29/04/2007 14:24 GMT+7

Một thời không quên

TẦN HOÀI DẠ VŨ - NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
TẦN HOÀI DẠ VŨ - NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

TTCT - LTS: Cuốn Phác họa chân dung một thế hệ của hai tác giả Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật (NXB Đà Nẵng, 2007) ra đời đúng vào những ngày tháng tư lịch sử; là “những ghi chép lịch sử, đậm chất văn học, không được viết theo một thể loại thuần nhất nào cả” (lời nói đầu).

H5orlsE7.jpgPhóng to

(...) Báo Tranh Thủ (1) ra được gần 40 số thì ba tiểu đoàn Lôi hổ và thủy quân lục chiến của Thiệu - Kỳ tấn công Huế, dẹp bàn thờ ngoài phố, bắt bớ sinh viên học sinh (SVHS) tham gia phong trào. Tôi trốn về ở nhà của một người bạn thời Quốc học tại Quảng Điền, bên bờ phá Tam Giang.

Chính ở đây, lần đầu tiên kể từ khi trưởng thành, tôi được tiếp xúc trực tiếp với những người cầm súng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN. Một đêm, có lẽ vào khoảng 1g sáng, khi tôi đang ngủ bên cạnh người bạn thân thời trung học thì có tiếng đập cửa. Mẹ của bạn tôi đốt đèn và mở cửa nhưng được hai người đàn ông mang súng bước vào nhà yêu cầu tắt đèn ngay. Trong bóng tối tôi không phân biệt rõ gương mặt và hình dáng của hai cán bộ V.C., như cách gọi quen thuộc lúc bấy giờ.

Nhưng qua giọng nói, tôi có thể nhận ra một người khá lớn tuổi và một người trẻ hơn, có lẽ chỉ cùng cỡ tuổi tôi mà thôi. Người đàn ông lớn tuổi nhẹ nhàng đặt cây súng AK xuống bên cạnh chỗ ngồi, hỏi thăm tình trạng của tôi, giọng nói chân tình và thái độ khá chừng mực. Thú thật, khi mới ngồi dậy tiếp chuyện, tôi cảm thấy sợ. Sợ nhất là sẽ bị bắt đi. Nhưng chỉ sau vài câu thăm hỏi, tôi đã tin chắc rằng đây chỉ là một cuộc thăm hỏi mà mục đích tuyên truyền là chính.

Người đàn ông ấy nói nhiều về đường lối, chủ trương đánh Mỹ để giải phóng dân tộc, nêu lên những âm mưu thâm độc của người Mỹ. Cho tới lúc đó, những điều ông ấy nói không còn hoàn toàn xa lạ với tôi, vì tôi đã đọc nhiều và nhất là đã nghe nhiều qua Đài Phát thanh Hà Nội. Nhưng cách nói của người đàn ông này thật sự lôi cuốn tôi, cách nói ngắn ngọn, khúc chiết nhưng lý luận chặt chẽ, và nhất là giọng nói tuy quả quyết mà vẫn êm dịu.

Tôi ngồi im lắng nghe, chỉ trả lời những câu ông hỏi, những vấn đề ông yêu cầu trực tiếp bày tỏ chính kiến. Càng nói chuyện tôi càng thấy có cảm tình với hai con người không nhìn rõ mặt này, và tôi cũng mạnh dạn nêu những thắc mắc. Trong đó tôi nhớ có nêu một câu hỏi biểu lộ cái băn khoăn chung chẳng phải của riêng tôi, mà gần như của mọi thanh niên trí thức lúc bấy giờ, những người vốn ghét Mỹ nhưng cũng thật sự sợ cộng sản: “Liệu nếu chúng ta thắng Mỹ - ngụy rồi thì sẽ theo thể chế nào?”. Người đàn ông lớn tuổi cười khẽ và tôi bỗng dưng sợ tiếng cười ấy, bỗng dưng cảm thấy là mình lỡ lời, đặt câu hỏi không cần thiết.

Sau tiếng cười khẽ, ông ấy trầm ngâm mất một lúc rồi hỏi lại tôi: “Anh đặt câu hỏi như vậy vì nghĩ là sẽ có một thể chế thiếu dân chủ, nếu không muốn nói là độc tài chứ gì? Câu hỏi hay lắm và nếu tôi quả quyết là sẽ có ngay một chính quyền thật sự dân chủ thì tôi cũng không thật với anh. Nhưng tôi tin chắc rằng dù thể chế ấy là gì đi chăng nữa thì chính quyền của chính người VN điều hành, quản lý cuộc sống và xã hội của người VN vẫn hơn là chính quyền do bọn Mỹ cầm đầu”.

Tôi cảm thấy nhẹ cả người, tưởng chừng muốn thở hắt ra một cái. Câu trả lời quá khôn ngoan nhưng rõ ràng là thành thực.

Cuộc nói chuyện kéo dài có lẽ gần đến hai giờ đồng hồ. Khi cả hai đứng dậy chào ra đi, tôi đưa ra đến giữa sân. Người đàn ông lớn tuổi, lúc này tôi nhận ra là khá gầy, dừng lại, đặt tay lên vai tôi một cách thân mật: “Chúng tôi mong anh vẫn tiếp tục giữ tư thế của một SV tranh đấu. Khi nào không chịu đựng nổi thì hãy đi theo chúng tôi, cầm súng gõ lên đầu bọn Mỹ”. Bao nhiêu năm sau tôi vẫn nhớ nguyên văn câu dặn dò ấy.

Và trong những lúc gian truân, nhiều khi tôi nghĩ đến người đàn ông xa lạ ấy, nghĩ đến với một tấm lòng biết ơn và một nỗi băn khoăn chẳng bao giờ giải được, rằng ông ấy còn sống hay là đã hi sinh rồi. Và liệu rằng có một sự thần kỳ nào giúp người đàn ông ấy còn sống, còn có dịp đọc thấy những dòng chữ tôi viết hôm nay?

JMfN3en2.jpgPhóng to
(...) Các sáng tác văn học và báo chí đã trở thành vũ khí đấu tranh của một thể hệ thanh niên. Nhưng có tác động trực tiếp và lay động nhanh chóng tâm hồn cả một lớp tuổi trẻ ở miền Nam thì lại chính là những ca khúc tranh đấu hào hùng. Với lợi thế của loại hình, những bài ca đấu tranh nhanh chóng đi vào lòng người.

Những tiếng hát lời ca ấy không chỉ đánh động ý thức dân tộc, khơi dậy tình yêu nước, kêu gọi những trái tim nồng nhiệt xuống đường tranh đấu. Nét đặc thù tiêu biểu nhất của tiếng hát phong trào là những người sáng tác ra các bài ca đấu tranh và cả những người say sưa truyền bá những ca khúc ấy, đưa tiếng hát đến mọi giảng đường, trường học, đi vào tận những con hẻm nghèo của những khu phố lao động, đều chỉ là những SVHS mà phần lớn họ chưa học qua một trường lớp âm nhạc nào...

Xuất phát từ những tình cảm chân thật, những khát vọng sâu kín nhưng cháy bỏng, các ca khúc phong trào đã thật sự đi vào lòng người, làm rung động trái tim của mọi tầng lớp nhân dân. Điều đó, hai nhạc sĩ phong trào Tôn Thất Lập và Nguyễn Phú Yên, mãi về sau này mới có điều kiện nhớ lại:

“Rõ ràng SVHS đã chọn văn nghệ làm vũ khí đấu tranh hữu hiệu để chống lại các khuynh hướng văn nghệ phi dân tộc, phản động, đồi trụy và lai căng lúc bấy giờ. Tinh thần tranh đấu được SVHS tiếp tục thắp sáng trong Hội Tết Quang Trung Sài Gòn năm 1967, trong đêm thơ nhạc ở ĐH Sư phạm Huế vào tháng 12-1967, trong đêm hội thảo của SV Sài Gòn ngày 27-9-1968, trong đêm nhạc Tôn Thất Lập ở ĐH Dược khoa Sài Gòn (1967) do tạp chí Đất Mới của SV luật khoa Sài Gòn tổ chức và tại ĐH Khoa học Huế tháng 11-1968”. (2)

Cụ thể đó là đêm nhạc “Hát cho dân tôi nghe” của Tôn Thất Lập được tổ chức tối 9-11-1968. Ban cán sự SV Huế lúc bấy giờ, mà người trực tiếp là Trần Văn Hòa, đã bàn với tôi tổ chức đêm nhạc. Ngay cả cái tên “Hát cho dân tôi nghe” cũng là do Trần Văn Hòa đặt. Tôi đã nhờ Trần Đăng Hòa, một SV Cao đẳng Mỹ thuật Huế, con trai của ông bà chủ nhà hàng Lạc Thành, nơi tôi vẫn đến dạy kèm cho ba cô em nhỏ của Hòa, trình bày rất đẹp tấm apphich cỡ lớn giới thiệu đêm nhạc này.

Tấm apphich rất đẹp ấy được đóng lên tường ngay trước lối vào giảng đường C ĐH Khoa học Huế. Đêm nhạc thu hút rất đông SVHS nhưng không trọn vẹn vì cảnh sát đã nhanh chóng can thiệp, gây áp lực với những người điều hành Trường ĐH Khoa học để giải tán đêm nhạc. Tôn Thất Lập, Trần Văn Hòa và tôi rút về căn phòng trên lầu hai thư viện ĐH Huế mà cảm thấy cứ giận điên lên. Sự căm giận ấy có pha một chút cay đắng vì cảm thấy rất rõ sự bất lực của mình trước bạo quyền.

Hình như sau đó, trở vào Sài Gòn, Tôn Thất Lập mới sáng tác một bài ca mới có tên là Hát cho dân tôi nghe. Rồi “Chính trong đêm văn nghệ vì hòa bình, được tổ chức tại Trường đại học Nông lâm súc Sài Gòn đêm 27-12-1969, đã chính thức ra mắt tên gọi “Hát cho đồng bào tôi nghe”, khẳng định rõ nét nhất tính chiến đấu của phong trào văn nghệ SVHS ở các đô thị miền Nam...” (2). Trong các năm 1970-1972, “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã dâng lên thành một cao trào lớn mạnh.

(...) Tháng 4-1969, Trần Văn Hòa bị bắt. Đại tá tỉnh trưởng Thừa Thiên Lê Văn Thân mời chủ tịch ban đại diện SV ĐHSP Huế lên tòa hành chính tỉnh. Tại đây ông Lê Văn Thân đã cho cảnh sát trưởng Liên Thành - cháu nội Kỳ ngoại hầu Cường Để - là một tên cảnh sát ác ôn, kẻ đánh phá phong trào SV Huế ác liệt nhất, kẻ không chừa một thủ đoạn tàn bạo nào, kể cả thủ tiêu thầy giáo cũ Ngô Kha - đưa ra những bức ảnh chụp các loại vũ khí Trần Văn Hòa đã bí mật đưa vào thành phố Huế.

“Đại tá bảo thế thì tôi đành biết thế, nhưng làm sao có thể quả quyết đây là những thứ do chính SV Trần Văn Hòa đưa vào Huế?” - tôi đã đặt câu hỏi như vậy với ông Lê Văn Thân, khi phải nghe những điều hăm dọa là ban đại diện SV sư phạm phải chịu trách nhiệm tinh thần, vì sinh viên ĐHSP Huế hoạt động cho Việt cộng và Trường ĐHSP là nơi có sinh viên ở tù nhiều nhất.

Sau đó không lâu tôi lại được tin Trần Minh Thảo bị bắt... Những người bạn thân lần lượt bị bắt. Rồi bao giờ sẽ đến lượt mình và những người bạn khác?

Mùa mưa của Huế năm ấy như dài lê thê.

Tôi vẫn đi học, vẫn hoạt động, vẫn làm báo, hội họp nhưng vẫn không lúc nào tránh được cái tâm trạng bất an. Có những sớm mai tôi ra đường dưới bầu trời âm u, bước đi giữa những hàng cây trụi lá mà thấy trong người cứ nôn nao cái cảm giác sinh lý của một người ăn không tiêu, bụng cứ như anh ách nặng nề. Nhưng đồng thời có những lúc lại thấy cồn cào, trống rỗng cái cảm giác như đã không được ăn uống nhiều ngày. Và nỗi buồn thì vẫn như những cánh quạ đen bất hạnh bay chập choạng trong lòng... Mỗi buổi sáng đến giảng đường, cứ thầm nhẩm đoán xem hôm nay sẽ vắng mặt người bạn nào. Rất nhiều người bạn đã lặng lẽ ra đi, không một lời từ biệt.

Những người bạn đã ra đi. Những người bạn đã vào tù. Chúng ta không phải đã cùng nhau im lặng xót đau, cùng nhau thấy trước một mùa tai ương thổi tới đó sao? Còn có niềm vui nào cho tuổi trẻ chúng ta, khi đất nước như vẫn chìm trong màn mưa nghẹn ngào? Niềm vui của chúng ta đã bị giẫm nát dưới những gót giày đinh xa lạ. Nhưng phải chăng chúng ta đã cam chịu, đã cúi đầu chấp nhận? Một ngàn lần không vì trái tim chúng ta vẫn không ngừng đập, vì những vầng trán bất khuất của những người bạn đã ra đi vẫn như còn ánh lên rạng ngời cái ánh sáng kiêu dũng trong ký ức của những người ở lại.

Vì những hình ảnh của một ngày chưa xa vẫn thầm nhắc nhở không thể xuôi tay. Hình ảnh của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, hình ảnh của hai người giải phóng quân đêm nào ở một làng quê bên phá Tam Giang, hình ảnh hiền lành, điềm đạm nhưng cứng rắn của Hòa, cái giọng tranh luận chắc nịch và nặng như sỏi đá Cam Lộ của Thảo hay cái dáng vẻ quê mùa, chậm chạp của Hồ Cư, học ban sử địa, có một thời gian ngắn đến ở chung phòng với tôi, chẳng ai ngờ vậy mà một hôm bỗng nghe tin đã bị bắt vì hoạt động cách mạng... Tất cả những hình ảnh ấy, những hồi ức ấy khiến tôi không thể không luôn luôn phải tự vấn, tự xét lại mình.

(...) Có tin Trần Văn Hòa đã bị đưa đi Côn Đảo. Tôi đã làm đơn xin vào thăm Thảo lần thứ hai mà không được chấp thuận. Nhìn chiếc xe chở tù, tôi lại nhớ Hòa, nhớ Thảo. Và thật lạ, tôi liên tưởng đến người xưa mài gươm dưới trăng, tôi nhớ đến câu thơ của Đặng Dung: Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma (Thù nước chưa xong đầu đã bạc/ Gươm mài vầng nguyệt đã bao ngày).

Mái đầu của Trần Minh Thảo cũng đã bạc một nửa rồi còn gì, dù chỉ mới 24-25 tuổi (về sau, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có câu thơ tặng Trần Minh Thảo: “Tuổi chớm ba mươi bạc nửa mái đầu”). Phải có người mài gươm dưới trăng mới có thể có những người nông dân mỗi sáng mai thức dậy cùng tiếng chim kêu, thanh thản ra đồng gieo hạt lúa giống và gieo cả mồ hôi, hi vọng xuống thửa ruộng sẽ tới ngày bội thu.

Nhưng trong những năm tháng này, khi thuốc khai quang phủ đầy đồng ruộng, rừng xanh, khi người ta muốn khai quang đến cả tư tưởng, đời tư, thì làm sao còn có thể trở về quê mẹ một ngày nào đó để thanh thản rửa chân bên bờ ao vườn cũ. Nghĩ cho cùng, những liên tưởng, những mơ ước kia chỉ có thể có một cách giải quyết, một cách duy nhất thôi là phải làm cho chấm dứt cuộc chiến tranh diệt chủng này, là phải có hòa bình trên chính mảnh đất quê hương đang bị bom đạn ngoại bang cày xới từng ngày.

Quyết tâm ấy là điều tất nhiên phải đến trong tư tưởng của những người trẻ tuổi đã dấn thân. Quyết tâm ấy càng được đẩy tới nhanh hơn vì hình ảnh những gót giày đinh giẫm trên hè phố mà như giẫm nát hồn mình, và những buổi sáng mai của cái mùa mưa xứ Huế như dài vô tận năm ấy, khi tôi ra đường tưởng như thấy được cả mùa đông nhỏ xuống lòng mình từng dãy mộ bia...

(...) Nhưng ánh mắt của Hòa và Thảo trong tù vẫn không ngừng ám ảnh. Trong trường hợp này, nếu nói không lo sợ là nói dối. Thú thật, có lúc tôi đã cảm thấy sợ hãi. Nhưng chiếm lĩnh toàn bộ tâm hồn tôi là một thứ tình cảm thương bạn lạ lùng. Chen lẫn cả cảm giác bất lực. Thứ cảm giác bất lực này cứ đeo bám lấy tôi trong suốt những ngày tháng ấy.

Và có lẽ cũng chính cái cảm giác bất lực ấy đã tạo nên trong tôi một thứ phản ứng ngược, nó âm thầm tác động, chi phối tôi; thậm chí tôi cũng không hoàn toàn ý thức được, chỉ đến những ngày tháng về sau, tự chiêm nghiệm lại sự chọn lựa của mình, tôi mới phát hiện rằng chính cái cảm giác bất lực khốn khổ ấy đã đẩy tôi tới sự chọn lựa dứt khoát, rằng phải hành động tích cực hơn, cụ thể hơn là phải đi hẳn về phía Mặt trận Dân tộc giải phóng. Và tôi đã đến với cách mạng từ những chuyển biến tâm lý lạ lùng như thế đó.

(1) Tiếng nói của Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng Thừa Thiên - Huế, ra đời năm 1966.

(2) Tiếng hát những người đi tới, NXB Trẻ, 1992.

TẦN HOÀI DẠ VŨ - NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên