03/11/2014 14:45 GMT+7

​Một vụ kiện qua ba thẩm phán chưa xử xong

TẤN ÐỨC
TẤN ÐỨC

TT - Nhà hỏng nặng vì hàng xóm đào móng đúc nhà, từ năm 2012 bà Kiểu gửi đơn kiện đến TAND huyện Trần Văn Thời. Hồ sơ lần lượt qua ba vị thẩm phán nhưng đến nay vụ kiện vẫn chưa xong.

Căn nhà của ông Võ Minh Khởi (tiệm vàng Tân Hưng) được giám định có độ nghiêng vượt 4 lần mức độ cho phép về phía nhà bà Lê Thị Kiểu (liền kề bên phải) - Ảnh: Tấn Đức

Ðang sống yên lành trong căn nhà mặt tiền sát bên chợ huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), từ cuối năm 2013 đến nay bà Lê Thị Kiểu cùng vợ chồng người con trai và đứa cháu nội phải đành lòng dọn đi ở trọ vì nguy cơ đổ sập từ ngôi nhà bốn tầng của hàng xóm.

Bỏ của chạy lấy người

Theo đơn khởi kiện của bà Kiểu (62 tuổi, ngụ khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời), vào tháng 4-2011 ông Võ Minh Khởi (chủ tiệm vàng Tân Hưng, ngụ cùng địa phương) xây dựng căn nhà một trệt ba lầu liền kề căn nhà của bà.

Trong quá trình đào bới sâu để xây nền móng đã làm căn nhà của bà bị hư hỏng nặng. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ chiều dài căn nhà ông Khởi (khoảng 20m) đã sụp lún, nghiêng hẳn sang nhà bà khoảng 0,4m.

Ðể có cơ sở giải quyết vụ án, TAND huyện Trần Văn Thời đã có quyết định trưng cầu Công ty cổ phần Tư vấn - đầu tư xây dựng Cà Mau thực hiện giám định mức độ và nguyên nhân thiệt hại của căn nhà bà Kiểu.

Kết quả giám định gửi đến tòa tháng 11-2013 đã ghi nhận: toàn bộ nền nhà của bà Kiểu bị lún về phía hộ ông Khởi, nhiều vị trí bị sụp, nứt, đồng thời tường xây bó hai bên căn nhà cũng bị nứt nhiều vị trí xuyên suốt chiều dài, một số vách ngăn phòng, lanh tô cửa cũng bị hư hỏng hoàn toàn.

Cơ quan giám định kết luận: Nguyên nhân nhà bà Kiểu hư hỏng và thiệt hại là do việc xây dựng căn nhà của ông Khởi gây ra.

Hiện trạng căn nhà ông Khởi đã bị sụp lún nặng, nghiêng về một bên (với độ nghiêng lệch trục sang nhà bà Kiểu 319mm, vượt quá độ nghiêng cho phép hơn bốn lần), mất thẩm mỹ về mặt kiến trúc, phá hoại nghiêm trọng về hệ kết cấu chịu lực, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng và các công trình lân cận nên đề nghị phải ngưng sử dụng căn nhà của ông Khởi và bà Kiểu.

Ðồng thời phải có biện pháp phá dỡ ngay căn nhà của ông Khởi nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng và các hộ dân liền kề...

Sau khi nhận được kết quả giám định, với lời cảnh báo đầy nguy hiểm, gia đình bà Kiểu luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ tai họa có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, đành dọn nhà đi thuê chỗ ở.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng trọ chật hẹp nằm sâu trong con hẻm phía sau chợ thị trấn Trần Văn Thời, bà Kiểu tỏ ra bức bối:

“Nhà thuê chật chội, chỉ hơn chục mét vuông, muốn làm giỗ cho chồng cũng không có chỗ. Gần một năm đi ở thuê, vừa mất thu nhập do không còn mặt bằng để mua bán, vừa phải tốn thêm 2,1 triệu đồng/tháng để trả tiền thuê nhà”.

Chờ ý kiến của lãnh đạo tòa tỉnh (!?)

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao vụ án chậm đưa ra xét xử, ông Giang Trung Kiên - chánh án TAND huyện Trần Văn Thời - cho biết do bên khởi kiện có đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu bồi thường thiệt hại từ thấp lên cao.

Mặt khác, TAND huyện có thay đổi về nhân sự, nên cũng ảnh hưởng tới tiến độ công việc. Người đầu tiên được phân công giải quyết vụ án chưa kịp xử thì hết nhiệm kỳ thẩm phán.

Vị thẩm phán thứ hai tiếp nhận hồ sơ, chưa kịp bố trí thời gian xử đã tới tuổi nghỉ hưu. Vụ án lại phải chuyển qua thẩm phán thứ ba.

Ngoài những lý do khách quan này, ông Kiên cũng thừa nhận: “Tôi tiếp nhận vụ án này hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6. Qua nghiên cứu hồ sơ, thấy vụ này khá phức tạp nên phải chờ tham khảo ý kiến của lãnh đạo tòa án tỉnh.

Tới nay tỉnh chưa xử vụ nào nhà liền kề gây thiệt hại cho nhà kế bên có quy mô lớn như vậy, nên mình phải làm án cho kỹ, để tránh trong quá trình xét xử có sai sót, bản án bị xem xét hủy tới hủy lui!”.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, ông Trương Văn Bình - chánh án TAND tỉnh Cà Mau - cho biết theo quy định của pháp luật thì thẩm phán độc lập xét xử, chứ không phải xin ý kiến gì hết.

Trong trường hợp có khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc cảm thấy vụ án quá phức tạp thì có thể báo cáo ủy ban thẩm phán tỉnh hoặc tòa chuyên trách để nơi này sắp xếp thời gian gặp gỡ, nghe trình bày, góp ý nên xử theo hướng nào cho đúng pháp luật.

Còn xử như thế nào thì thẩm phán căn cứ vào hồ sơ và diễn biến phiên tòa mà tự quyết, tự chịu trách nhiệm.

“Nếu thẩm phán cảm thấy không xử nổi vụ này thì đăng ký gặp trực tiếp, coi như trao đổi cá nhân, chứ không phải xin ý kiến chỉ đạo, thỉnh thị cấp trên” - ông Bình nói. 

Ông Võ Minh Khởi xây nhà không có giấy phép

Phúc đáp đề nghị của TAND huyện Trần Văn Thời về việc cung cấp hồ sơ xin giấy phép xây dựng nhà ở của hộ ông Võ Minh Khởi, ngày 16-12-2013 Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Trần Văn Thời có văn bản khẳng định:

“Sau khi xem xét hồ sơ lưu trữ, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến nay Phòng kinh tế và hạ tầng không thụ lý hồ sơ xin giấy phép xây dựng nhà ở của ông Khởi”. ]

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Vũ, cán bộ địa chính - xây dựng thị trấn Trần Văn Thời, cũng xác nhận: “Trước đây, khi phát hiện việc ông Khởi xây nhà không phép, cán bộ địa chính - xây dựng thị trấn có xuống lập biên bản, hướng dẫn chủ nhà hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép xây dựng. Nhưng đến khi xảy ra sự cố, nhà bị nghiêng lún, ông Khởi đã ngưng xây dựng, căn nhà hiện vẫn chưa hoàn thiện và tới nay thị trấn vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ của ông Khởi”.

TẤN ÐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên