22/03/2011 07:05 GMT+7

Mưa lớn ở Tây nguyên

T.PHÙNG
T.PHÙNG

TT - Chiều 21-3, trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum xuất hiện mưa rất lớn và kèm gió lốc. Tại các huyện Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà (Kon Tum) mưa lớn kéo dài hàng giờ, có nơi lượng mưa đo được gần 15mm.

tGXJtXuT.jpgPhóng to
Gió lốc hất tung cửa sắt, mái tôn nhà chị Trần Thị Hoa (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) - Ảnh: Quang Văn

Đây là trận mưa lớn nhất suốt gần sáu tháng kể từ đầu mùa khô đến nay, người nông dân chuyên trồng cây cà phê, cao su cho rằng đây là trận mưa ra... vàng. Họ tiết kiệm được hàng chục tỉ đồng từ việc mua nhiên liệu xăng dầu để tưới và cung cấp được lượng nước đáng kể cho các công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh và giảm được nguy cơ cháy rừng.

Vừa thoát khỏi đợt rét đậm rét hại được ba ngày, từ hôm nay (22-3) bộ phận không khí lạnh từ phía bắc tràn về làm các tỉnh miền Bắc nước ta chuyển rét.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh, hôm nay Bắc bộ có mưa, mưa rào và dông rải rác. Do nhiệt độ ở miền Bắc đang khá cao và nhiều độ ẩm nên khi không khí lạnh tràn về các tỉnh miền núi phía bắc, đông bắc có khả năng xuất hiện tố lốc và gió giật mạnh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định nhiều khả năng đến ngày 24-3 sẽ có thêm một đợt không khí lạnh tăng cường nữa tràn về miền Bắc nước ta nên trời sẽ rét cả tuần.

Tuy nhiên, cơn mưa có kèm gió lốc xoáy mạnh đã khiến nhiều nhà dân ở xã Tân Lập và Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy bị tốc mái. Tại thôn 1, xã Tân Lập gió lốc làm tốc mái tám nhà dân, trong đó có một mái nhà trạm thủy văn Tân Lập (Trung tâm Khí tượng thủy văn Kon Tum).

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, ở thôn 1, ôm con nhỏ mếu máo: “Toàn bộ mái tôn chái bếp và mái tôn nửa ngôi nhà trước của gia đình bị gió lốc cuốn xa 20m, may được bà con hàng xóm thu nhặt lại”.

Còn chị Trần Thị Hoa kể: “Tôi vừa ra khỏi nhà thì gió lốc hất tung cả cửa sắt, tủ và mái tôn vắt lên ngọn cây xoài sau nhà”.

Tại thôn 9, xã Đăk Ruồng, gió lốc tốc mái một nhà dân và một nhà công vụ giáo viên Trường THCS xã Đăk Ruồng. Nhà trường tạm cho các em nghỉ học buổi chiều và phơi sách vở bị ướt.

* Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, độ mặn trên các sông Đông - Tây Nam bộ tiếp tục gia tăng so với những ngày đầu tháng 3.

Cụ thể tại Vàm Kênh (Tiền Giang) độ mặn cao nhất đạt 23,8g/lít (tăng 0,9g/lít so với những ngày đầu tháng 3), tại trạm Hòa Bình độ mặn tăng từ 9,2g/lít lên 11,1g/lít.

Các trạm quan trắc của tỉnh Bến Tre như Bình Đại, Bến Trại, An Thuận cho thấy độ mặn tiếp tục tăng thêm 0,8-3,9g/lít.

Đặc biệt trên sông Sài Gòn, độ mặn 8g/lít đã “tấn công” tới trạm Phú An, tại điểm lấy nước thô của trạm bơm Hòa Phú (huyện Củ Chi) độ mặn cao nhất lên 0,31g/lít (vượt tiêu chuẩn quy định 0,06g/lít). Với độ mặn này, Nhà máy nước Tân Hiệp có lúc phải ngưng lấy nước 1-2 giờ.

Theo giám đốc Võ Quang Triết, hiện Nhà máy nước Tân Hiệp có đến ba bể chứa với dung tích hơn 100.000m3. Vì vậy vẫn có thể phát nước 4-5 giờ mà không cần lấy nước từ sông Sài Gòn (thời điểm độ mặn lên cao vượt tiêu chuẩn). Công ty thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết vẫn tiếp tục xả nước đẩy mặn cho sông Sài Gòn đến ngày 24-3. Lưu lượng xả sẽ giảm dần từ 100m3/giây xuống còn 80 và 60m3/giây trong những ngày tới khi độ mặn giảm.

Trong khi đó, độ mặn trên sông Đồng Nai (khu vực lấy nước của Nhà máy nước BOO Thủ Đức - chiếm hơn 2/3 công suất cấp nước toàn TP.HCM) còn ở mức thấp nên không ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch.

T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên