01/04/2011 08:33 GMT+7

Mức độ hài lòng của người dân với chính quyền: TP.HCM đứng đầu bảng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 31-3, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), MTTQ VN và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN) đã tổ chức họp báo công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN năm 2010.

Read this on Tuoitrenews.vn

LPqzsxnF.jpgPhóng to
Mức độ hài lòng của người dân TP.HCM về hiệu quả quản lý của chính quyền cao nhất trong các địa phương được khảo sát. Trong ảnh: người dân đi khai thuế đất tại Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh Ảnh: t.đạm

Điểm số trung bình của mỗi địa phương được tính trên cơ sở mức độ hài lòng của người dân đối với gần 40 nội dung ở sáu lĩnh vực trong quan hệ với chính quyền, gồm: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; mức độ công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

Kết quả chấm điểm tổng thể sáu lĩnh vực trên cho thấy TP.HCM là địa phương đứng đầu bảng về mức độ hài lòng của người dân về hiệu quả quản lý của chính quyền, tiếp đến là Hà Tĩnh, Bình Định, Đà Nẵng, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế. Các tỉnh nằm ở cuối bảng gồm có Kiên Giang, Cao Bằng, Đắk Lắk, Điện Biên, Yên Bái, Lạng Sơn, Lai Châu, Kon Tum. Thủ đô Hà Nội nằm ở nhóm trung bình.

Tuy vậy, điểm số ở nội dung trách nhiệm giải trình với người dân thì Hà Nội chỉ đạt 4,9 điểm, đứng thứ 26/30 tỉnh thành; Hà Tĩnh dẫn đầu lĩnh vực này với 6,4 điểm, tiếp đến là Hải Dương và TP.HCM cùng được 6,1 điểm.

“Việc xếp hạng các địa phương không phải là mục đích lớn nhất của nghiên cứu này, mà thông qua từng lĩnh vực, chúng tôi muốn cung cấp cho chính quyền các địa phương để họ nắm rõ mức độ hài lòng của người dân ở từng lĩnh vực cụ thể” - TS Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, trưởng ban tư vấn nghiên cứu, cho biết.

Theo ông Phúc, cách đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công đã được nhiều nước áp dụng giúp các nhà quản trị, nhà hoạch định chính sách, cấp lãnh đạo nhìn vào đấy mà điều chỉnh chính sách, điều chỉnh cách thức tổ chức thực hiện để làm hài lòng người dân.

Theo PGS-TS Đặng Ngọc Dinh - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, những người thực hiện nghiên cứu này không đưa ra bất cứ bình luận hoặc khuyến nghị nào đối với chính quyền bởi “bản thân các con số đã biết nói”.

Chẳng hạn, việc 90% người được hỏi nói rằng họ sẵn sàng chi số tiền dưới 100.000 đồng lót tay cho một việc gì đó mà không tố cáo tham nhũng; hoặc tám vị trí dẫn đầu trên thang điểm về kiểm soát tham nhũng đều là các tỉnh thành phía Nam; hoặc 71% số người ở Đà Nẵng được hỏi cho biết họ biết có pháp lệnh dân chủ cơ sở, còn Hà Nội chỉ có 16% người biết có pháp lệnh này...

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên