![]() |
Thành Long trong Vua kungfu |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Quan niệm của khán giả hâm mộ điện ảnh về phim "bom tấn" thay đổi qua thời gian. Hiện tại, khán giả coi "bom tấn" là những bộ phim có chi phí lớn, nhiều hiệu quả hình ảnh đặc biệt, mục đích giải trí đơn thuần và khiến công chúng đặc biệt quan tâm.
"Bom tấn" của nhà sản xuất
Thông thường, một bộ phim có chi phí cỡ 100 triệu USD đã được coi là “bom tấn”. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, những quả “bom tấn” ngày càng phình ra về kinh phí khi Hollywood có xu hướng ngày càng chịu chi.
Năm 1997, ngành điện ảnh thế giới bàng hoàng trước con số 200 triệu USD của bộ phim Titanic. Những khoản đầu tư qui mô như vậy hiện tại rất nhiều. Xu hướng này trở nên đặc biệt phổ biến trong năm 2007, đến nỗi khi làm phim Transformers (Người máy biến hình), đạo diễn Michael Bay đã tự hào rằng mình làm ra được một siêu phẩm với giá rẻ, “chỉ” 151 triệu USD.
Đồng thời để tạo sự chú ý đối với khán giả, các hãng sản xuất đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD tiền quảng bá phim. Những chiến dịch marketing dữ dội và khôn khéo trên các phương tiện truyền thông, Internet... càng khiến những bộ phim có sự góp mặt của các siêu sao và đạo diễn tài năng trở nên đình đám, tạo ra làn sóng chờ đợi, háo hức, tò mò cho khán giả thế giới.
Mùa hè 2008, Hollywood sẽ lại trình làng hàng loạt “quả bom tấn” như Người sắt, Speed racer (Tay đua tốc độ), The chronicles of Narnia: Prince Caspian (Biên niên sử vùng đất Narnia: hoàng tử Caspian), Indiana Jones and the kingdom of the crystal skull (Indiana Jones và vương quốc đầu lâu pha lê), Hancock (Siêu anh hùng bệ rạc), The incredible hulk (Gã khổng lồ xanh siêu phàm), Dark knight (Hiệp sĩ bóng đêm)...
Người sắt đã có sự cải thiện đáng kể về mặt chất lượng nghệ thuật so với các “bom tấn” cũ khi được giới phê bình lẫn khán giả không ngớt khen ngợi nhờ xây dựng một nhân vật siêu anh hùng đầy nhân tính. Chicago Sun-Times gọi Người sắt là “một trong những phim siêu anh hùng thông minh nhất”, Boston Globe ca ngợi là “không thể cưỡng lại”. Tuy nhiên, vẫn phải chờ đến hết hè để xem liệu những “bom tấn” còn lại của Hollywood có đi vào con đường cũ của hai năm trước. <?xml:namespace prefix = o />
“Bom xịt” của người thưởng thức
Khi xem xét chất lượng nghệ thuật các bộ phim "bom tấn", người ta không so sánh chúng với những tác phẩm sâu sắc đoạt giải Oscar. Tuy nhiên, vẫn có những tiêu chuẩn nhất định về đạo diễn, kịch bản, diễn xuất để đánh giá. Ví dụ Người nhện 2 được xem là một đỉnh cao của dòng phim siêu anh hùng khi khắc họa thành công người nhện, cũng như nhân vật phản diện Doctor Octopus (tiến sĩ bạch tuộc) với những xung đột nội tâm phức tạp. Khác với phần 3, hai phần đầu Người đột biến được đánh giá là sâu sắc với những nhân vật đa chiều. Cả giới phê bình và khán giả cũng đều rất thích kịch bản sắc gọn, lời thoại thông minh và diễn xuất xuất thần của các nhân vật chính trong những phim hành động đơn thuần như Casino Royale (Sòng bạc hoàng gia) hay chùm phim Bourne (Sát thủ mất trí)... |
Tiền đầu tư lớn luôn là yếu tố đảm bảo cho thành công thương mại của nhiều bộ phim “bom tấn”. Tuy nhiên, doanh thu cao không có nghĩa là những bộ phim này có chất lượng nghệ thuật tương xứng do quá tập trung vào kỹ xảo để câu khách mà coi nhẹ nội dung. Tiêu biểu như phần 3 của Người nhện (258 triệu USD), Cướp biển vùng <?xml:namespace prefix = st1 />Caribbean(300 triệu USD)và Shrek (160 triệu USD) đều bị đánh giá kém hơn những phần trước đó dù được đầu tư lớn hơn.
Người nhện 3 bị nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert gọi là “đống hỗn độn” với quá nhiều kẻ xấu thiếu thuyết phục, quá nhiều chi tiết thừa thãi và vô lý. Cướp biển 3 thì có nội dung quá lằng nhằng trong khi Shrek 3 bị phê là “chẳng chạm được vào trái tim” như hai phần trước đó. Tương tự, Người đột biến 3 và Người máy biến hình cũng bị các nhà phê bình đánh giá là chỉ đem kỹ xảo ra lòe khán giả.
Trước hè 2008, hai bộ phim nổi đình nổi đám cũng được đánh giá là “bom tấn” có chi phí cao là Jumper và 10.000 BC (10.000 năm trước Công nguyên) đã gây thất vọng khi vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ giới phê bình và khán giả, đồng thời không đạt được doanh thu cao như mong đợi.
Người hâm mộ những bộ phim giả tưởng đã rất hi vọng ở Jumper bởi đó là tác phẩm của đạo diễn tài năng Doug Liman, rất nổi tiếng với hai siêu phẩm hành động The Bourne Identity (Sát thủ mất trí) và Mr. and Mrs. Smith (Ông bà Smith). Tuy nhiên, các nhà phê bình báo New York Times và Rolling Stone gọi Jumper là “một mớ hỗn độn”, còn New York Post phán là “ngớ ngẩn” và “rời rạc”.
10.000 BC với kinh phí lên đến 105 triệu USD, thậm chí còn gây thất vọng hơn dù trước đó được coi là “một trong những phim được trông đợi nhất năm 2008”. Đứng đằng sau 10.000 BC là chuyên gia đạo diễn phim bom tấn Roland Emmerich, người từng thành công rực rỡ với The Independence Day (Ngày độc lập) và The day after tomorrow (Ngày kinh hoàng).
Thế nhưng khi ra mắt, trang web điện ảnh E! Online đã gọi nó là “một thất bại ở mọi cấp độ”, các nhà phê bình khác cũng dùng những từ ngữ “ngớ ngẩn”, “chán ngắt” để miêu tả 10.000 BC. Nội dung của bộ phim nhại lại hoàn toàn tác phẩm Apocalypto nổi tiếng của đạo diễn Mel Gibson, nhưng lại không có được sự dữ dội của Apocalypto. Thay vào đó, trong 10.000 BC, đạo diễn Emmerich chỉ câu khách bằng “mánh” cũ là những kỹ xảo vi tính hoành tráng.
------------
Khán giả VN và phim "bom tấn"
![]() |
Khán giả VN nô nức đi xem các “siêu phẩm” nước ngoài - Ảnh: GIA TIẾN |
Chị Kim Thanh, phóng viên Đài phát thanh TP.HCM, hài hước khi nói rằng kịch bản của các phim đó chắc chừng... một trang giấy A4 bởi nội dung, ý tứ cho phim quá sơ sài, tầm thường. "Cái khán giả được xem là kỹ xảo trong việc tạo hình tượng, tái hiện những khung cảnh xưa, các pha đá đấm, rượt đuổi "xạo ngoài sức tưởng tượng" và các cảnh quay thắng cảnh đẹp trên thế giới. Còn diễn xuất của diễn viên thì đã khô cứng bởi "số hóa". Những cái đó không còn là điện ảnh chính thống, nơi diễn xuất phải được ưu tiên hàng đầu và một câu chuyện ngập tràn cảm xúc" - JB Trung, một fan điện ảnh, nói trong "đau đớn".
Tuy nhiên, lượng khách đến rạp so với cùng kỳ năm ngoái tăng đến 40%. "Sau tết là thời gian khó khăn của các rạp. Nhưng năm nay khó khăn đó không còn dù chất lượng phim bom tấn chưa hẳn hơn những năm trước" - rạp Galaxy cho biết. Các chủ rạp nhận định kết quả này phần lớn nhờ vào các đơn vị phát hành đã rất nhanh nhạy trong việc nhập phim mới, sao cho ngang bằng với thời điểm phát hành tại các nước lớn.
Việc tiếp thị phim được thực hiện đồng bộ với thị trường thế giới cũng tạo hiệu quả tốt. Không chốn dung thân (No country for old men) hay Thống lĩnh (The warlords) là những ví dụ. Ngay khi hai phim này đoạt các giải quan trọng (Oscar và Kim Tượng 2008), phim lập tức được tung ra rạp tại VN. Hơn nữa, thói quen đến rạp xem phim đã được hình thành nơi người dân thành thị, đặc biệt là giới trẻ. Rạp chiếu phim đã trở thành "điểm đến số 1" vào các dịp cuối tuần hay lễ lạt.
"Đơn giản vì mua vé xem phim không quá khó và đắt như vé xem ca nhạc, kịch. Chẳng cần mua trước cả tuần, giá ổn định và không bị nạn vé chợ đen", nhóm bạn Tú - Xuân - Cương - Thảo chọn xem Vua kungfu vào tối 1-5 tại Megastar cho biết. Tuy nhiên, cả nhóm đều nhận định Vua kungfu không hay hơn Huyền thoại (cũng của Thành Long) trước đó. Và các phim được chọn chiếu tại VN dạo gần đây (cả phim Mỹ lẫn Trung Quốc, Hàn Quốc) đều có nội dung na ná nhau (có phải vì thấy "ăn" nên các rạp cứ nhập những phim với "e" như thế?).
Blog Đoàn Dự: 10.000 BC công chiếu hôm nay tại hệ thống rạp Megastar, bà con ùn ùn kéo nhau tới rạp, Đoàn Dự cũng đu theo thiên hạ vào xem. Rất ấn tượng với trailer phim này hồi cách nay gần một năm, định bụng hễ nó ra rạp là phải đi xem. Nhưng hóa ra phim lại chẳng hay lắm, coi một hồi thì thấy sao giông giống phim Apocalypto cách nay hai năm của Mel Gibson. Cũng bộ lạc, cũng bắt bớ nô lệ, cũng anh hùng đứng lên từ bi thương đi cứu người đẹp, gia đình và bộ tộc. Nhưng Apocalypto lại có phần ấn tượng hơn... Ừ thì 10.000 BC cũng hoành tráng, nhiều cảnh đã mắt. Nhất là cái cảnh săn đàn voi ma mút và cảnh hàng ngàn nô lệ nổi dậy ở công trường xây kim tự tháp. Nhưng từng đó xem ra cũng không cứu vãn nổi nội dung nhạt như nước ốc. Hèn chi phim này chiếu ở Bắc Mỹ gần tháng nay rồi mà thu về chưa tới 90 triệu USD, dù được coi là phim "bom tấn"... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận