20/04/2011 06:56 GMT+7

Mưa đầu mùa đã khổ vì ngập

QUANG KHẢI - N.ẨN
QUANG KHẢI - N.ẨN

TT - Cơn mưa to kéo dài ở TP.HCM chiều tối 18 rạng sáng 19-4 với lượng mưa cực lớn, có nơi đến 126mm đã gây ngập nặng nhiều khu vực. Nước ngập bất ngờ trong đêm làm xáo trộn nghiêm trọng cuộc sống người dân, giao thông bị đình trệ, trường học phải đóng cửa...

Hệ thống thoát nước tắc nghẽn là nguyên nhân chính gây ra cơn “hồng thủy” bất ngờ này.

Read this on Tuoitrenews.vn

orB9UBcy.jpgPhóng to
Đến 11g ngày 19-4 - tức nhiều giờ sau khi cơn mưa kết thúc, đường Phạm Vấn (quận Tân Phú, TP.HCM) vẫn còn ngập sâu như thế này - Ảnh: Q.Khải
Video clip "Một cơn mưa, 12 giờ ngập nước" - Nguồn: TVO
Xem video do nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ thực hiện

Mặc dù cơn mưa đã dứt từ 2g nhưng đến 8g sáng 19-4, đường Lê Thúc Hoạch, Q.Tân Phú còn mênh mông nước, có đoạn nước ngập đến yên xe khiến các chủ phương tiện không còn cách nào khác phải dắt bộ. Toàn bộ hoạt động, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân hai bên đường hầu như ngưng trệ.

Ngập lớn nhất trong 14 năm

Bạn đọc Nguyễn Thị Thủy, chủ cửa hàng tạp hóa 203 Lê Thúc Hoạch, cho biết đã về đây sống hơn 14 năm nhưng chưa lần nào bị ngập khủng khiếp đến vậy. “Trước đây mưa to lắm, nước chỉ tràn lên đến thềm nhà. Vậy mà đêm qua nước ngập thêm gần 30cm. Cả nhà hì hục cả đêm muốn cụp cả lưng nhưng vẫn không kê dọn hết hàng hóa. Hàng chục bao gạo, thùng mì tôm vẫn ngập trong nước. Sáng ra ngoài đường vẫn còn mênh mông nước không thể đi lại được nên con tôi phải nghỉ việc” - bà Thủy than thở.

Cách đó không xa, anh Huỳnh Văn Phước chỉ đạo nhóm thợ gom những thùng loa làm bằng gỗ ép nằm rệu rã ở một góc nhà do nước ngập từ tối hôm trước. Anh Phước cho biết đây là mặt hàng mà anh thuê thợ kỳ công nhiều ngày thực hiện để chuẩn bị giao cho đối tác. Nhưng chỉ trong một đêm mưa, những thùng loa của anh biến thành những tấm gỗ mục.

Nhiều bạn đọc tại các con hẻm dọc đường Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận cũng cho rằng chưa lần nào bị ngập nặng như vậy dù tuyến đường này mới được cải tạo hệ thống cống thoát nước cách đây không lâu. Bạn đọc Nguyễn Thị Hiển, người dân hẻm 373, cho biết mưa chưa kịp dứt thì nước cống bốc mùi hôi chảy ào vào nhà.

i3ZmZD0I.jpgPhóng to
Một hộ dân trên đường Phạm Vấn, Q.Tân Phú cõng một bà cụ ra khỏi khu vực ngập nước - Ảnh: Q.Khải

Trường học phải đóng cửa

Không chỉ những hộ dân mà học sinh, thầy cô giáo cũng là nạn nhân của trận ngập đêm 18 rạng sáng 19-4. Cô Nguyễn Thị Hiếu Hạnh, phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú), cho biết toàn bộ khu hành chính và sáu phòng học của khối lớp 11 và 12 bị ngập sâu đến 50cm. “Giờ tôi chưa biết phải xử lý thế nào khi hàng loạt hồ sơ nghề, giấy tờ như các thiết bị văn phòng của nhà trường bị nước ngập làm hư hỏng. Tạm thời chúng tôi cho khoảng 3.000 học sinh nghỉ học trong ngày 19-4 vì nước vẫn còn ngập quá sâu” - cô Hạnh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quynh - hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải 3 (Bộ Giao thông vận tải) - cho biết nước đã ngập vào bảy phòng vi tính (mỗi phòng có 30 máy) làm hỏng toàn bộ CPU. Nước cũng đã ngập vào các xưởng cho sinh viên thực hành như xưởng cơ điện, xưởng động lực, trong đó có nhiều thiết bị dạy học điện tử gây thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng, khiến 1.000 sinh viên phải nghỉ học buổi sáng.

Bị chặn dòng thoát nước

Đòi bồi thường

Ông Nguyễn Văn Quynh, hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải 3, cho biết sẽ khiếu nại và yêu cầu chủ đầu tư các dự án làm ách tắc dòng chảy phải bồi thường thiệt hại vì để xảy ra ngập nước gây thiệt hại cho trường.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, lượng mưa đêm 18 rạng sáng 19-4 cực lớn nhưng không đều giữa các quận. Cụ thể như ở Thủ Đức mưa chỉ 36mm nhưng tại khu vực trung tâm (trạm Mạc Đĩnh Chi) mưa đến 120mm, Nhà Bè mưa 118mm. Lượng mưa đo được cao nhất là 126mm tại trạm Tân Sơn Hòa (khu vực Tân Bình - Tân Phú).

Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, trận mưa trên đã gây ngập 41 điểm, nhiều nhất là ở khu vực Q.Tân Phú. Trớ trêu là tình trạng ngập nặng, kéo dài này không chỉ do hệ thống thoát nước quá tải mà còn do việc chặn dòng để thi công của các công trình thoát nước.

Tại khu vực đường Nguyễn Kiệm, hệ thống cống thoát nước của dự án vệ sinh môi trường TP vẫn chưa thông thoáng (do chưa đập các vách ngăn dưới cống chính). Vì vậy, khi mưa nước tại các tuyến hẻm nhánh không thoát kịp ra cống chính mà trào ngược lên đường gây ra ngập. Theo người dân, tình trạng ngập kéo dài tại hàng loạt tuyến đường như Văn Cao, Phạm Văn Xảo, Lê Thúc Hoạch, Tân Hương (Q.Tân Phú) là do công trình lắp đặt cống hộp trên đường Kênh Nước Đen (Q.Bình Tân) do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP thi công làm thu hẹp dòng chảy.

Tuy nhiên, ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, cho rằng công trình do trung tâm thi công có hệ thống dẫn dòng nhưng do lượng mưa quá lớn, vượt xa thiết kế cống nên nước không thoát kịp. Ngay sau khi phát hiện tình trạng nước ngập, trung tâm đã cho khai thông đường thoát nước từ đêm 18-4.

Tuy nhiên khi nước ngập thoát qua khu vực trên đổ xuống kênh Tham Lương - Bến Cát thì ứ lại do dự án thoát nước Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) chặn dòng. “Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công khai thông thì nước tại địa bàn Q.Tân Phú mới chịu rút hết” - ông Long cho biết.

Còn 64 điểm tắc nghẽn

Chỉ có hai khu vực bị chặn dòng nhưng đã gây ra tình trạng ngập nước khủng khiếp như trên, vậy mà theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, hiện có đến 64 điểm xâm hại gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước quả là một thực trạng đáng lo ngại khi mùa mưa đang đến gần.

Trong đó, đứng đầu sổ là dự án vệ sinh môi trường (25 vị trí: các tuyến đường như Nguyễn Kiệm, Phan Đình Phùng, Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Định...), kế đến là dự án nâng cấp đô thị thuộc Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị UBND TP (21 vị trí ở các tuyến đường Lũy Bán Bích, Âu Cơ, Ba Vân...), dự án đại lộ Đông - Tây...

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết do không đủ thẩm quyền xử lý nên đã nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vị trí thoát nước bị xâm hại. UBND TP cũng nhiều lần có văn bản chỉ đạo xử lý nhưng đến nay nhiều đơn vị xâm hại hệ thống thoát nước vẫn phớt lờ chỉ đạo của UBND TP. Chẳng có ai bị quy trách nhiệm trước sự tổn hại do ngập nước mà người dân đang gánh chịu.

fcCIKbJJ.jpgPhóng to
Sân Trường THPT Trần Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM đến chiều 19-4 vẫn còn ngập sâu trong biển nước - Ảnh: Minh Đức

Hệ thống cống lạc hậu

Theo thạc sĩ Hồ Long Phi - bộ môn kỹ thuật tài nguyên nước Đại học Bách khoa TP.HCM, thiết kế của hệ thống cống thoát nước hiện nay chỉ đáp ứng được khả năng thoát nước tối đa khi có lượng mưa từ 80-85mm. Trong khi đó, cơn mưa đầu mùa đêm 18 rạng sáng 19-4 đến 120mm nên hệ thống cống trở lên lạc hậu so với thực tế, cộng với việc các công trình xâm hại hệ thống thoát nước làm tình trạng ngập trầm trọng kéo dài thêm.

QUANG KHẢI - N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: TPHCM múa ngập