![]() |
Vụ Đức mua CD đã gây căng thẳng trong quan hệ Đức - Thụy Sĩ. Trong ảnh là một apphich “truy nã” Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble “vì tội cướp ngân hàng và chứa chấp hàng ăn cắp” dán bên ngoài một tòa nhà ở Zurich - Ảnh: AP |
Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble tuyên bố chính quyền đã đồng ý mua lại CD chứa tên tuổi của 1.500 người Đức trốn thuế bằng cách gửi tiền vào các ngân hàng Thụy Sĩ từ một người đưa tin giấu tên. Nhiều nguồn tin cho biết nhân vật này đã chủ động liên hệ với các quan chức thuế Đức hồi tháng trước ở bang North Rhine-Westphalia và ra giá 3,5 triệu USD.
Nếu có trong tay CD này, chính quyền Đức có thể truy tố 1.500 nghi can trốn thuế và thu hồi tới 140 triệu USD tiền trốn thuế. Tuy nhiên, chính quyền Thụy Sĩ cho biết người bán CD này đã ăn cắp thông tin mật từ các ngân hàng Thụy Sĩ. Một câu hỏi mà dư luận Đức và phía Thụy Sĩ đang đặt ra là: liệu chính quyền Đức có nên trả tiền cho người này hay không, bởi việc mua thông tin này giống như “tưởng thưởng cho hành vi phạm pháp?”.
Hai năm trước, Berlin cũng chấp nhận chi 6,3 triệu USD để mua lại dữ liệu bị đánh cắp từ ngân hàng, nhờ đó đã có thể truy tố hàng trăm thành viên của Tập đoàn ngân hàng LGT trốn thuế bằng cách gửi tiền vào các ngân hàng ở Liechtenstein. Đến cuối năm ngoái, Đức đã thu hồi được 250 triệu USD tiền trốn thuế của các cá nhân này. Thủ tướng Merkel khẳng định trong trường hợp này, mục đích có thể biện minh cho phương tiện. Cũng bằng cách tương tự, trong năm qua Pháp đã thu hồi được khoảng 960 triệu USD của 3.500 người trốn thuế từ Thụy Sĩ. |
Nghị sĩ Siegfried Kauder, chủ tịch Ủy ban Luật pháp Quốc hội Đức, kêu gọi Thủ tướng Angela Merkel không nên cho phép cơ quan thuế mua CD này và cho biết tòa án có thể không chấp nhận dữ liệu này bởi nó được thu thập một cách bất hợp pháp. Các quan chức khác cho rằng chính quyền sẽ đưa ra một thông điệp sai lầm nếu chấp nhận thỏa thuận trên.
“Theo luật pháp Đức, nhà nước thu thuế của dân một cách bình đẳng, nhưng nhà nước không được phép thỏa thuận với tội phạm - giáo sư luật Moris Lehner thuộc ĐH Ludwig Maximilan ở Munich khẳng định - Dữ liệu đó được thu thập một cách bất hợp pháp”. Còn chuyên gia về dữ liệu Peter Schaar cảnh báo thỏa thuận trên có thể “khuyến khích người khác bán dữ liệu mật, dẫn đến một thị trường chợ đen buôn bán dữ liệu cá nhân”.
Đương nhiên phía Thụy Sĩ đã kịch liệt phản đối tuyên bố của Bộ trưởng Schäuble. “Chúng ta đang chứng kiến một kiểu cướp ngân hàng mới - nghị sĩ Thụy Sĩ Pirmin Bischof chỉ trích - Trước đây, bọn tội phạm mang súng đến cướp ngân hàng, còn hiện nay chúng cướp bằng cách trộm dữ liệu điện tử”. Những người khác cáo buộc Đức là “mua hàng hóa ăn cắp”. Bộ Tài chính Thụy Sĩ cảnh báo sẽ không hỗ trợ Đức trong cuộc điều tra dựa trên dữ liệu bị đánh cắp.
Tuy nhiên, bất chấp các phản ứng đó, rất nhiều người dân Đức lại ủng hộ quan điểm của chính quyền. Trốn thuế là một đại dịch ở Đức và tệ nạn này khiến nhà nước tổn thất hơn 40 tỉ USD/năm. Các đảng đối lập ở Đức cũng ủng hộ việc mua CD nếu hành động đó giúp vạch mặt những kẻ nhà giàu trốn thuế. “Sẽ là một xìcăngđan lớn nếu chính quyền không tìm cách xử lý những kẻ trốn thuế hàng trăm triệu USD, trong khi lại săm soi phạt hết thảy tài xế nào đỗ sai vị trí quy định” - chính trị gia Sigmar Gabriel, chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội, khẳng định.
Công đoàn cảnh sát Đức cũng cho rằng trong trường hợp này, cần phải gạt sang một bên các quan ngại về đạo đức. “Cảnh sát làm việc với tội phạm hằng ngày - ông Konrad Freiberg, chủ tịch công đoàn cảnh sát, nói - Chúng tôi có những tay trong được trả tiền để phá các băng nhóm ma túy và tội phạm. Tương tự là chuyện trốn thuế, chúng ta sẽ không bao giờ tóm được những kẻ trốn thuế nếu không làm như vậy”. Mới đây, Bộ trưởng Schäuble kêu gọi những người trốn thuế hãy ra đầu thú trước khi bị cảnh sát sờ gáy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận