà chỉ quanh quẩn các kiến thức THPT, đặc biệt là năm cuối cấp và một số kiến thức nâng cao để phân luồng học sinh.
Chỉ cần các em tự tin 100% vào chính mình và hướng đến tương lai tươi sáng thì các em đã vượt qua chướng ngại vật đầu tiên".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận