Trung Quốc trước loạt cải cách "chưa từng có tiền lệ"Kế hoạch 383 được trông chờ ở Trung Quốc
Phóng to |
Nông dân Trung Quốc phá tường rào một khu đất đã quy hoạch làm khu thương mại ở tỉnh Chiết Giang để đi lại buôn bán rau củ cho dễ dàng. Vấn đề sở hữu đất đai được kỳ vọng sẽ “khai thông” ở hội nghị lần này - Ảnh: Reuters |
Năm 1978, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình dùng hội nghị trung ương 3 để tiến hành cải cách và mở cửa, bước ngoặt cho mấy thập niên tăng trưởng thần kỳ. Năm 1993, ông Giang Trạch Dân dùng hội nghị trung ương 3 để đẩy mạnh các cải cách thị trường, đưa ra học thuyết “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Và tới năm 2003, ông Hồ Cẩm Đào đưa ra tầm nhìn về giải quyết nền kinh tế phát triển thiếu cân bằng.
Không thể tránh khỏi
Quyết tâm cải cách trong hội nghị lần này được thể hiện rõ khi một loạt cơ quan ngôn luận chính thống của Trung Quốc liên tục đưa các bài về cải cách và gọi đây là việc “không thể tránh khỏi”.
Tân Hoa xã trong bài phân tích hôm 4-11 thừa nhận ba thập kỷ tăng trưởng nhanh của Trung Quốc đồng thời dẫn đến các “nhóm lợi ích” trong doanh nghiệp nhà nước độc quyền và chính quyền địa phương. Theo Tân Hoa xã, lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức rõ các nhóm này “gây tổn hại tới tăng trưởng lành mạnh, làm suy yếu tính chính danh của đảng lãnh đạo” và Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đưa ra các chính sách để “giảm quan liêu, xa hoa lãng phí và tham nhũng ở mức độ chưa từng có”.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết họ có khung rất ngắn trước khi quá muộn: dân số Trung Quốc đang chuyển hướng già, đà tăng trưởng dựa vào xuất khẩu gần đến bão hòa và đầu tư lãng phí (nhờ vay nợ) sẽ sớm làm đất nước phá sản.
Nợ công của các tập đoàn và các địa phương Trung Quốc giờ đều đã ở mức báo động. Nợ của các tỉnh ước tính khoảng 17.000 tỉ nhân dân tệ (2.800 tỉ USD), chiếm hơn 1/3 GDP. Tỉ lệ tín dụng so với GDP ở Trung Quốc cũng tăng từ 120% năm 2009 lên tới 180% khi nhiều cơ chế cho vay mới được tiến hành theo các gói cứu trợ mà Trung Quốc đưa ra sau khủng hoảng tài chính.
Mặc dù những cải cách đã xuất hiện lẻ tẻ ở nhiều nơi, các cải cách sâu rộng chưa được triển khai thành hệ thống. Bài viết của Tân Hoa xã kết thúc bằng kết luận mạnh mẽ: “Thực tế Trung Quốc không còn thời gian để trì hoãn các cải cách cấp thiết này. Nếu Đảng muốn tiếp tục giữ quyền lực và giành được tình cảm của người dân, giờ là lúc tiến hành những thay đổi này”.
Những vấn đề xã hội nóng
“Mũi tên cải cách đã sẵn sàng trên dây cung. Sẽ không có đường lùi nếu chúng ta từ chối cải cách” - ông Trì Phúc Lâm, chủ tịch Viện Nghiên cứu cải cách và phát triển (IRD) có trụ sở tại Hải Nam, nói trên Tân Hoa xã. Trong khi đó, ông Vương Thiên Kỳ, thị trưởng thành phố Túc Thiên, tỉnh Giang Tô, đúc kết: “Đòi hỏi của mỗi nhóm khác nhau, nhưng tựu trung đều muốn cải cách”.
Một phân tích khác trên Tân Hoa xã hôm 5-11 thừa nhận các vấn đề chính khiến dân chúng lo ngại hiện nay là tham nhũng, ô nhiễm và khoảng cách thu nhập ngày càng tăng. Một trong những nhu cầu lớn nhất của cải cách là sự công bằng hơn nữa với các doanh nghiệp. Tân Hoa xã trích lời Xie Lingquan, chủ tịch HĐQT một công ty thực phẩm tư, nói cả doanh nghiệp tư nhân và quốc doanh phải được đối xử công bằng trong sử dụng nguồn lực, cạnh tranh thị trường cũng như bảo vệ trước pháp luật.
Còn Sun Dawu, chủ tịch một tập đoàn về nông nghiệp, xử lý thực phẩm và giáo dục ở Bading, phía tây nam của Bắc Kinh, nói “vấn đề ở đây mang tính hệ thống - ý tưởng về sở hữu công. Chúng ta vẫn nghĩ sở hữu nhà nước là nền tảng của nền kinh tế. Chúng ta cần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp”.
Cho đến nay các ngân hàng nhà nước, các tập đoàn dầu khí và tập đoàn thép đang bị phê phán làm thất thoát nguồn lực của nền kinh tế, ngốn hàng tỉ USD trợ cấp mỗi năm.
Nhà báo Hoàng Sơn, biên tập viên chính trị tờ Tài Tân, phân tích: “Cải cách doanh nghiệp nhà nước là điều bắt buộc, cần thiết lập một sân chơi công bằng cho doanh nghiệp nhà nước và khối tư nhân. Tôi cũng kỳ vọng các thay đổi về chính sách tài khóa và thuế, giải quyết sự bất bình đẳng giữa trách nhiệm của chính quyền địa phương với phần chia từ nguồn thu thuế của họ. Hiện giờ phần lớn nguồn thu được đưa về trung ương, trong khi chính quyền địa phương phải chịu vô số trách nhiệm về cung cấp các dịch vụ công cho lực lượng trung lưu ngày càng tăng”. Theo ông, đây là nguyên nhân xảy ra tình trạng cướp đất thường xuyên của chính quyền địa phương vì “đây là cách duy nhất để họ có tiền”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận