Triển lãm Ảnh xạ diễn ra từ ngày 7 tới hết ngày 15-11 tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Triển lãm gồm hơn 40 tranh vẽ giấy dó và tượng khắc gỗ, được họa sĩ sáng tác trong các mốc năm 2002, 2022, 2023.
Triển lãm Ảnh xạ đã bắt đầu gần 20 năm trước
Trong hơn 40 tác phẩm trưng bày lần này, đáng chú ý là bộ tranh năm bức thời 2002.
Lúc đó, Internet bắt đầu phát triển, cũng là thời điểm Trang Thanh Hiền phải lựa chọn giữa sáng tác hay nghiên cứu. Dù lúc đó họa sĩ vẽ khá nhiều nhưng chị đã chọn dừng lại, hoặc chỉ vẽ vào những lúc rảnh.
Một thời gian dài tập trung nghiên cứu mỹ thuật cổ, Trang Thanh Hiền cũng "quên bẵng" những bức vẽ của một thời tuổi trẻ đó. Cho tới năm ngoái, trong một lần dọn dẹp nhà cửa, chị vô tình "gặp lại".
"Chúng đã gây nên một niềm xúc động lẫn ngạc nhiên thật lớn, thôi thúc tôi vẽ trở lại", họa sĩ nói.
Để rồi 12 bức tranh ra đời trong năm 2022, 18 bức ra đời trong năm nay. Ảnh xạ không chỉ đánh dấu điểm giao những chặng đường sáng tác, mà còn biểu đạt tâm hồn của người nghệ sĩ "sắc nét hơn, đa chiều và nhiều suy ngẫm hơn" như chị tự bạch.
Về tên triển lãm, Trang Thanh Hiền kể, Ảnh xạ đến với chị hết sức ngẫu nhiên trong sự tìm kiếm, suy ngẫm về sự sáng tạo của bản thân.
Tâm hồn người họa sĩ như mặt nước hồ, phản chiếu vô vàn khoảnh khắc của cuộc sống. Tác phẩm hội họa chính là sự khúc xạ trở lại những giá trị sống đó.
Trong tranh có núi sông, gió mưa, sen nở sen tàn
Triển lãm Ảnh xạ giống như một cuộc đối thoại nội tâm của họa sĩ Trang Thanh Hiền.
So với thời Đáy sóng đầy hoài nghi vô định với hai gam màu đen - trắng đối lập, run rẩy, mờ nhòe và những "đường nét mạch lạc cả khi rối như tơ vò nhất" (theo nhà phê bình Nguyễn Quân), Ảnh xạ nồng ấm và hoan ca hơn với bảng màu đa dạng, phóng bút tung tẩy, khoáng đạt.
Ở đó, gặp nhiều đôi môi và những chiếc hôn của tình yêu. Như chị viết: "Nhiều chiếc hôn vào buổi sáng mùa thu/đặt dấu môi hồng lên gương mặt".
Tranh có màu đỏ của môi, của phù sa, của hoa đang thắm; có màu xanh của núi non; có dông bão vần vũ, gió mưa và những hạt nắng của tình yêu… Còn có sen khi nở khi tàn, bay bay, rụng rơi rồi tái sinh vào kiếp khác.
Tất cả mọi thứ xung quanh tác động vào nội tâm nhưng Phật - hình tượng trung tâm lại tĩnh. Trang Thanh Hiền nói, trong tranh của chị, dáng ngồi của vị chư Phật là một ý niệm hiện hữu của thế giới tinh thần một cách trung trinh, ôm trọn vào đó các giá trị.
Có những bộ tranh, thoạt nhìn các bức giống nhau nhưng không phải. Nhờ vận dụng kỹ thuật khắc gỗ, hình và ảnh biến tấu thi vị, mới mẻ, diễn tả sự thay đổi bên trong lẫn bên ngoài. Nói một cách khác, Trang Thanh Hiền muốn đi "tới bến" trong lần "nhập cuộc" này.
Một số tác phẩm khác trong triển lãm Ảnh xạ:
PGS.TS Trang Thanh Hiền là tác giả của các công trình nghiên cứu được in thành sách: Hình tượng quan âm Thiên thủ thiên nhãn ở Việt Nam, Cửu phẩm liên hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam (giải Sách hay, sách đẹp của Hội Xuất bản Việt Nam), Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt (giải ba của Hội Mỹ thuật Việt Nam)… Chị cũng là đồng dịch giả cuốn Nghệ thuật An Nam của Louis Bezacier.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận