07/02/2018 08:17 GMT+7

Một tháng 20 người chết, mất tích: Báo động tàu cá gặp nạn trên biển

TRƯỜNG TRUNG - ĐÔNG HÀ - TRẦN MAI
TRƯỜNG TRUNG - ĐÔNG HÀ - TRẦN MAI

TTO - Thời tiết biến động bất thường, cộng với tính năng kỹ thuật của các phương tiện đánh bắt không đảm bảo đã khiến rất nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ liên tục gặp nạn.

Một tháng 20 người chết, mất tích: Báo động tàu cá gặp nạn trên biển - Ảnh 1.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn khu vực 2, Đà Nẵng tiếp cận một tàu cá bị nạn trên biển vào ban đêm - Ảnh: THANH PHÚ

Việc ngày càng nhiều tàu cá gặp nạn trên biển do hư hỏng máy móc, thiết bị vì cơ quan đăng kiểm quá dễ dãi. Cả lực lượng biên phòng cũng có phần trách nhiệm trong đó.

Ông TRẦN CHÂU (phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)

Chỉ tính riêng tháng 1-2018 đã có ít nhất 20 ngư dân chết, mất tích khi đang hành nghề đánh bắt trên Biển Đông.

Liên tục gặp nạn

Dù sự cố trên biển xảy ra đã hơn 20 ngày, đến giờ ông Nguyễn Nhật (trú Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - thuyền trưởng tàu ĐNa 90415 - vẫn chưa hoàn hồn. Ông Nhật kể lại ngày 15-1, tàu ông đang đánh cá cách Đà Nẵng chừng 48 hải lý, bất ngờ tàu gãy bánh lái trong tình cảnh gió mùa giật cấp 7 dữ dội. 

"Suốt đêm chúng tôi chia nhau xuống biển khắc phục nhưng thất bại vì biển động dữ dội. Sóng đánh cao phủ cả nóc tàu nên mới thả trôi vài tiếng mà cả tàu đã kiệt sức. Thấy mọi người hoang mang, tôi liền phát tín hiệu cấp cứu ngay trong đêm. May là lực lượng cứu hộ kịp có mặt" - ông Nhật nói. 

Trong khi tàu cứu hộ SAR 412 (cứu nạn khu vực 2) đang vượt sóng đêm tiếp cận đưa các ngư dân này vào bờ, hệ thống Thông tin duyên hải VN tiếp tục nhận được thông tin hai tàu cá của ngư dân Nghệ An và Phú Yên đang thả trôi trên biển do hỏng máy. 

Tiếp đến, trưa 26-1, tàu SAR 413 (cứu nạn khu vực 3) đã kịp lai dắt đưa tàu vỏ thép BĐ 99199 cùng 9 ngư dân cập đảo Côn Đảo an toàn. Con tàu này bị hỏng máy, mất khả năng di chuyển trong khi biển động rất dữ dội, buộc thuyền trưởng phải phát tín hiệu cứu nạn.

Mới nhất, ngày 4-2, tàu cảnh sát biển 9001 (Vùng cảnh sát biển 3) cũng đã kịp có mặt cứu sống 12 ngư dân huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) trong thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Trước đó đêm 2-2, tàu cá này bị đứt neo và trôi dạt trên biển. Gặp sóng to gió lớn nên tàu bị vỡ thân, nước tràn vào khoang máy và bị chìm. 

"Khi chúng tôi đến, tàu cá đã chìm, chỉ còn nổi lập lờ phần cabin. Chỉ chậm khoảng hai tiếng thì sẽ rất khó trong tìm kiếm và cứu nạn các ngư dân bởi thời tiết xấu và ban đêm trời tối" - đại úy Bùi Văn Thắng, chính trị viên tàu cảnh sát biển 9001, cho biết.

Một tháng 20 người chết, mất tích: Báo động tàu cá gặp nạn trên biển - Ảnh 3.

Nguồn: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Cuộc gọi cầu cứu tăng đột biến

Theo ông Đoàn Ngọc Hiên - quyền giám đốc Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng, năm 2017 đơn vị này liên tục nhận được những cuộc gọi cầu cứu của ngư dân. Đặc biệt, trong hai tháng trở lại đây, số lượng các cuộc gọi thông báo tàu gặp sự cố do thời tiết trên biển tăng đột biến. 

Tương tự, ông Bùi Tân Nguyên, giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 - Đà Nẵng, cho biết 2017 là năm "kỷ lục" về cứu nạn cứu hộ tại vùng biển miền Trung với 32 lần ra khơi cứu nạn: "Mới đây nhất, chúng tôi phải cứu nạn cùng lúc hai vị trí khác nhau trên biển".

Theo ông Lương Trường Phi - phó giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (VungTau MRCC), năm 2017 trung tâm đã 37 lần điều động tàu chuyên dụng ra biển cứu nạn, trong đó có 20 chuyến đi cứu tàu cá của ngư dân, tăng gấp đôi so với năm 2016. VungTau MRCC cũng ghi nhận năm 2017 có 96 người đã chết và mất tích trên vùng biển từ Bình Thuận vào đến Kiên Giang. 

"Khó khăn nhất của chúng tôi chính là biến đổi khí hậu với thời tiết diễn biến thất thường, khó lường. Ngoài ra, còn có một số khó khăn khác như ý thức chấp hành an toàn hàng hải của ngư dân còn thấp, các tàu cá thiếu thiết bị cứu sinh, thông tin liên lạc" - ông Phi nói.

Thành lập các tổ, đội đánh bắt

Để giảm thiểu tai nạn trên biển, ông Bùi Tân Nguyên khuyến cáo ngư dân khi nghe cảnh báo thời tiết xấu phải về bờ hay tìm nơi tránh trú, đồng thời phải thường xuyên giữ liên lạc với đất liền.

Khi xảy ra sự cố, tai nạn phải báo ngay với các cơ quan cứu nạn. Đối với tàu cá nên đi đánh bắt theo tổ, đội để có xảy ra tai nạn thì huy động ngay tàu tại chỗ.

"Dù lực lượng cứu nạn luôn trong tư thế sẵn sàng, nhưng vẫn có những trường hợp đến nơi thì tàu đã chìm, ngư dân đã mất tích" - ông Nguyên nói.

Thiệt hại vì nhiều lý do

Theo một lãnh đạo Nhà máy đóng tàu X50 (Tổng công ty Sông Thu), việc hiện đại hóa trang thiết bị đội tàu đánh bắt vẫn còn "khoảng cách" so với trình độ nhận thức của ngư dân. Theo vị này, khoảng 10 năm trở lại đây, đội tàu đánh bắt xa bờ ven biển miền Trung tăng mạnh. Đội tàu cải hoán và những con tàu đóng mới trên 1.000 mã lực đủ sức đi "xuyên trăng", vươn khắp Biển Đông đánh bắt. 

Tuy nhiên, trình độ sử dụng máy móc của ngư dân vẫn còn những hạn chế nhất định. Cũng theo vị này, cường độ khai thác tàu trên biển của ngư dân miền Trung rất cao nhưng ít chú trọng đến việc bảo dưỡng máy móc vì sợ tốn kém. Nhiều chủ tàu thích cải hoán, nâng cấp nhưng không tính toán đến sự đồng bộ, phù hợp với các hệ thống trên tàu. 

"Tôi tiếp xúc nhiều trường hợp trên tàu chỉ thuyền trưởng là có bằng cấp chuyên môn, còn lại là dân lao động không rành máy móc. Thành ra khi tàu gặp sự cố, ngư dân chỉ biết kêu trời" - vị này nhận xét.

Theo ông Phùng Đình Toàn - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi: Từ khi nghị định 67 ra đời, hỗ trợ đến 90% tiền mua bảo hiểm nên ngư dân đã tham gia và có ý thức mua lại bảo hiểm khi hết hạn. Vì thế khi tàu gặp nạn, hầu hết đều được bảo hiểm đền bù thỏa đáng.

Riêng khu vực Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Lại - tổng thư ký Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, tỉ lệ tham gia bảo hiểm thân tàu vẫn còn khá thấp. Ngoài ra, trong năm 2017, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi cũng đã hỗ trợ khoảng 400 trường hợp tàu gặp nạn trên biển với số tiền trên 20 tỉ đồng.

Thời tiết không thuận lợi

3683868-lethanhai 2(read-only)

Ông Lê Thanh Hải

Theo ông Lê Thanh Hải - phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, sắp tới nước ta sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi những đợt không khí lạnh tăng cường, gây rét đậm, rét hại.

Bên cạnh đó, kèm theo không khí lạnh là gió đông bắc mạnh gây thời tiết xấu trên biển. Dự báo trong 2 ngày tới, ở vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh.

Ngay cả khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) cũng có gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3-4m; biển động mạnh.

Đến khoảng ngày 10 hoặc 11-2, tiếp tục có đợt không khí lạnh tăng cường, không khí lạnh về kèm theo gió đông bắc mạnh trở lại và thời tiết trên biển có sóng to, gió lớn. Tuy nhiên đợt gió đông bắc mạnh này xảy ra trong thời gian ngắn hơn, chỉ khoảng 2-3 ngày.

Đến cận Tết Nguyên đán sẽ xuất hiện xoáy thấp gần khu vực quần đảo Trường Sa tiếp tục gây thời tiết xấu trên biển. Từ nay đến Tết Nguyên đán liên tục có những đợt không khí lạnh tăng cường, thời tiết trên biển từ Bắc đến Nam Bộ chỉ dịu trong vài ngày thì lại có sóng to, gió lớn. Vì vậy bà con muốn ra khơi đánh bắt trong thời gian này cần hết sức chú ý.

QUANG KHẢI

Tàu cá gặp nạn vì đăng kiểm "du di"

26-1 tau mrcc cuu ho ngu dan tren bien (moi) 6(read-only)

Lực lượng cứu nạn tiếp cận tàu cá bị nạn trên biển Đà Nẵng - Ảnh: MRCC cung cấp

Theo ông Võ Đình Tâm - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, năm 2017 số tàu gặp nạn trên biển ở địa phương này tăng đột biến. Từ 10 tàu (năm 2010) đã tăng vọt lên 105 tàu (năm 2017).

Tai nạn trên biển đã khiến 14 thuyền viên phải cấp cứu, 8 người chết và 27 người mất tích. Riêng trong tháng 1-2018 đã có 10 tàu đánh cá Bình Định gặp nạn trên biển.

Cũng theo ông Tâm, khoảng 25% tàu bị nạn là do máy móc, 25% do thời tiết và 50% do chủ quan của ngư dân. Trước đây quy định máy cũ cũng cho đăng kiểm, trong khi tàu ngư dân đóng phần lớn là lắp máy cũ nên những tàu bị nạn do máy móc thì có một phần lỗi của cơ quan đăng kiểm. Hiện số tàu đánh cá ở Bình Định lắp đặt máy cũ, máy bộ cải hoán còn rất nhiều.

Vì vậy, năm 2018 ông Tâm khẳng định sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đăng kiểm trước khi cho tàu xuất bến: "Đăng kiểm viên đi kiểm tra thực tế phải chụp lại hình ảnh máy móc, thiết bị của tàu, sau đó đưa về phân tích rồi mới cấp phép đảm bảo các điều kiện an toàn để tàu đi biển".

Một nguyên nhân khác là ngư dân hầu hết không chịu học tập, huấn luyện về vận hành, khai thác con tàu... dẫn đến tàu nhanh hư hỏng, dễ gặp sự cố và gặp tai nạn trên biển.

Trước thực tế trên, ông Tâm cho biết đã yêu cầu siết chặt lại công tác đăng kiểm, không thể lơ là, đồng thời tăng cường đào tạo nâng tay nghề cho lực lượng trực tiếp đi biển.

Tương tự, ông Võ Khắc Én - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa - cho biết việc đăng kiểm đối với tàu cá theo quy định là từng năm một, thế nhưng khi sửa chữa, nâng cấp tàu cá, nhiều ngư dân thường làm chắp vá dẫn đến tính đồng bộ của máy móc không cao, vậy nên khi tàu ra khơi gặp sóng to gió lớn sẽ không chịu nổi. Nhất là các tàu cá do tiết kiệm chi phí đã lắp hộp số Trung Quốc.

"Hộp số Trung Quốc may rủi lắm. Có cái do chất lượng luyện kim thấp nên khi sóng to quật mạnh sẽ bị bể, vỡ gây hỏng hóc ngay trên biển. Đó là chưa kể nhiều thuyền trưởng non kinh nghiệm, khi gặp sóng lớn lại cho tàu chạy "gối sóng" khiến tàu bị sóng dập, có khi quật gãy luôn cả các trục thiết bị, bánh lái" - ông Én nói.

D.THANH - P.S.NGÂN

Nước mắt nơi cửa biển Lạch Bạng

thanh hoa, gia dinh 8 ngu dan o xa hai thanh lam le goi hon cho cac nan nhan (1) 5(read-only)

Lực lượng cứu nạn tiếp cận tàu cá bị nạn trên biển Đà Nẵng - Ảnh: MRCC cung cấp

Đã gần một tháng kể từ hôm xảy ra tai nạn trên biển, mọi hi vọng gần như không còn nhưng những ngày qua, nhiều gia đình ngư dân xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vẫn tiếp tục ra cửa biển Lạch Bạng ngóng tin từ những đơn vị tìm kiếm người mất tích trên biển. Nước mắt họ đã rơi khi cả 7 ngư dân đến nay vẫn chưa trở về.

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, đợt gió mùa đông bắc tăng cường đầu tháng 1 đã làm 5 tàu cá với 25 lao động bị chìm; 10 lao động được cứu và đưa vào bờ an toàn, 15 ngư dân còn lại mất tích. Phần lớn các tàu cá này làm nghề câu mực và bị chìm quanh đảo Hòn Mê và đảo Bạch Long Vĩ.

Anh Lê Văn Thiện (trú huyện Tĩnh Gia, con trai ông Lê Văn Thực, chủ tàu cá TH-91552 bị chìm ngoài khơi đêm 8-1) kể lại: "Khoảng 22h đêm 8-1, nghe tin thời tiết có gió mùa, bố tôi cùng 7 ngư dân trên tàu thả neo đậu, gió mạnh cấp 9. Một cơn lốc xoáy trên biển trùm con sóng to lên tàu.

Lúc này, 8 ngư dân thấy tàu đang bị chìm rất nhanh nên gọi nhau lấy phao cứu sinh kết thành bè, chờ cứu hộ. Do sóng quá lớn, lại ngâm lâu trong nước biển nên một số người đã không thể trụ được, buông tay khỏi phao. Trong đêm tối giữa biển khơi, tôi may mắn được một tàu cá kịp đến cứu sống".

Theo chính quyền xã Hải Thanh, trong số 8 ngư dân địa phương mất tích trên biển, đến nay mới tìm thấy thi thể ông Nguyễn Văn Nguyên, 7 người còn lại vẫn chưa được tìm thấy. Trong số 15 người mất tích hiện mới tìm thấy 3 người, 12 người còn lại vẫn chưa tìm thấy.

HÀ ĐỒNG

TRƯỜNG TRUNG - ĐÔNG HÀ - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên