Vậy mà vẫn có một số điều tôi chưa bao giờ dám nói với ông, trong số đó có những lời nhận xét về con người và văn chương ông. Không phải là vì những nhận xét ấy xoàng xĩnh (nếu vậy hẳn chính tôi sẽ quên rất nhanh) mà vì những nhận xét ấy quá độc đáo, nhưng nếu nói thẳng trước mặt ông, e có vẻ suồng sã, thậm chí báng bổ; mà tôi thì lại ở lứa tuổi con ông, không khi nào dám suồng sã, khiếm nhã trước ông.
![]() |
Xin kể một chuyện:
Mùa thu năm 1982, Hội nhà văn Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Hội nhà văn Á - Phi và cuộc gặp gỡ quốc tế các nhà văn Á - Phi tại TP.HCM. Nguyễn Đình Thi là tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam nên đương nhiên là người giữ trọng trách điều hành công việc.
Thời điểm ấy, theo lời bàn mảnh với nhau trong văn giới thì chính Nguyễn Đình Thi vừa trải qua một chu kỳ từ “bị bạc đãi” chuyển sang “được trọng dụng” (những chu kỳ này lặp đi lặp lại nhiều lần trong đời ông) nên ông hoạt động rất hăng hái. Vả chăng những công việc đối ngoại vốn rất hợp với tư chất ông.
Thời gian đó, tôi chưa là hội viên nhà văn, nhưng là cán bộ trong cơ quan của Hội, nên được huy động phục vụ hội nghị. Vai trò tôi được giao là thư ký của trưởng ban tổ chức hội nghị Nguyễn Đình Thi. Có cả một tổ thư ký lo các việc về nội dung. Các anh Thúy Toàn, Bằng Việt... thì lo việc dịch các tham luận từ tiếng Nga; một nhóm dịch giả bên Bộ ngoại giao thì giúp dịch các tham luận tiếng Anh, tiếng Pháp, và nhất là đảm trách trực dịch tại ca-bin hội nghị. riêng tôi, ngay thời gian trù bị đã được ông Thi giao tìm người để viết một tham luận về quan hệ trong vùng Đông Nam Á (về sau tôi hiểu đây chỉ là một trong rất nhiều cử chỉ ngoại giao của ta khi đó hướng về ASEAN).
Vào đến TP.HCM thì tôi lại được ông Thi giao việc tiếp xúc với hai đoàn Lào và Campuchia để có thêm hai bản tham luận nữa.
Phải nói là tại hội nghị ấy, người Việt Nam nổi bật nhất chính là Nguyễn Đình Thi. Ông luôn luôn biết cách thu hút sự chú ý của cử tọa. Chứng kiến hoạt động của ông tại hội nghị này, người ta khó mà không nghĩ rằng ông dư khả năng để làm một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Tất nhiên các đề tài được đề cập trên diễn đàn hội nghị ấy chỉ xoay quanh một vài chủ đề chính trị toàn cầu đương thời: Chống chạy đua vũ trang, chống chiến tranh hạt nhân, ủng hộ cuộc đấu tranh của Palestine do tổ chức P.L.O. lãnh đạo.
Từ phía chủ nhà, phải tìm cách khéo léo nêu rõ vai trò hợp lẽ phải và chính nghĩa của Việt Nam tại Campuchia. tóm lại, đề tài ngôn luận không phải là những điều quá rắc rối, tuy cũng không hề giản đơn. Không phải nhà văn nào cũng có thể hùng biện với những đề tài như thế. Nhưng với Nguyễn Đình Thi, khi muốn, ông có thể làm được, thậm chí ở mức xuất sắc.
Tôi nhớ, ngay ở buổi khai mạc, Nguyễn Đình Thi đã có lúc cao hứng đến mức làm lúng túng cho các phiên dịch viên ở các ca-bin trực dịch khi ông bỏ bản diễn văn tiếng Việt viết sẵn, trực tiếp nói bằng tiếng Pháp, và lời lẽ tất nhiên không trùng với câu chữ trên bài viết đã có.
Phiên dịch viên ca-bin tiếng Pháp bỗng nhiên được nghỉ, nhưng các phiên dịch viên tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Arab lại lúng túng không biết nên dịch theo bài có sẵn hay dịch đuổi theo lời trực tiếp; vả chăng muốn bám theo lời nói trực tiếp thì lại cần phải có lời dịch Việt “tại chỗ”, chứ không phải ai cũng có thể trực dịch Pháp - Anh, Pháp - Nga, Pháp - Arab...
Dăm phút lúng túng trôi qua, phía ca-bin có cách đáp ứng mới: phiên dịch viên tiếng Pháp trực dịch ra tiếng Việt, các phiên dịch viên khác từ đấy lại trực dịch sang tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Arab,... Tất nhiên sự lúng túng chỉ xảy ra vài phút ở các ca-bin phiên dịch.
Còn ở phía hội trường, các tràng pháo tay nổi lên giòn giã sau mỗi đoạn hùng biện của diễn giả. Các khách mời đến từ Nga, từ Trung Á, Đông Âu, châu Phi, kể cả mấy nhà văn đến từ Nhật Bản, hình như số đông đều ít nhiều biết tiếng Pháp, nên họ hào hứng hẳn lên khi vị chủ tọa nước chủ nhà trực tiếp nói bằng tiếng Pháp. Và phiên khai mạc đã kết thúc trong trạng thái khá phấn khích.
Tôi nhớ, khi tôi rời khu vực các ca-bin trực dịch xuống phòng họp để ra khỏi hội trường, người quen thứ nhất tôi gặp là nhà văn Nguyễn Minh Châu. Nhìn xung quanh, thấy hầu hết là khách nước ngoài, anh Châu ghé tai tôi nói khá to một nhận xét anh vừa khám phá được: “Hôm nay văn tài Nguyễn Đình Thi xuất tinh hết sang chính trị!”. Nói rồi Nguyễn Minh Châu đưa tay che miệng, vặn nghiêng người cười lặng đi, kiểu cười rất riêng của anh. Tôi cũng phá ra cười vì cái nhận xét khá... “quái” này, nó là cả một phát hiện, một sáng tạo từ ngữ của Nguyễn Minh Châu.
Hai hôm sau, tôi có thêm một dịp để thấy Nguyễn Minh Châu có lý khi tôi được tham dự cuộc mít-tinh đoàn kết với Palestine tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM.
Lúc các nhà thơ Palestine và các nước khác đứng lên đọc thơ, hầu hết các phiên dịch viên đi cùng các nhà thơ này đều... bí, đành đứng im chịu trận. Ai gỡ bí bây giờ? Lại là Nguyễn Đình Thi từ hàng ghế khách mời đứng lên; mỗi đoạn thơ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp đọc xong, ông Thi dịch ngay, không có vần nhưng ý nào rõ ý ấy, và tiếng vỗ tay lại nổi lên không ngớt. Tất nhiên kiểu dịch “ứng tác” này, khó ai dám bảo là chuẩn xác, nhưng tại thời điểm đó, xử lý được như ông Thi là tuyệt vời!
Trước hôm những người dự hội nghị rời TP.HCM bay ra Hà Nội, tôi có dịp ngồi với ông Thi đến tận 2 giờ sáng tại phòng ông trong khách sạn Majestic. ban đầu là những điều thuộc công việc, sau rồi chuyển sang câu chuyện văn chương. Ông hỏi tôi dư luận về việc tổ chức hội nghị, tôi báo cáo ông một số nhận xét tôi nghe được; thế nhưng cái nhận xét rất đặc sắc kể trên của Nguyễn Minh Châu thì tự tôi thấy chẳng bao giờ có thể nói ra với ông, dù rằng nó chẳng có gì đáng giấu giếm.
Tuổi Trẻ Cười Xuân Nhâm Thìn hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận